menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Vũ Sơn

Doanh nghiệp lúa gạo “khát” vốn đúng lúc chính vụ

Cập nhật từ thị trường cho thấy, giá lúa bình quân khoảng 8.500 đồng/kg. Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu khoảng 2,7 triệu tấn, tương đương với 6 triệu tấn lúa. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nêu trên, các doanh nghiệp và thương nhân cần khoảng 50.000 tỷ đồng…

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6/2023, dư nợ cho vay ngành lúa, gạo đạt khoảng 196.000 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cuối năm 2022, chiếm 7% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với trên 250.000 khách hàng còn dư nợ.

Dù tốc độ tăng trưởng tín dụng vào lúa gạo nửa đầu năm tăng cao hơn so với mặt bằng chung nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết nhu cầu vốn cho ngày lúa gạo vẫn rất nóng và cấp thiết.

NHU CẦU VỐN LƯU ĐỘNG TĂNG CAO TẠI CÁC THỜI ĐIỂM THU HOẠCH CHÍNH VỤ

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp xuất khẩu gạo có 2 nhóm. Nhóm 1 là các doanh nghiệp thương mại gạo, mua gạo của các nhà cung ứng trong nước và xuất khẩu. Nhóm 2 là các doanh nghiệp tổ chức sản xuất lúa, thu mua lúa, và sản xuất gạo xuất khẩu.

Đối với nhóm 1 thì việc tiếp cận ngân hàng để vay vốn không quá khó, có hợp đồng xuất khẩu là ngân hàng có thể cho vay. Nhưng đối với nhóm 2 thì các doanh nghiệp cần chuẩn bị vốn lớn và phải ứng trước cho nông dân. Hợp đồng đầu ra có thể chưa ký nên ngân hàng không cho vay hoặc cho vay với lãi suất cao hơn thông lệ để bù đắp cho rủi ro cao hơn.

Có thể kể tới một số doanh nghiệp nhóm 2 như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết doanh nghiệp này dự kiến cung cấp ra thị trường 200.000 tấn gạo, đo đó, cần một lượng vốn để thu mua lúa tương đương 3.000 tỷ đồng cho giai đoạn xuất khẩu từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2023. “Ngoài vốn phục vụ cho thu mua lúa gạo xuất khẩu, doanh nghiệp cũng cần đầu tư cho chế biến sâu, nhưng hiện nay doanh nghiệp khó có thể thực hiện được vì cần vốn lớn”, ông Thuận nói và đề xuất trong ngắn hạn, nhu cầu thị trường thế giới đang cao, ngân hàng nên hỗ trợ doanh nghiệp có tiềm lực xuất khẩu, có hàng sẵn trong kho, có tổ chức sản xuất để tận dụng cơ hội “ngàn năm”.

Giá gạo cao dẫn đến nhu cầu cây giống và nguyên vật liệu khác cho các vụ gieo trồng sắp tới tăng cao. Bên cạnh nhu cầu vốn cho thu mua lúa gạo; nhiều doanh nghiệp đang tìm thêm nguồn tài chính để mở rộng đầu tư vụ Thu Đông.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, cũng cho rằng dòng vốn ngắn hạn nhằm thu mua lúa gạo để xuất khẩu hiện gặp rào cản từ lãi suất cao. Điều này dẫn đến tâm lý dè chừng của doanh nghiệp khi thu mua.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ.

Ngoài ra, bà Tâm cho rằng cần tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, tăng cường chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo. Chính sách này có thể chỉ cần áp dụng trong thời điểm thu hoạch, mùa vụ cao điểm và dựa trên kết quả thẩm định, lịch sử kinh doanh của từng doanh nghiệp.

KIẾN NGHỊ HỖ TRỢ TÀI CHÍNH CÓ HIỆU QUẢ CHO NÔNG DÂN TRỒNG LÚA

Theo ông Trương Sỹ Bá, để đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo một cách bền vững, ngoài vốn ngắn hạn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp để đầu tư từ gốc như giống, vật tư nông nghiệp đến thu hoạch, chế biến.

Còn theo ông Nguyễn Duy Thuận, nguồn vốn phải tương ứng với diện tích vùng nguyên liệu và năng lực kho. Cụ thể là 1ha vùng nguyên liệu tương ứng với 25 triệu đồng/123 ngày, 1 tấn kho tương ứng với 10 triệu/60 ngày.

Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 2,7 triệu tấn gạo từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp và thương nhân cần khoảng 50.000 tỷ đồng.

“Trong dài hạn, cần có chính sách đảm bảo nguồn cung tín dụng ổn định cả về hạn mức và lãi suất cho nông dân và doanh nghiệp có tổ chức sản xuất từ đầu vào đến đầu ra, có liên kết với nông dân để tạo ra sự phát triển và lợi nhuận bền vững”, ông Thuận nói.

Theo đó, lãnh đạo Lộc Trời cho rằng nếu doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng thì sẽ có nguồn vốn ứng trước cho nông dân, người nông dân sẽ yên tâm sản xuất, doanh nghiệp có hàng xuất khẩu và giá ổn định.

Theo các chuyên gia, bên cạnh các chính sách về tín dụng, Việt Nam cần thêm các gói hỗ trợ tài chính hiệu quả từ ngân sách cho nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa, gạo nói riêng. Các gói hỗ trợ này được thực hiện theo đúng theo nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cho phép trợ cấp nông nghiệp (trừ trợ cấp xuất khẩu) đến 10% GDP của ngành.

Chẳng hạn như Thái Lan – cường quốc xuất khẩu gạo chỉ sau Ấn Độ, từ năm 2019 đã tích cực triển khai các gói hỗ trợ lên đến hàng tỷ USD cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tăng tính hiệu qủa và cạnh tranh cho sản xuất nông nghiệp. Quốc gia này có các gói cho vay ưu đãi dành cho nông trại quy mô nhỏ, các doanh nghiệp cộng đồng và hợp tác xã nông nghiệp…với lãi suất chỉ 0,01%/năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại