menu
Doanh nghiệp chế biến gỗ trước sức ép cạnh tranh 'nóng'
Thanh Thùy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp chế biến gỗ trước sức ép cạnh tranh 'nóng'

Xuất khẩu cùng với nguồn vốn ngoại (FDI) tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2019 đã khiến ngành chế biến gỗ trở nên “nóng”, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước, trong thời gian tới.

Theo số liệu từ Tổng cục lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 8/2019 đạt 1,031 tỷ USD, tăng 16% so với với cùng kỳ 2018, đưa tổng giá trị xuất khẩu lâm sản 8 tháng đầu năm đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm khoảng 26,6% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Trong đó, năm thị trường chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với đà phát triển của các đơn hàng cuối năm, ngành gỗ hy vọng sớm đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2019 lên 11 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2018.

Không chỉ tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu, sự dịch chuyển đơn hàng cũng là lý do ngành đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số vốn FDI đầu tư tăng gấp gần 1,2 lần so với đầu tư FDI của cả năm 2018. Trong đó, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm 2018. Đặc biệt, trên 60% trong tổng số dự án đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam là 32 công ty hoạt động trong mảng chế biến gỗ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), làn sóng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam quá nhanh và nhiều đã dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động. Theo đó, làn sóng FDI đã góp phần khiến nhu cầu nhân công tăng lên. Hiện giá nhân công ở các khu công nghiệp đã tăng từ 10 - 20% nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó để tuyển người.

Bên cạnh đó, nền tảng số hóa đang thay đổi rất lớn công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng... Kinh doanh online cũng là xu thế bắt đầu lan vào ngành nội thất làm thay đổi rất lớn công nghiệp thiết kế sản phẩm và cách sản xuất ra nó… cũng đã khiến các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn. Đó là một mặt vừa phải giải quyết những vấn đề nội tại để đảm bảo chất lượng, đáp ứng đơn hàng đang có, vừa phải gia tăng năng suất, chất xám... để có thể giữ và đón khách hàng mới, mặt khác phải linh hoạt, phải thêm lợi thế cạnh tranh để trụ vững và đón đầu những thay đổi trong tương lai. Bài toán mà doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang đối mặt không đơn giản. “DN trong ngành cần có một tầm nhìn mới, một tư duy sâu. Chìa khóa để cùng lúc giải hai bài toán ấy là tư duy lại mô hình sản xuất của mình, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA nhận định.

Theo ông Khanh, với sự tiến bộ của kỹ thuật sản xuất chính xác CNC, kết hợp các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot... công nghệ chế biến gỗ đang tiến đến những bước phát triển đáng ngạc nhiên, mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tốt tiến độ, giảm sự lệ thuộc vào lao động, bùng nổ sản xuất… Nếu định hướng phát triển tốt, hoạch định đầu tư hiệu quả, doanh nghiệp sẽ khai thác được các giá trị công nghệ mang lại, hướng đến phát triển bền vững.

Doanh nghiệp chế biến gỗ trước sức ép cạnh tranh 'nóng'
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sản xuất tại hội thảo.

Tuy nhiên, theo ông Bernd Kahner, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Homag - nhà cung cấp các giải pháp tích hợp thế giới về sản xuất trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, không chỉ là chuyện tăng trưởng, đầu tư vào các giải pháp sản xuất thông minh để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cũng như chất lượng ngày càng cao hiện nay là yếu tố sống còn để có thể cạnh tranh trong môi trường quốc tế mà vấn đề lớn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là nhân lực nhận chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sản xuất. “Thực tế rất khó tìm được nhân lực có trình độ hiểu và có thể vận hành các thiết bị cho nhà máy. Đó là chưa kể, sự biến động đôi khi rất cao của nhân lực, gây rủi ro cho cả các công ty cũng như cho những đơn vị cung cấp máy móc”, ông Bernd Kahnert chia sẻ.

Để đạt đến doanh số xuất khẩu 20 tỷ USD năm 2025 của ngành gỗ, theo ông Cao Duy Tâm, Giám đốc công ty Vetta, việc đào tạo lao động cho ngành chế biến gỗ Việt Nam là cấp thiết. Hiện các trường Đại học tại Việt Nam cũng đã xây dựng khoa Chế biến gỗ (HAWA hợp tác với Đại học Sư phạm kỹ thuật) nhưng công tác này cần phát triển hơn nữa mới có thể tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành.

“Trong tương lai, những người thợ lành nghề có thể sử dụng các hệ thống sản xuất tiên tiến sẽ ngày càng quan trọng. Doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian, tiền bạc và công sức để nâng cao trình độ cho người lao động, đạt đến mức có thể vận hành, duy trì và đổi mới các quy trình sản xuất rất phức tạp. Nếu chỉ đầu tư công nghệ mà quên chuẩn bị nhân lực, công tác này cũng sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn”, đại diện Homag nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
33.60 +0.20 (+0.60%)
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả