Doanh nghiệp xuất khẩu 'lỗi hẹn' giao hàng vì phụ thuộc hãng tàu
Không chỉ tăng cước vận tải, các hãng tàu còn trễ thời gian giao hàng, khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến uy tín, cũng như khả năng cạnh tranh.
"Lỗi hẹn" thời gian giao hàng
Trên các diễn đàn về logistics, nhiều doanh nghiệp liên tục than phiền về tình trạng bị các hãng tàu vận chuyển "giam" hàng. Điều này không chỉ khiến sản phẩm bị hư hại do để lâu ngày, mà còn khiến doanh nghiệp “mất điểm” với khách hàng vì không giao hàng đúng hẹn.
Chẳng hạn, Công ty A.N.T Shipping có đặt chỗ để vận chuyển một lô hàng với Công ty Kinh doanh vận tải biển (NVOCC). Thế nhưng sau đó, Công ty NVOCC đã "bán lại" đơn hàng cho Hãng tàu CMA. Ban đầu, ngày tàu chạy dự kiến là 2/3/2022, nhưng không biết vì lý do gì mà lô hàng liên tục bị trì hoãn.
Về lâu dài, nếu cước phí không được giải quyết, ngành nông nghiệp sẽ gặp khó, không thể cạnh tranh với các nước khác.
Theo lời kể của anh Nguyễn Minh Hiếu, người đại diện Công ty A.N.T Shipping, sau nhiều lần trễ hẹn, bên hãng tàu hứa hẹn sẽ cho hàng lên tàu vào ngày 4/4/2022 (tức trễ hơn 1 tháng). Thế nhưng, đến ngày 4/4, anh kiểm tra trên hệ thống của cảng Cát Lái và được biết, lô hàng vẫn chưa được đưa lên tàu.
"Trong trường hợp doanh nghiệp đặt chỗ rồi mà hủy, thì sẽ bị các hãng tàu phạt tiền. Thế nhưng khi họ trì hoãn hay hủy chuyến, thì chỉ viết email xin lỗi là coi như xong. Khi đến làm việc thì họ rất khó chịu", anh Hiếu nói.
Câu chuyện trên tại diễn đàn về logistics đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người, bởi nhiều doanh nghiệp khác cũng đang bị hãng tàu bắt ép mà không làm gì được.
Anh Trần Tùng, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chia sẻ, có tình trạng "làm giá" của đại lý và hãng tàu để gây khó khăn, đặt doanh nghiệp vào thế đường cùng. Doanh nghiệp buộc phải chấp nhận đặt chỗ với giá cao, vì nếu không sẽ lỡ chuyến hàng giao cho đối tác. Việc "làm giá" hoặc cố tình "găm hàng" này khiến các chủ hàng buộc phải trả thêm cho bên khác, có khi tới cả ngàn USD.
"Kẹt cảng, lịch tàu liên tục lùi, nhiều container kéo vào cảng không có chỗ, nên ùn ứ, doanh nghiệp nào muốn được hạ container sớm thì phải có phí ‘lót tay’. Điều này khiến chi phí của doanh nghiệp càng bị đội lên", anh Tùng bức xúc.
Gánh nặng chi phí
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thủy sản Việt Nam đã xuất sang 160 quốc gia và phần lớn vận chuyển bằng đường biển. Trong đó, hàng xuất khẩu đi Trung Quốc thường được doanh nghiệp chọn xuất phát từ các cảng TP.HCM và Hải Phòng. Tuy nhiên, vấn đề "đau đầu" hiện nay là số lượng tàu, container lạnh tại 2 khu vực này thường xuyên không đáp ứng được nhu cầu, nên có doanh nghiệp bị trễ hạn xuất khẩu cho đối tác.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM) cho biết, cước vận tải biển tiếp tục leo thang, từ vài ngàn USD/container xuất sang Mỹ lên hàng chục ngàn USD và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Tùng cũng đặt nghi vấn các hãng tàu bắt tay nhau đẩy giá thuê container, thậm chí cố tình tạo khan hiếm quá mức ở Việt Nam.
"Về lâu dài, nếu cước phí không được giải quyết, ngành nông nghiệp sẽ gặp khó, không thể cạnh tranh với các nước khác", ông Tùng khuyến cáo.
Chia sẻ vấn đề này, đại diện một hãng tàu ở TP.HCM thừa nhận, tại nhiều thời điểm, lượng tàu và container chỉ đáp ứng được 50-70% nhu cầu. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng mạnh cũng làm cước vận tải tăng theo.
Chẳng hạn, đơn hàng xuất đi Trung Quốc đã tăng 10-15% so với đầu năm và có thể tăng thêm nếu xăng dầu còn tăng tiếp. Trường hợp xuất đi đường bộ cũng tốn khoảng 5.000 USD/container lạnh.
"Nhiều hàng hóa Việt Nam xuất đi các thị trường như Trung Quốc dùng container lạnh, nhưng không nhập hàng mà về không, nên chi phí rất lớn. Hơn nữa, việc thông quan đường biển tương đối chậm do Covid-19, bãi chứa hàng ở các cảng của Trung Quốc cũng ùn tắc", vị này lý giải.
Tại buổi chia sẻ "Cà phê sáng cùng HLA" do Hiệp hội Logistics TP.HCM tổ chức mới đây, ông Trương Nguyên Linh, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 (liên doanh đầu tư khai thác cảng VICT) cho biết, giá xăng dầu tăng mạnh khiến chi phí của doanh nghiệp bị đội lên rất lớn, trong khi không dễ tăng cước với khách hàng.
Theo ông Linh, vào cuối năm 2021, khi làm kế hoạch khai thác hoạt động năm 2022, doanh nghiệp lấy mức giá nhiên liệu dự kiến khoảng 16.000 đồng/lít, nhưng giá nhiên liệu đã lên tới gần 30.000 đồng/lít, khiến chênh lệch chi phí nhiên liệu giữa kế hoạch và thực tế của doanh nghiệp lên đến nửa tỷ đồng/tháng. Trước biến động giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách "bắt tay" với nhau, xây dựng giá cước vận chuyển phù hợp với thị trường.
Chia sẻ vấn đề này, bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM, Giám đốc điều hành Công ty MP Logistics cho rằng, doanh nghiệp vận tải cần làm việc với khách hàng để điều chỉnh giá khi xăng dầu biến động, minh bạch chuyện tăng cước vận chuyển và kêu gọi sự đồng hành của đối tác.
(Theo Báo Đầu tư)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận