Doanh nghiệp lãi, tiền từ đâu?
Doanh nghiệp càng lãi càng được ngưỡng mộ. Nhiều doanh nhân hào quang rực rỡ. Giờ chẳng ai nói lợi nhuận của nhà tư bản là bóc lột giá trị thặng dư theo lý thuyết của Marx nữa. Ít ai đặt câu hỏi doanh nghiệp lãi tiền ở đâu ra, doanh nghiệp lỗ tiền đi đâu? Có khi nào tất cả các doanh nghiệp đều lãi không? Lý thuyết kinh tế nào có thể trả lời câu hỏi này?
Quan sát thị trường chứng khoán chẳng hạn. Người mua cổ phiếu sau bán đi và có lãi. Lại nữa có người cũng mua cổ phiếu ấy và sau bán lại bị lỗ. Tại từng thời điểm có thể xác định được giá trị sổ sách tổng tài sản của doanh nghiệp chia cho số cổ phiếu (BVPS). Tuy nhiên, giá cổ phiếu lại biến động liên tục trên thị trường chứng khoán và luôn có người lỗ, người lãi khi mua bán. Có những người bỗng trở thành tỉ phú và có những người khác thực sự mất tiền, chỉ khác là ở các thời điểm khác nhau.
Hai doanh nghiệp cùng sản xuất một chủng loại hàng hoá. Một doanh nghiệp có chi phí là 4, doanh nghiệp kia là 6, nhưng giá bán đều là 5. Nếu nói lãi là bóc lột giá trị sức lao động, thì lỗ rất có thể chi phí nhân công ăn vào vốn của nhà tư bản. Theo quy luật giá trị của Marx thì tổng chi phí bằng tổng giá cả. Như vậy, lãi còn do là bán được bao nhiêu. Cùng một chi phí nhưng giá bán mỗi nơi mỗi khác, mỗi cách bán mỗi khác. Giá cả là do người mua sẵn sàng bỏ tiền cũng như mua chứng khoán vậy.
Doanh nghiệp lãi đều là nhờ giá cả cao hơn chi phí. Đồng tiền của người mua lại phần lớn là thu nhập trong quá khứ. Mức độ sẵn sàng bỏ tiền của người mua đối với từng loại hàng hoá là khác nhau. Khi kinh tế thuận lợi, người người tiêu dùng, thậm chí vay nợ tương lai để tiêu dùng. Ở một mặt bằng giá nào đó, các doanh nghiệp đều có lãi. Khi có biến động như dịch covid chẳng hạn, người mua có tâm lý theo chiều ngược lại, phần lớn các doanh nghiệp có thể lại lỗ. Nhiều khi doanh nghiệp khuyến mãi tiêu dùng là đang ăn vào thịt của chính mình để kéo dài sự tồn tại.
Doanh nghiệp hoạt động thì chỉ nhìn thấy các chi phí trên sổ sách. Trong khi đó nhiều của cải vật chất xã hội tích luỹ từ bao đời đã thuộc chi phí trong quá khứ. Ngay cả lực lượng lao động đóng góp cho doanh nghiệp đã được đào tạo với nhiều chi phí được trả không phải do doanh nghiệp. Như vậy, lợi nhuận của doanh nghiệp có thể đến từ chi phí hiện tại, nhưng cũng đến từ mức độ tận dụng giá trị tích luỹ quá khứ (lợi thế vật chất cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên hoặc ngay cả tài sản đã khấu hao hết của doanh nghiệp).
Để dễ hình dung về tận dụng quá khứ có thể thấy con người sống ở thời điểm hiện nay có mức sống cao hơn mấy chục năm trước không phải hoàn toàn là do lao động hiện tại mà có. Khi đi trên một con đường tốt, một cây cầu tiện lợi, đi chơi một công viên miễn phí là hưởng thụ giá trị chi phí của quá khứ chứ không phải nhờ chi phí lao động hiện tại mà được hưởng. Những doanh nghiệp nào chiếm được vị trí đắc địa, có cơ sở hạ tầng tốt sẽ được hưởng lợi vô hình, có thể giảm chi phí. Có những chi phí như vận tải chẳng hạn ở Việt Nam thì đắt, nhưng ở nhiều nước phát triển lại rẻ do họ có hạ tầng quá khứ tốt.
Giá cả tốt phụ thuộc mức độ sẵn sàng bỏ tiền của người mua. Có thể thấy ví dụ ở thị trường chứng khoán. Người mua sẵn sàng mua cổ phiếu cao hơn giá người bán trước đó đã mua. Người bán có lãi không phải do lao động làm tăng thêm giá trị cổ phiếu. Đất đai cũng là một ví dụ rất rõ. Đất tự nhiên có giá, cá nhân hay doanh nghiệp nào có ưu thế tiếp cận sẽ hưởng lợi nhiều. Bất động sản trên đất được người mua trả tiền với mức độ sẵn sàng rất khác nhau. Lợi thế của doanh nghiệp từ việc tận dụng giá trị quá khứ của chung quốc gia biến thành lợi nhuận doanh nghiệp.
Ở một mức độ nào đó, quy luật giá trị của Marx cũng thể hiện trong thực tế giá cả và quyết định lãi, lỗ của doanh nghiệp. GDP của một quốc gia bằng tổng tiêu dùng của xã hội. Khi một sản phẩm này có giá cao (đắt) thì sẽ có sản phẩm khác có giá thấp (rẻ). Khi người già và trẻ em mua sữa làm nên lợi nhuận gộp của công ty sữa lên đến 47%, những người đàn ông đóng góp lợi nhuận gộp 25% cho công ty rượu bia và cả thuế tiêu thụ đặc biệt thì các bà mẹ phải tằn tiện chi tiền trang phục và hãng dệt may sẽ ít lãi hơn. Khi phải mua xăng giá cao thì người tiêu dùng muốn điện giá rẻ. Nhà nước thu thuế nhiều thì dân tiêu ít.
Hàng ngày, hàng giờ có những doanh nghiệp phá sản và có doanh nghiệp mới thành lập. Lỗ không hẳn là tội đồ của nền kinh tế. Lỗ doanh nghiệp này có thể là lãi doanh nghiệp kia. Lỗ cũng không hẳn là yếu kém mà phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong cơ chế thị trường là sự cạnh tranh. Trong khi đó sự cạnh tranh không hẳn đã quyết định bởi giảm chi phí mà là sự chấp nhận của người mua. Sự chấp nhận của người mua không phải chỉ tác động giữa các sản phẩm cùng loại mà có ảnh hưởng lẫn nhau trong cả nền kinh tế. Lợi thế của từng doanh nghiệp, của từng sản phẩm làm nên lãi, lỗ không giống nhau của các doanh nghiệp phụ thuộc vào tổng chi tiêu như nói ở trên. Vai trò của điều hành vĩ mô là đừng tạo ra hay để xảy ra những bất cân xứng của thị trường.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận