Độc quyền vàng miếng khiến doanh nghiệp mất bình đẳng trong kinh doanh
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ gặp khó khăn khi họ không được cấp phép nhập khẩu vàng mà nhu cầu ngày càng tăng nên có trường hợp phải mua vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu. Điều này gây rủi ro cho doanh nghiệp, lại tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một số đơn vị phải hoạt động cầm chừng
Không thể phủ nhận từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP, thị trường vàng trong nước đã ổn định, không còn cơn sốt giá vàng và vàng không còn là công cụ thanh toán trong nền kinh tế. Tuy nhiên hơn một thập kỷ trôi qua, một số quy định trong Nghị định đã không còn phù hợp và cần được thay thế, trong đó có liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Ban Pháp chế (VCCI) - cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp phản ánh tập trung vào hai nội dung bất cập. Thứ nhất là cơ chế quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ. Xác định đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện liệu có hợp lý không, trong khi các điều kiện kinh doanh của ngành nghề này chưa thực sự rõ ràng. Ví dụ: Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (không rõ các trang thiết bị nào được cho là cần thiết?) và không có tính đặc thù (đây là điều kiện mà ở ngành nghề sản xuất thông thường nào cũng có).
Thứ hai là quy định liên quan đến thủ tục cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chưa thực sự minh bạch. Nếu dựa vào Điều 14 Nghị định 24 về xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu, doanh nghiệp thực sự không biết mình phải đáp ứng điều kiện gì để được nhập khẩu vàng nguyên liệu.
“Để đáp ứng được các điều kiện kinh doanh vàng miếng phải là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vì phần lớn các điều kiện đều có tính chất yêu cầu về quy mô (vốn, mạng lưới tổ chức các chi nhánh …) và không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được. Các điều kiện trên liệu có phải hướng đến sự kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp? Nếu là mục tiêu này thì cần xem xét lại tính phù hợp với các mục tiêu khi ban hành điều kiện kinh doanh quy định tại pháp luật về đầu tư” - bà Hồng đặt vấn đề.
PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, các doanh nghiệp hiện không bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng không căn cứ vào bất kỳ tiêu chí nào của thực tiễn mà đi ngược lại với quy luật tự nhiên của thị trường. Điều này bóp nghẹt mạng lưới phân phối đã hình thành nhiều năm trên cơ sở nguyên lý cung cầu. Doanh nghiệp, tổ chức bị tước đoạt những công cụ bảo hiểm rủi ro trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh.
“Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ gặp khó khăn khi họ không được cấp phép nhập khẩu vàng mà nhu cầu ngày càng tăng nên phải mua vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, mua hàng nhập lậu. Điều này vừa tạo rủi ro cho doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển.
Một số doanh nghiệp vàng trang sức không được vay vốn ngân hàng, không có nguyên liệu sản xuất nên phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp vàng trong nước sụt giảm trong khi hàng trang sức từ nước ngoài mẫu mã đẹp, giá rẻ dẫn đến các doanh nghiệp trong nước tụt hậu với thế giới, khó có thể cạnh tranh được và bắt buộc phải trở thành đại lý của các doanh nghiệp vàng nước ngoài” - ông Long nêu rõ.
Đưa sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng đề nghị rà soát các quy định và tiến hành sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Trong các quy định trong lĩnh vực này, cần nghiên cứu, xem xét đưa ngành nghề sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính cần đảm bảo tính minh bạch, phù hợp.
Đồng thời các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính nên quy định tại Nghị định. Hiện nay, phần lớn các thủ tục hành chính, thậm chí là điều kiện để cấp giấy phép trong lĩnh vực này quy định ở cấp thông tư. Bà Hồng cho rằng điều này là chưa phù hợp về mặt pháp lý.
GS.TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - khuyến nghị: “Thương hiệu vàng quốc gia đã đến lúc hoàn thành sứ mệnh của nó, chúng ta trả lại cho vàng là sản phẩm hàng hoá thông thường. Doanh nghiệp nào có đủ năng lực sẽ có sản phẩm của mình đưa ra nhưng Nhà nước phải quản lý”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận