24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
PGS.TS Phạm Thế Anh Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dính đòn khủng hoảng: Lần này liệu có khác?

“Khủng hoảng”, “suy thoái”, “phá sản”,… là những thuật ngữ được nhắc đến ngày càng nhiều bởi giới đầu tư và phương tiện thông tin xã hội. Tương tự như 12 năm trước, kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn, nhưng lần này xuất phát từ một nguyên nhân phi kinh tế.

Các chính sách điều hành vĩ mô không giúp chữa trị được suy thoái lần này. Tuy nhiên, những chính sách tốt lại có thể giảm thiểu được tác động tiêu cực, đặc biệt chúng sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không một khi bệnh dịch được kiểm soát.

Bối cảnh kinh tế sau 12 cũng có nhiều khác biệt. Dưới đây là một vài điểm trong số những khác biệt đó.

1. Tiết kiệm và đầu tư

Giai đoạn 5 năm trước đợt khủng hoảng 2007-2008, tỷ lệ đầu tư (capital formation)/GDP là vào khoảng 36% trong khi tiết kiệm trong nước (Domestic Saving)/GDP chỉ khoảng 28% mỗi năm. Tức là, tiết kiệm thiếu hụt khoảng 8% GDP để tài trợ cho đầu tư. Hay nói cách khác, trong thời kì này nền kinh tế, đặc biệt là khu vực nhà nước, vay nợ rất nhiều để đầu tư. Kì vọng vào WTO cũng khiến đầu tư của khu vực tư nhân tăng nhanh. Vay nợ nhiều để đầu tư cũng dẫn đến nhập siêu cao. Hàng loạt các dự án đầu tư công lớn được thực hiện trong giai đoạn này và nhiều dự án sau đó đã phá sản.

Trong giai đoạn 5 năm gần đây, tiết kiệm trong nước và đầu tư là khá cân bằng (26-27% GDP). Đầu tư chỉ cao hơn tiết kiệm trong nước chưa đến 1% GDP. Nhờ đó, cán cân thương mại gần đây cũng cân bằng và thậm chí là có thặng dư. Chúng ta cũng không nhìn thấy những đợt vay nợ quốc tế để tài trợ cho các dự án đầu tư khổng lồ của các doanh nghiệp nhà nước.

2. Tiền tệ và lạm phát

Trước khủng hoảng 2007-2008, tăng trưởng cung tiền luôn ở mức xấp xỉ 30%/năm, có những năm thậm chí còn lên tới gần 50% như 2007. Hậu quả là các thị trường tài sản (bất động sản và chứng khoán) ở trạng thái bong bóng giá. Giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng tăng nhanh. Tỷ lệ lạm phát xấp xỉ 10% mỗi năm. Đặc biệt năm 2008 lạm phát lên tới trên 23%, nhưng con số thực sự có lẽ còn cao hơn nhiều. Sai lầm của gói kích thích kinh tế trong những năm 2009 – 2010 tiếp tục tục đẩy lạm phát một lần nữa lên gần 30% trong năm 2011.

5 năm gần đây, cung tiền đã tăng chậm lại rất nhiều (mặc dù vẫn khá cao), xấp xỉ khoảng 15%/năm. Tăng trưởng cung tiền chậm lại cùng với giá cả thế giới ở mức thấp đã giúp tỷ lệ lạm phát trong nước chưa năm nào vượt mức 4%.

Giá nguyên nhiên liệu thế giới giảm mạnh hiện nay cũng là điều kiện thuận lợi để giữ lạm phát trong nước ở mức thấp trong thời gian tới.

3. Lãi suất và tỷ giá

Trong thời kỳ khủng hoảng 2007-2008 và những năm sau đó, lạm phát phi mã đã đẩy lãi suất có lúc lên trên 20%. Đây mới là thứ vũ khí giết doanh nghiệp hàng loạt một cách nhanh chóng chứ không phải khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nợ xấu tăng nhanh đe dọa sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

Tỷ giá còn bi đát hơn, đồng nội tệ liên tục bị mất giá vượt xa những cam kết của nhà điều hành. Dự trữ ngoại hối mỏng. Đã có thời kì mỗi khi Thống đốc đưa ra một cam kết nào đó thì phố Hà Trung lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi người dân đổ xô đến đó mua đô-la.

Những năm 2011 – 2013, kinh tế thế giới đã bắt đầu hồi phục thì Việt Nam lại vật lộn với cuộc chiến chống lạm phát bất chấp giá cả thế giới giảm mạnh. Lãi suất cao khiến doanh nghiệp ngừng đầu tư. Nợ công cao, thâm hụt ngân sách lớn khiến chính phủ không còn nguồn lực để can thiệp vào nền kinh tế. Phải mất vài năm sau nền kinh tế mới ổn định trở lại.

Những năm gần đây, lãi suất chưa hẳn thấp nhưng đã ở mức tương đối chấp nhận được. Tỷ giá ổn định đến mức mà chỉ thay đổi 20-30 đồng/1 đôla trong một tuần cũng khiến nhiều nhà báo phải giật tít “tỷ giá bật tăng mạnh” để câu view. Dự trữ ngoại hối hiện đủ lớn cho những can thiệp cần thiết.

Sức khỏe hệ thống ngân hàng cũng tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước, hướng tới chuẩn Basel II.

4. Kinh nghiệm điều hành chính sách

Kinh nghiệm điều hành của chính phủ hiện tại rõ ràng cải thiện rất nhiều so với khủng hoảng lần trước. 12 năm trước đây các nhà điều hành thậm chí còn lạ lẫm với những khái niệm “trung hòa tiền tệ”, “lấn át đầu tư”, “bộ ba bất khả thi”,… thì nay các phản ứng chính sách đã mang tính kĩ trị hơn nhiều. Mục tiêu của chính sách tiền tệ hiện nay không hẳn là kích thích tổng cầu, mà hướng nhiều hơn tới việc giải quyết thanh khoản cho doanh nghiệp, giúp họ sống sót được qua giai đoạn khó khăn. Việc giãn nợ, giảm nợ, tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp là việc của ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, chứ chính phủ không bơm tiền tài trợ cho chi phí đó. Chính sách tài khóa cũng đang hướng tới điều này, thông qua việc giảm thuế, miễn thuế phí, gia hạn nộp thuế, hoãn đóng BHXH, v.v.

Bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản, nhưng một khi lạm phát và lãi suất được giữ ở mức thấp, tỷ giá được giữ ổn định, đầu tư công không tát nước theo mưa, và môi trường đầu tư được cải thiện, thì sau bệnh dịch, một lớp doanh nghiệp mới sẽ xuất hiện, và nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng. Còn không, chúng ta sẽ mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải bệnh dịch, nền kinh tế sẽ chìm trong suy thoái.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

PGS.TS Phạm Thế Anh Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả