menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Long

Doanh nghiệp và người lao động trong 'vòng xoáy' khủng hoảng - Bài 1: Bỗng nhiên nhận thông báo cho thôi việc

Làn sóng người lao động mất việc vẫn chưa dừng lại. Hàng ngàn người lao động mất việc ngay thời điểm cận kề Tết Nguyên đán đang chật vật, loay hoay đi tìm công việc mới để mưu sinh.

LTS: Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tính đến ngày 1.12, có 1.235 doanh nghiệp thuộc 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động. Hơn 430.660 người lao động bị giảm giờ làm và có đến trên 41.550 lao động bị thôi việc, mất việc. Còn theo Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, dự báo tình trạng cắt giảm việc làm sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý I/2023. Trong khi đó, đầu năm 2022, chính cách doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự hiện nay lại là doanh nghiệp tuyển dụng lao động nhiều nhất vì đơn hàng nhiều nhung lại không có lao động. Tình trạng cắt giảm lao động đang như một làn sóng đẩy người lao động vào tình cảnh khó khăn vô cùng và cần có ngay một giải pháp để ngăn chặn tình trạng xa thải lao động hiện nay.

Bỗng dưng... mất việc

Sau buổi tan ca chiều này 28/11, chị Võ Thị Hạnh, công nhân may tại Công ty TNHH H.H ở khu công nghiệp Bình Tân lầm lũi đi về căn phòng trọ rộng khoảng 10m2 của mình và 2 người bạn cùng quên Nghệ An. Cả chị và 2 người bạn cùng phòng đều buồn và đầy lo lắng khi cả 3 đều nằm trong số 300 công nhân bị cho thôi việc đợt này của công ty. Điểm đặc biệt là các chị nhận thông báo cho thôi việc hôm 28 và chính thức bị thôi việc ngày 1.12.

Chị Hạnh kể, năm 2009 chị bỏ hai đứa con nhỏ ở quê cho ông bà Nội nuôi cùng chồng vào Bình Dương làm công nhân may. Chồng chị thì làm bộ phận bảo vệ, năm 2021 dịch bệnh bùng phát, chị và chồng về quê sau đó đầu năm 2022 hai vợ chồng quay lại Bình Dương xin việc. Nhưng do mấy người bạn cùng làng của chị Hạnh đang làm công ty này và lương cũng cao hơn ở Bình Dương nên chị quyết định xin vào đây làm còn chồng vẫn ở lại Bình Dương làm bảo vệ.

"Mỗi tháng tính cả tăng ca tôi có thu nhập 12 triệu, chồng tôi làm bảo vệ được hơn 8 triệu. Hai vợ chồng dữ lại 10 triệu còn lại gửi về quê cho ông bà và các con sinh hoạt, học hành. Thế nhưng từ tháng 9 công ty tôi thiếu việc, chúng tôi phải nghỉ luân phiên và giảm lương. Chồng tôi cuối tháng 10 cũng đã bị công ty cho thôi việc vì công ty cắt giảm nhân viên, giờ tới tôi cũng bị cho thôi việc", chị Hạnh kể.

Nói về kế hoạch sắp tới của mình, chị Hạnh nói hai vợ chồng sẽ về quê ăn Tết vì tết cũng cận kề rồi, sau đó thì ra bắc Ninh xin việc chứ không vào Sài Gòn nữa.

Ngày 30/11 là ngày làm việc cuối cùng của gần 1.200 công nhân nhà máy công ty TNHH Tỷ Hùng (công ty Tỷ Hùng). Những người công nhân thất thểu ra về, mất việc vào thời điểm gần Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, nhiều công nhân vừa buồn, vừa lo lắng và cũng đầy tiếc nuối.

"Gắn bó với công ty mười mấy hai chục năm, chẳng ai nghĩ phải mất việc ở thời điểm này và không thể làm gì khác. Ai cũng buồn và lo lắng. Chúng tôi tổ chức bữa tiệc chia tay ngay trên hè phố nhưng chẳng ai nuốt nổi", chị Bích, công nhân Công ty Tỷ Hùng, chia sẻ.

Đây có thể coi là tâm trạng chung của 1.185 công nhân mất việc. Với vợ chồng chị Kim Hồng (An Giang), nỗi buồn còn nhân lên gấp bội, khi cả 2 đều là công nhân công ty này đã được 5 năm. Khi công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động cả 2 vợ chồng đã chết lặng.

"Lúc nghe thông báo thực sự rất sốc, thà rằng 1 người mất việc còn kiếm cách được chứ cả 2 mất việc thời điểm cận Tết này thì giờ chi tiêu gia đình sẽ khó khăn lắm", vợ chồng chị Hồng ngậm ngùi.

Trong khi đó, sau lưng chị Nguyễn Hường (quê Đồng Tháp) là một gia đình nhỏ với gánh nặng dồn hết lên vai người phụ nữ gầy gò này. Giờ đây, mất việc, sinh hoạt ăn ở con cái, khiến bà Hường không biết phải xoay xở sao.

"Tôi làm công ty này thâm niên mười mấy, hai mươi năm nay, 1 mình nuôi con ăn học. Tiền con đi học và ăn uống hai mẹ con mỗi tháng đã hơn 5 triệu, nhà cửa điện nước các thứ thêm 1,5 triệu đồng nữa, đồng lương công nhân tuy thấp nhưng vừa đủ trang trải, không dư. Giờ tôi mất việc hai mẹ con không biết phải sống sao", bà Hường cho biết.

Nỗi lo của bà Hường cũng như nhiều công nhân mất việc tại công ty Tỷ Hùng là khó tìm việc mới ngay lập tức để có thể trang trải qua ngày. Mất việc ở độ tuổi không còn trẻ, ngoài 30, 40, sẽ vô cùng khó khăn để họ bắt nhịp một công việc mới, khác với những gì họ đã làm suốt mấy chục năm qua.

Trước đó, ngày 2/11, Công ty TNHH Tỷ Hùng (công ty Tỷ Hùng), địa chỉ 162A Hồ Học Lãm, Bình Tân đã thông báo cho 1.185 lao động (quy mô công ty: 1822 lao động) thôi việc từ ngày 1/12 năm nay. Trong đó, có 936 người đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, 249 người đã ký hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Theo nội dung thông báo từ ban lãnh đạo công ty Tỷ Hùng, công nhân nghỉ việc được chi trả trợ cấp mất việc làm 2 tháng lương. Những lao động có thời gian làm việc từ năm 2008 trở về trước được chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định. Công ty cũng sẽ chi tiền thưởng năm 2022, mức thưởng 1 tháng lương cho người làm việc đủ 12 tháng. Tiền lương tháng 11 và thưởng sẽ được công ty chi trả vào ngày 8/12.

Theo ban lãnh đạo công ty, việc gần 1.200 lao động phải nghỉ việc từ 1/12 là do ảnh hưởng kinh tế, các đối tác bị thiệt hại nặng nề dẫn đến công ty bị mất đơn hàng.

"Thời gian qua, dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng công ty không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch. Do đó, phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động", văn bản có chữ ký của đại diện ban lãnh đạo công ty 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc) nêu rõ.

Hồi đầu tháng 10, Công ty TNHH Việt Nam Samho ở Củ Chi bị thương hiệu giày nổi tiếng cắt toàn bộ đơn hàng khiến công suất của nhà máy giảm 30%, tương ứng 3.000 lao động không còn việc để làm. Một số được sắp xếp sang các xưởng khác, phần còn lại phải ngồi không. Nửa tháng trước, doanh nghiệp gửi phương án cắt giảm 1.400 lao động lên Sở LĐ-TB&XH thành phố, để có phương án phù hợp nhằm đảo bảo quyền lợi cho công nhân.

Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, đầu năm nhà máy bỏ rất nhiều chi phí để tuyển mới 1.500 công nhân, tuy nhiên đến nay tình thế đảo ngược hoàn toàn.

"Dù giai đoạn này đang rất khó khăn nhưng phía doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực làm việc với các đối tác còn lại để có thêm đơn hàng mới nhằm giữ chân lao động", ông An cho biết

Người lao động được thông báo về tình hình sản xuất của nhà máy để lựa chọn phù hợp. Khoảng 200 người chủ động nộp đơn nghỉ việc, được công ty trả đủ lương tháng 10. Phần còn lại yêu cầu doanh nghiệp thương lượng đền bù hợp đồng hoặc chờ phương án từ cơ quan chức năng.

Theo ông An số lao động thuộc diện cắt giảm mới được ký hợp đồng vào đầu năm, thời gian làm việc tại công ty chưa đủ 12 tháng. Theo quy định, họ không nhận được trợ cấp mất việc từ doanh nghiệp và cũng chưa thuộc diện được quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả. "Công nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn", ông An nhận định.

Lao động trình độ cao cũng ảnh hưởng

Làn sóng người lao động mất việc không chỉ diễn ra ở những nhà máy sản xuất, với đại bộ phận công nhân lao động. Theo tìm hiểu của phóng viên Nhadautu.vn, rất nhiều lao động trình độ cao, nhân viên văn phòng có mức lương thuộc tầm trung, cao, giữ những vị trí quan trọng tại các công ty cũng bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp và người lao động trong 'vòng xoáy' khủng hoảng - Bài 1: Bỗng nhiên nhận thông báo cho thôi việc

Nhiều lao động trình độ cao coi việc giao hàng, chạy xe ôm công nghệ là cách tồn tại và là lựa chọn nghề nghiệp ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Gojek Vietnam

Đơn cử như chị Lê Vy (trưởng nhóm marketing một công ty chuyên về thiết bị y tế tại quận 10). Từ trụ cột lao động chính của gia đình, giờ đây, chị Vy đối diện với cảnh thấy nghiệp.

"Mức lương tôi ở tầm trung của giới nhân viên văn phòng TP.HCM, khoảng 11 triệu đồng. Tôi đang làm thủ tục xin tăng lương sau thời gian dài đóng góp cho công ty thì nhận thông báo chuẩn bị bàn giao công việc cho nhân sự cấp dưới lương thấp hơn. Công ty tôi có chính sách cho nhân viên cấp trung và cao nghỉ để cân đối quỹ lương, Chính sách công ty như thế thì đành chịu, không phải mình tôi mà khoáng 10 nhân viên cấp trung của công ty đều cùng cảnh ngộ. Tôi chỉ buồn là gần Tết rồi, nghỉ việc giờ thì hơi khó khăn. Tôi đang tính chuyển sang làm shipper giao đồ ăn và hàng hóa cầm cự 1 thời gian", chị Vy cho biết.

Tương tự chị Vy, anh Huỳnh Thiện, quản lý bộ phận nhân sự của một công ty sản xuất bánh kẹo, bán lẻ có trụ sở ở Tân Bình cho biết, bản thân đã làm nhân viên giao hàng và một số công việc tự do trong hơn một tháng nay để trang trải, sau khi công ty cho hàng loạt nhân viên cấp quản lý nghỉ việc để cân đối quỹ lương.

"Thời điểm này kiếm việc mới với mức lương tương xứng liền rất khó. Toàn thị trường đều vậy mà. Nên tôi đành ở nhà, xin chạy xe công nghệ, giao hàng và làm một số công việc khác miễn sao trang trải được qua ngày. Cực lắm, chạy xe giao hàng, chở người gì chăm chỉ lắm mới kiếm được 400, 500.000 đồng mỗi ngày. Về thì người rã rời rồi. Nhưng giờ phải làm biết sao. Đợi qua Tết tính tiếp", anh Thiện nói.

Số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Dân số, Lao động - Việc làm cho thấy, hiện có 20,6% lao động trình độ cao đang tham gia lái xe công nghệ, con số này ở nhóm giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình lần lượt là 36,7% và 11,4%.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm cho biết bên cạnh những doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự do thiếu đơn hàng, đói vốn, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố lại có nhu cầu khá cao tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm.

"Dự kiến, cuối năm, các doanh nghiệp của thành phố cần khoảng 43.000 lao động, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp lễ, Tết", ông Lâm thông tin.

Tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết năm 2022 hơn 2.800 lao động bị mất việc. Tuy nhiên, số liệu từ các địa phương cho thấy chỉ với ba nhà máy ở quận 12, Bình Tân, huyện Củ Chi, lao động bị cắt giảm thời gian qua đã hơn 3.400 người. Một nhà máy giày ở Khu chế xuất Linh Trung II (TP Thủ Đức) với hơn 6.000 công nhân đang tính giảm nhiều nhân sự vì thiếu đơn hàng.

Theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội Bình Dương, đến cuối tháng 10, khoảng 28.000 người bị ngưng việc. Khảo sát của công đoàn tỉnh này cho thấy, khoảng 240.000 lao động bị ảnh hưởng. Tại Đồng Nai, 5 tháng qua có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Con số này ở Long An thời gian qua hơn 1.000 người, có nhà máy giảm 700 nhân sự...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả