Doanh nghiệp đền bù tiền cho người trồng đu đủ
Công ty Nafoods thanh lý hợp đồng với hợp tác xã Tây Hiếu, hỗ trợ 225 triệu đồng một ha cho 16 hộ dân trồng đu đủ cùng toàn bộ số tiền nợ mua cây giống.
Ngày 18/8, hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu cùng các hội viên đã làm việc với Công ty cổ phần chanh leo Nafoods ra hướng giải quyết cho hơn 2.000 tấn quả đu đủ chưa được thu mua do doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng.
Ông Phạm Duy Thái, Giám đốc Công ty cổ phần chanh leo Nafoods, cho biết trước đó đơn vị liên kết với một đối tác lớn trong nước thu mua, chế biến sản phẩm đu đủ sấy dẻo để xuất khẩu sang Nga. Tuy nhiên, chiến sự Nga - Ukrainer khiến việc đưa nông sản sang thị trường thị trường này ảnh hưởng, dẫn đến không có nguồn tiêu thụ, doanh nghiệp phải dừng thu mua như đã cam kết.
"Khi đưa đu đủ về trồng tại thị xã Thái Hòa, công ty kỳ vọng giống cây mới sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trên địa bàn. Sự việc xảy ra nằm ngoài mong muốn", ông Thái nói.
Một vườn đu đủ hồng phi Đài Loan tại hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu. Ảnh: Lam Hùng
Theo Nafoods, khi nhận thấy rủi ro đã liên hệ với các đầu mối tiêu thụ đu đủ tại chợ đầu mối, thương lái ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan... để tìm đầu ra nhưng chưa có tín hiệu khả quan.
Các hộ dân trồng đu đủ chia sẻ "choáng váng" sau khi nghe Nafoods thông báo chấm dứt hợp đồng, họ mong muốn được hỗ trợ thỏa đáng về kinh phí để đầu tư gần một năm nay.
"Chi hàng trăm triệu đồng đổ vào vườn bỗng nhiên không được thu mua, cuộc sống gia đình tôi đảo lộn. Vợ chồng lục đục, ăn không ngon ngủ không yên", ông Dương Hoàng Đức, hội viên hợp tác xã Tây Hiếu, nói.
Sau vài giờ làm việc, Nafoods thống nhất thanh lý hợp đồng với Tây Hiếu, đền bù 225 triệu đồng một ha với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng, chậm nhất đến ngày 21/8 sẽ hoàn tất thủ tục và chuyển tiền cho người dân. Ngoài ra, 50% số tiền mua cây giống mà các hộ còn nợ, doanh nghiệp cũng hỗ trợ mỗi ha 8 triệu đồng.
Với số cây, quả đu đủ còn lại đang trồng tại các vườn thuộc hợp tác xã, Nafoods cho người dân tùy ý tiêu thụ. Doanh nghiệp sẽ giúp tìm đầu ra, bởi hiện có nhiều tiểu thương, các chợ và siêu thị trên địa bàn đã kết nối mong muốn thu mua.
Đu đủ chín bị rụng, thối rữa dưới gốc. Ảnh: Hùng Lê
Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc hợp tác xã Tây Hiếu cho biết, đồng ý với các phương án hỗ trợ song "chưa thực sự yên tâm". "Mọi việc phải chờ sau ngày 21/8, khi doanh nghiệp hoàn tất chuyển tiền mới hết lo", ông Trung nói.
Theo lãnh đạo phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Thái Hòa, qua sự việc này, các hợp tác xã và người dân cần rút kinh nghiệm, nên tham khảo các đơn vị liên kết cây trồng, vật nuôi khi ký hợp đồng để tránh rủi ro. "Với số đu đủ chưa được thu mua, thời gian tới, nếu cần địa phương sẽ hỗ trợ tìm cách giải cứu", vị này nói.
Tháng 11/2022, hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu và Công ty cổ phần chanh leo Nafoods (phường Quán Bàu, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) ký hợp đồng cung cấp cây giống đu đủ hồng phi Đài Loan và bao tiêu sản phẩm quả. Tây Hiếu mua giống trồng và phát triển, Nafoods thu mua quả tươi chín, tương đương 80 tấn một ha, từ tháng 7/2023 đến 12/2024.
16 gia đình trong và ngoài hợp tác xã tham gia trồng hơn 27.000 gốc đu đủ trên diện tích gần 14 ha. Trung bình mỗi hộ bỏ hơn 300 triệu đồng, làm từ 5 sào đến 2 ha. Đến nay, cây phát triển cao gần 2 m, đạt năng suất 200 tấn quả một ha.
Tuy nhiên, ngày 19/7, đúng thời điểm thu hoạch, Nafoods gửi thông báo chấm dứt hợp đồng kinh tế "vì lý do bất khả kháng, ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine" không thể xuất khẩu.
Giữa tháng 8, đu đủ chưa kịp bán nên mỗi ha đã rụng khoảng 50 tấn. Những ngày qua, dù quả chín rụng đầy gốc, thối rữa, côn trùng bám đầy song hợp tác xã không dám huy động nhân lực thu gom tiêu hủy vì "sợ vi phạm hợp đồng".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận