Điều ít biết về "mạnh thường quân" cho FLC vay tín chấp 621 tỷ đồng
Ngày 2/7, ông Lê Thái Sâm mới được bầu vào HĐQT FLC nhưng từ trước đó, vị này đã cho FLC vay 621 tỷ đồng qua 4 hợp đồng tín chấp, từ tháng 4 đến tháng 6/2022.
Một trong những điểm gây bất ngờ trong báo cáo tài chính quý II/2022 mới công bố của Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) là khoản vay 621 tỷ đồng với một cá nhân là ông Lê Thái Sâm.
Theo thông tin, FLC có 4 hợp đồng vay tín chấp có thời hạn 12 tháng với lãi suất 7%/năm với ông Lê Thái Sâm, được thực hiện rải rác từ tháng 4 đến tháng 6/2022 để bổ sung và thanh toán cho các hợp đồng của FLC Faros - công ty con của FLC.
Ông Đặng Tất Thắng trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên hôm 2/7 nói "FLC đã phải nỗ lực tìm kiếm các ứng viên vừa đáp ứng đủ điều kiện là thành viên HĐQT độc lập, vừa phù hợp với các tiêu chí của tập đoàn". Vậy nhưng, thời điểm kết thúc năm bán niên tài chính của FLC và xuất hiện khoản vay này là ngày 30/6/2022, khi ấy FLC còn chưa tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 2 để bầu ra thành viên HĐQT.
Đại diện pháp luật nhiều doanh nghiệp
Ông Sâm là một trong 3 thành viên Hội đồng quản trị mới được bầu trong kỳ họp cổ đông bất thường hôm 2/7 của FLC, bên cạnh ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Bá Nguyên - anh vợ cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Biên bản cuộc họp cho thấy, tân Chủ tịch HĐQT FLC Lê Bá Nguyên nhận được số phiếu bầu đại diện cho 256,7 triệu cổ phần, chiếm 96,7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội. Ông Doãn Hữu Đoàn nhận được số phiếu bầu đại diện 254,1 triệu cổ phần, chiếm 95,8% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội. Trong khi đó, lượng phiếu bầu nhiều nhất thuộc về ông Lê Thái Sâm, với 265,9 triệu cổ phần, tương đương 100,26% số cổ phần tham dự đại hội (bầu dồn phiếu).
Như vậy, ông Sâm là người nhận được số phiếu bầu nhiều nhất trong 3 ứng viên.
So với 2 ứng viên còn lại, quá trình công tác của ông Lê Thái Sâm lại được tiết lộ ít thông tin hơn. Bản lý lịch trích ngang mà FLC công bố cho thấy ông Lê Thái Sâm sinh năm 1964, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Tp.HCM năm 1986. Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, tài chính - ngân hàng.
Ông Sâm cũng được giới thiệu là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, có vốn kinh nghiệm sâu rộng trong việc xây dựng chiến lược đầu tư, quản lý rủi ro và phân tích thị trường.
Ngoài ra, theo giới thiệu của ông Đặt Tất Thắng vào buổi họp hôm 2/7, ông Lê Thái Sâm cũng có "nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước". Ông Thắng nói: "Với sơ yếu lý lịch này, ông Sâm phù hợp với vị trí thành viên HĐQT độc lập của FLC".
Kinh nghiệm hoạt động đầu tư, kinh doanh của ông Lê Thái Sâm còn được thể hiện ở việc đảm nhận vai trò người đại diện theo pháp luật của nhiều công ty. Theo thông tin từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Sâm từng là đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Sắt thép Cửu Long, doanh nghiệp thành lập từ tháng 3/2001, mã số thuế 0302240657, có trụ sở tại Tp.HCM. Công ty này từng có vi phạm về thuế và bị Cục thuế Tp.HCM thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào tháng 8/2014. Thời điểm đó, ông Sâm vẫn là người đại diện theo pháp luật của công ty. Công ty này vẫn đang hoàn thiện hồ sơ giải thể.
Ông Sâm còn từng là Giám đốc và đại diện theo pháp luật tại một công ty khác về thép, cũng có trụ sở tại Tp.HCM là Công ty Cổ phần Thép Thăng Long, mã số thuế 0302812600, thành lập năm 2008. Công ty này cũng dừng hoạt động từ năm 2014.
Hay ông Sâm cũng từng là người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Sun, mã số thuế 0400556271, thành lập tháng 11/2006 có trụ sở chính tại quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng. Các doanh nghiệp nêu trên đều không có nhiều thông tin chi tiết về doanh nghiệp, kết quả kinh doanh, website hoạt động…
Ẩn số từ Him Lam Group?
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, ông Lê Thái Sâm, người nhận được nhiều số phiếu bầu nhất tại ĐHĐCĐ FLC năm 2022, có liên quan mật thiết với các công ty thành viên trong hệ sinh thái Him Lam Group như DIC Group, LienVietPostBank, Chứng khoán Liên Việt.
Trước khi trực tiếp góp mặt trong thượng tầng FLC, ông Lê Thái Sâm từng xuất hiện tại Bamboo Airways - hãng hàng không do FLC kiểm soát trực tiếp 21,7% vốn điều lệ, tương đương đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 6/2022. Cụ thể, Bamboo Airways từng ghi nhận một cổ đông mang mã số 100014BAV, sinh năm 1964 tên Lê Thái Sâm, sở hữu 125.000 cổ phần BAV. Cuối năm 2019, khi ông Sâm phát sinh một khoản vay, số cổ phần này của ông đã được đem đi thế chấp lại LienVietPostBank chi nhánh Tân Bình.
Ông Lê Thái Sâm còn từng là Uỷ viên Hội đồng quản trị của CTCP Đầu tư và thương mại DIC (UPCoM: DIC), doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái DIC Group. Him Lam xuất hiện tại DIG từ tháng 9/2020, đến giai đoạn 2021-2022 đã chốt lời hàng nghìn tỷ đồng nhờ "sóng" chứng khoán, trước khi thoái dần vốn và ngắt mối "lương duyên".
Chi tiết hơn, ông Lê Thái Sâm công tác tại DIC giai đoạn từ tháng 3/2009 đến tháng 5/2012, trước khi có đơn từ nhiệm vị trí này, với lý do "tập trung thời gian cho công việc kinh doanh cá nhân".
Chưa hết, ông Lê Thái Sâm cũng từng là Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Suối Dầu (Sudazi), nhiệm kỳ 2016-2020.
Sudazi là doanh nghiệp phát triển dự án Khu công nghiệp Suối Dầu, có quy mô 133,95 ha tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Dự án này do Công Ty TNHH MTV Thương Mại Đầu Tư Xây Dựng Khánh Hòa (TIC) làm chủ đầu tư.
Tháng 3/2017, hậu cổ phần hóa, TIC tiến hành bán đấu giá toàn bộ 900.000 cổ phần, tương đương 36% vốn điều lệ Sudazi. TIC bán được 850.000 cổ phần, cho 7 nhà đầu tư cá nhân. Thương vụ do Công ty Cổ phần Chứng khoán Liên Việt thu xếp.
Tháng 4/2020, ông Trần Đình Tân, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Sudazi cùng người thân trong gia đình nắm giữ tới 2,498 triệu cổ phần Sudazi. Toàn bộ số cổ phiếu cũng từng được đem thế chấp tại LienVietPostBank khi có một khoản vay phát sinh sau này.
Báo cáo tài chính mới công bố của Tập đoàn FLC tiết lộ dư nợ vay ngắn hạn của tập đoàn đến hết tháng 6/2022 lên tới 2.676 tỷ đồng, tăng hơn 640 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Thực tế, FLC không còn dư nợ vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông - CN Hà Nội khi thanh toán xong 573,3 tỷ đồng. Đây chính là khoản vay từng được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất tại tòa tháp văn phòng, số 265 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. FLC cũng đang lên kế hoạch mua lại bất động sản này.
Bên cạnh đó, FLC cũng thanh toán toàn bộ khoản nợ ngắn hạn hơn 10 tỷ đồng tại VietinBank Leasing, số dư gần 176 tỷ đồng vay tại BIDV chi nhánh Đồng bằng Sông Cửu Long và 64 tỷ đồng tại Sacombank Hà Nội.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, FLC ghi nhận thêm khoản vay ngắn hạn 185,2 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Homeliday và 621 tỷ đồng ông từ ông Lê Thái Sâm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận