menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Vũ Sơn

Doanh nghiệp ngành thép lãi đậm nhưng thiếu bền vững

Giá thép tăng mạnh, doanh nghiệp thu lãi nhiều, tuy nhiên, cần bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường.

Các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường, tiết giảm chi phí sản xuất, bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước.

“Bứt phá” về lợi nhuận nhờ giá tăng mạnh

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), trong quý I/2021, Tập đoàn đạt doanh thu 31.000 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây có thể coi là “kỷ lục” về lợi nhuận trong một quý của Hòa Phát suốt gần 30 năm qua. Trong đó, có 6.500 tỷ là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, còn lại đóng góp từ việc thoái vốn mảng nội thất.

Năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đặt kế hoạch tiêu thụ 5 triệu tấn phôi thép, thép xây dựng, 2,7 triệu tấn thép cuộn cán nóng, 920.000 tấn ống thép và trên 300.000 tấn tôn mạ các loại. Về chỉ tiêu kinh doanh, Hòa Phát cũng đã thông qua kế hoạch 120.000 tỷ đồng doanh thu và 18.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng mức tăng 31,4% và 33% so với thực hiện năm 2020.

Tương tự, CTCP Tập đoàn Thép Tiến lên (HoSE: TLH) cũng đã công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý I/2021 với doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 979 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 120 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,9% và gấp hơn 30 lần so với cùng kỳ. Mức tăng lợi nhuận ấn tượng này của TLH đặt giữa bối cảnh nhu cầu thép và diễn biến giá thép rất thuận lợi, trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và nền kinh tế vẫn đang ở giữa vòng xoáy bùng phát đại dịch Covid-19.

Đối với TLH, đây cũng là con số lợi nhuận lớn nhất trong một quý mà hãng thép này ghi nhận kể từ thời điểm quý IV/2016. Biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh khi giá thép trên thị trường tăng cao là yếu tố “cốt lõi” tạo nên thành tích lợi nhuận của TLH kể từ cuối năm 2020 đến nay. Với kết quả quý I, TLH đã thực hiện đến 48% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm 2021, theo kế hoạch của công ty.

Bàn về vấn đề gia tăng lợi nhuận nhanh chóng của nhiều doanh nghiệp ngành thép trong bối cảnh giá thép thế giới biến động khó lường, chuyên gia chứng khoán Công ty KB cho rằng, thời gian gần đây, nhiều công ty sản xuất, kinh doanh thép trong nước cũng như một số công ty thép có vốn nước ngoài có kết quả doanh thu, lợi nhuận tăng cao có nguyên nhân từ giá thép tăng nhanh. Điều này còn đến từ việc thiếu hụt cung, đặc biệt là ở các thị trường Mỹ và châu Âu. Trong 10 năm qua, các nước phát triển đã không vận hành lò cao sản xuất thép, chỉ còn lại Trung Quốc, tuy nhiên họ cũng đang cắt giảm sản xuất thép để bảo vệ môi trường. Điều này dẫn đến nguồn cung không còn dồi dào như thời gian trước nữa, trong khi nhu cầu thế giới tăng cao trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch. Do giá thép tăng nên nhiều công ty có sự điều chỉnh tăng giá bán tăng lên từ 30 - 40%, làm tăng không nhỏ lợi nhuận thu về của những công ty thép này.

Tìm hướng đi ổn định

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4/2021 tăng 4,23% so với tháng trước và tăng 27,68% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 23,15%. Nguyên nhân tăng giá nhóm sản phẩm sắt, thép được các chuyên gia chỉ ra là do giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng.

Bên cạnh đó, năm 2021 sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng mở đầu kế hoạch phát triển, nên nhu cầu nhập khẩu sắt, thép tăng và tác động tăng giá sắt, thép toàn cầu.

Tại Việt Nam, dù còn nhiều khó khăn, nhưng dịch Covid-19 luôn được kiểm soát tốt, thúc đẩy sản xuất phục hồi, hoạt động xây dựng khởi sắc. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất sản phẩm, tăng cường mua sắt, thép thà̀nh phẩm đề phòng giá tăng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình… Cùng với đó, nhu cầu sử dụng sắt, thép trên thị trường cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tăng cao do việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây chính là những yếu tố tác động khiến giá sắt, thép trong nước tăng mạnh. Dự kiến năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép, như hơn 18 triệu tấn quặng sắt cho các lò cao, thép phế liệu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện...

Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương cho rằng cần có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước. Nhất là, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường, tiết giảm chi phí sản xuất, bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại