Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngưng trệ vì thiếu điện
Nhận thông báo cắt điện 1-10 tiếng, dù máy phát được kích hoạt, một công ty sản xuất tiêu dùng ở Bắc Ninh vẫn không đảm bảo được sản xuất, buộc cho công nhân nghỉ làm.
Công ty sản xuất hàng tiêu dùng này có quy mô 2.000 công nhân tại Bắc Ninh cho biết đã nhận được thông báo cắt điện từ tuần trước (cắt 1-10 giờ, tùy ngày).
"Máy phát điện được kích hoạt nhưng chỉ đủ duy trì một số hoạt động cơ bản và khu văn phòng, không đảm bảo được sản xuất", đại diện đơn vị này chia sẻ. Những hôm mất điện lâu, doanh nghiệp buộc thông báo cho công nhân nghỉ việc, làm bù ca vào ngày khác.
Không riêng công ty sản xuất tiêu dùng trên, nhiều đơn vị khác tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), hay Thăng Long (Hà Nội) những ngày qua đều buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất khi nhận kế hoạch cắt giảm điện 24h trong các ngày 5-6/6, do thiếu nguồn của phía điện lực.
Xưởng mây tre đan vắng lao động vì mất điện, ngày 2/6. Ảnh: Gia Chính
Một lãnh đạo trong Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho hay nhiều doanh nghiệp bức xúc khi phải cho lao động nghỉ làm hoặc đi luân phiên vì bị cắt điện khiến sản xuất ngưng trệ.
Tương tự, tại Bắc Giang những ngày qua, loạt doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Vân Trung cũng nhận thông báo tạm ngừng cấp điện đột xuất trong 24h (từ 7h30 sáng 3/6 đến 7h30 sáng 4/6).
Việc cắt điện luân phiên, vài tiếng hoặc cả ngày đã ảnh hưởng đáng kể tới sản xuất. Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho biết đã phải cho toàn bộ công nhân nghỉ việc sau khi nhận thông báo nhà máy bị mất điện lưới trong 6h.
"Một mẻ sản xuất chất phụ gia thường mất 18h mới cho ra sản phẩm. Nguyên liệu đang "nấu" ở thể nóng chảy, điện mất sẽ đông cứng lại. Chi phí sản xuất lại rất lớn, rủi ro này ai chịu?", ông nói.
Một doanh nghiệp sản xuất, gia công có hai nhà máy tại Bắc Ninh cho hay đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì mất điện. "Thiếu điện khiến chúng tôi phải cho dừng nhà máy từ sáng đến tối, công nhân nghỉ việc và ảnh hưởng tiến độ đơn hàng phải giao", người này chia sẻ.
Đại diện của một hiệp hội sản xuất nói đặc trưng nhà máy khi khởi động lại sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất. "Khi cắt điện đột ngột, ai đền bù thiệt hại cho chúng tôi, không có cơ chế gì cả", ông này nói.
Việc sử dụng máy phát điện với nhiều đơn vị, nhất là sản xuất công nghiệp cũng khó khả thi, bởi mỗi lần chạy động cơ tiêu hao lượng điện năng lớn (500-700 kV), công suất máy phát không đủ đáp ứng. Chưa kể việc đầu tư máy phát điện công suất lớn khá tốn kém.
Thời gian sau đó, khi được thông báo trước lịch cắt điện, chuỗi cắt tóc này có thể chủ động hơn trong việc ứng phó, tuy nhiên, bài toán lúc này lại là chi phí. "Gói thuê máy phát điện đợt rồi dưới Quảng Ninh khiến chúng tôi tốn 25 triệu đồng. Đây vẫn là giá ưu đãi vì đối tác quen và tính toán rất chặt", ông kể. Trong thời điểm bình thường, thị trường ít có nhu cầu, việc thuê máy để khắc phục sự cố điện có giá 12-16 triệu trong một ngày.
"Hôm nào sử dụng máy phát coi như đầu tư để giữ khách, không có lãi, thậm chí còn âm luôn", ông nói thêm. Theo đó, ông Đài hy vọng việc thiếu điện này chỉ là tạm thời, nếu kéo dài, doanh nghiệp sẽ gặp khó với bài toán chi phí.
Chia sẻ khó khăn của ngành điện hiện nay song các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho rằng kế hoạch và phương án cắt giảm điện cần được tính toán để "ưu tiên cao cho sản xuất".
Việc giảm phụ tải điện được các địa phương này đưa ra trong bối cảnh nguồn cung điện cả nước bị thiếu hụt, nhất là tại miền Bắc. Cuối tháng 4, EVN dự báo miền Bắc có thể thiếu 1.600-4.900 MW trong mùa khô. Hơn một tháng sau, tình hình cung ứng điện ở tình trạng "khẩn cấp" hơn khi theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), hệ thống điện miền Bắc có thể thiếu khoảng 8.000 MW trong trường hợp cực đoan, tăng 60% so với dự báo trước đây.
Vì thế, A0 đề nghị tăng mức tối đa ngừng cấp điện của hệ thống điện quốc gia từ 8.000 MW lên 15.000 MW, tương đương điện cho miền Bắc giảm 8.100 MW. Trong đó, mức giảm cấp điện lớn nhất của Hà Nội và TP HCM khoảng 4.100 MW.
Nguyên nhân do thời tiết cực đoan, ít mưa, mực nước các hồ thủy điện rất thấp, thậm chí nhiều hồ ở dưới mực nước chết. Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng điện của người dân, doanh nghiệp tăng cao, có ngày trên 30-40%.
Khi các hồ chứa miền Bắc xuống thấp và về mực nước chết (Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình) sẽ gây ảnh hưởng tới chế độ vận hành miền Bắc do công suất khả dụng nguồn tại đây giảm thêm 2.500-2.800 MW.
Lúc này, tính toán nguồn điện ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh đang được ngành điện cùng các địa phương lên phương án, nhất là nơi có số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất lớn. Từ hôm nay (6/6), Bắc Giang áp dụng phương án ưu tiên cấp điện cho sản xuất vào ban ngày (7h45-17h), còn điện sinh hoạt, dân sinh vào ban đêm. Các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp có đơn hàng gấp thì đăng ký với Ban quản lý các khu công nghiệp, ngành điện và sản xuất 0-5h sáng.
Doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp sử dụng chung đường điện dân sinh, điện lực sẽ khảo sát cụ thể, giải quyết cho từng doanh nghiệp theo khả năng phù hợp. Phương án cấp điện này trước mắt áp dụng trong 20 ngày, sau đó tùy tình hình sẽ tiếp tục điều chỉnh.
Tương tự, Quảng Ninh cũng tính toán ưu tiên cấp điện cho các đơn vị, hộ kinh doanh du lịch, khách sạn.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chiến lược huy động trong thời gian này vẫn duy trì vận hành tối đa nguồn than, dầu khí và năng lượng tái tạo để giữ mực nước các hồ thủy điện, và nâng dần mực nước các hồ lớn phía Bắc.
Ngoài tiết kiệm, ngành điện cũng vận động khách hàng điều chỉnh thời gian sử dụng vào các giờ cao điểm nắng nóng và tham gia chương trình giảm phụ tải (DR). Hiện có khoảng 11.000 khách hàng là các doanh nghiệp tham gia chương trình này, ước tính lượng điện tiết kiệm mỗi ngày khoảng 20 triệu kWh, tương đương 2,5% điện năng tiêu thụ.
Đức Minh - Hồng Chiêu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận