menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chu Gia Khánh

Doanh nghiệp công nghệ niêm yết tại Mỹ rơi vào khủng hoảng tiền mặt

Những doanh nghiệp công nghệ gần đây niêm yết ở Mỹ đã “đốt” hơn 12 tỷ USD tiền mặt vào năm 2022, trong đó, hàng chục công ty đang phải đối mặt với thách thức để huy động thêm vốn sau khi giá cổ phiếu sụt giảm.

Cạn tiền mặt

Theo dữ liệu của Dealogic, các doanh nghiệp tăng trưởng cao nhưng thua lỗ đã thống trị thị trường IPO trong năm 2020 và 2021, với 150 công ty công nghệ huy động được ít nhất 100 triệu USD mỗi công ty.

Tuy nhiên, khi số tiền thu được từ các đợt huy động vốn giảm dần, nhiều công ty phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc chấp nhận tăng vốn với chi phí cao, hoặc cắt giảm mạnh chi phí, hoặc bị các công ty cổ phần tư nhân và các đối thủ lớn hơn mua lại.

“Những công ty này được hưởng lợi từ việc định giá rất cao, tuy nhiên, trừ những công ty thực sự đi ngược xu hướng, cổ phiếu của phần lớn đều giảm giá. Điều đó có thể khiến họ bị kẹt tiền. Họ phải tìm ra đâu là lựa chọn ít thiệt hại nhất cho đến khi tình hình có thể xoay chuyển”, Adam Fleisher - một đối tác về thị trường vốn tại công ty luật Cleary Gottlieb, cho biết.

Sự suy thoái của thị trường trong năm ngoái khiến phần lớn giới công nghệ phải chuyển sang tập trung vào tạo lợi nhuận và tiền mặt, nhưng một phân tích của Financial Times dựa trên số liệu gần đây cho thấy các công ty vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Trong số 91 công ty công nghệ niêm yết gần đây đã báo cáo kết quả kinh doanh từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ có 17 công ty báo lãi ròng. Họ đã chi tổng cộng 12 tỷ USD tiền mặt vào năm ngoái. Con số này thậm chí còn cao hơn hơn nếu không nhờ vào hiệu suất nổi bật của Airbnb - công ty đã tạo ra hơn 2 tỷ USD. Trung bình, các công ty “đốt” tiền đã chi 37% số tiền thu được từ đợt IPO của họ trong năm 2022.

Khoảng một nửa trong số 91 công ty ghi nhận khoản lỗ hoạt động, có nghĩa là họ không thể cắt giảm đầu tư khi cần tiết kiệm tiền. Trong khi đó, giá cổ phiếu của họ đã giảm trung bình 35% kể từ khi niêm yết, khiến việc bán thêm cổ phần trở nên đắt đỏ và bị pha loãng đối với các nhà đầu tư hiện tại.

Ông Fleisher dự đoán rằng một số doanh nghiệp sẽ bán rẻ cổ phần nếu rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào mạnh tay bán thêm cổ phần.

Định giá giảm một phần do lãi suất tăng, làm giảm giá trị tương đối mà các nhà đầu tư kỳ vọng trong tương lai. Tuy nhiên, sự sụt giảm này cũng phản ánh những lo ngại về triển vọng ngắn hạn, làm gia tăng thêm những thách thức cho kế hoạch đạt được lợi nhuận. Theo ông Ted Mortonson - chiến lược gia công nghệ tại Baird, các công ty sẽ gặp khó khăn hơn trong nửa đầu năm nay.

Một số công ty chỉ đang hy vọng họ đã huy động đủ tiền trong thời gian thuận lợi để vượt qua cơn bão. Hãng sản xuất ô tô Rivian đã chi một khoản tiền khổng lồ 6.4 tỷ USD vào năm 2022, nhưng giám đốc tài chính Claire McDonough trong tuần này cho biết bà “tự tin” rằng họ có đủ tiền mặt để tồn tại cho đến cuối năm 2025.

Những doanh nghiệp khác không may mắn như vậy. Theo Layoffs.fyi - trang web theo dõi làn sóng sa thải gần đây, ít nhất 38 doanh nghiệp công nghệ đã thông báo cắt giảm việc làm kể từ khi họ niêm yết, nhưng con số này có thể nhiều hơn nữa: nếu năm 2023 họ vẫn giữ tỷ lệ “đốt” tiền như của năm ngoái, thì gần 1/3 số doanh nghiệp công nghệ mà Financial Times phân tích sẽ hết tiền vào cuối năm nay.

Sáp nhập gia tăng

Những áp lực này đã dẫn đến sự gia tăng số lượng thương vụ sáp nhập và giới chuyên gia dự đoán nó sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thị trường đã chứng kiến ​​sự dịch chuyển ra khỏi thị trường đại chúng. “Nhiều công ty trong số này thông thường sẽ tồn tại lâu hơn sau khi trở thành công ty tư nhân và có lẽ họ cần thêm thời gian ở trạng thái đó”, Andrea Schulz - một đối tác tại công ty kiểm toán Grant Thornton chuyên cho các công ty công nghệ, cho biết.

Ông Mortonson của Baird đã viện dẫn một thương vụ sáp nhập gần đây của Thoma Bravo, thứ mà theo ông, các công ty cổ phần tư nhân khác sẽ làm theo. Thoma Bravo năm 2022 đã đồng ý mua công ty an ninh mạng ForgeRock chỉ 12 tháng sau khi IPO. Một ví dụ khác là thương vụ sáp nhập của hai doanh nghiệp lâu đời hơn một chút là Ping Identity và SailPoint, lần lượt được niêm yết vào năm 2019 và 2017.

Ông Mortonson nói: “Các công ty cổ phần tư nhân đang mua lại các mảnh ghép để có được những nền tảng cần thiết. Họ có thể mua với giá thấp… và một ngày nào đó sau vài năm nữa, bạn sẽ thấy các thực thể sau cuộc sáp nhập được niêm yết trở lại”.

Tuy nhiên, phương thức này cũng có thể dẫn tới một số vấn đề. Thương vụ sáp nhập của ForgeRock đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra. Bà Schulz của Grant Thornton cho biết một số công ty công nghệ lớn hơn sẽ chịu áp lực về vấn đề độc quyền hậu sáp nhập.

Tìm kiếm hướng huy động vốn khác

Trong các ngành khác, thị trường khó khăn là thời điểm doanh nghiệp sẽ chuyển sang vay vốn thông qua trái phiếu chuyển đổi, tức là nợ có thể được chuyển đổi thành cổ phần nếu giá cổ phiếu của công ty chạm đến một ngưỡng nhất định. Tuy nhiên, hiệu quả tồi tệ của đợt trái phiếu chuyển đổi trước đây, do các công ty tăng trưởng cao phát hành, đã khiến nhà đầu tư cảnh giác với các doanh nghiệp công nghệ.

Các công ty như Peloton, Beyond Meat và Airbnb đã phát hành trái phiếu vào đầu năm 2021, với lãi suất là 0%. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của họ cần phải tăng rất mạnh lên tới ngưỡng mà họ được phép chuyển số nợ đó thành cổ phiếu.

Một số công ty chuyển sang các khoản vay đơn giản hơn, nhưng đắt tiền hơn. Giám đốc điều hành của Silicon Valley Bank, Greg Becker nói với các nhà phân tích hồi đầu năm nay rằng hoạt động cho vay tăng mạnh đối với những công ty công nghệ đáng lẽ đã bán cổ phần trước đây.

Nhưng đối với một số khác, không có lựa chọn nào có thể phù hợp, bà Schulz cho biết. “Một số doanh nghiệp có thể không còn tồn tại hoặc có thể được mua lại nhưng chỉ để sử dụng nhân viên của họ”, bà Schulz cho hay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại