Điều gì làm nên sức hấp dẫn của cổ phiếu Viettel Construction (CTR)?
Thành lập năm 1995, Tổng CTCP Công trình Viettel – Viettel Construction (Mã CK: CTR) là đơn vị phụ trách toàn bộ việc xây lắp hạ tầng cơ sở mạng viễn thông trong nước và quốc tế của Viettel. Đến nay, Viettel Construction đã có 25 năm xây dựng và phát triển, trở thành Công ty số 1 Việt Nam trong lĩnh vực xây lắp và vận hành khai thác hạ tầng viễn thông.
Năm 2017, Viettel Construction chính thức đăng ký giao dịch trên sàn UPCom với mã chứng khoán CTR, vốn điều lệ khi đó là 471,2 tỷ đồng. Sau 3 lần thực hiện trả cổ tức, vốn điều lệ Viettel Construction hiện đã tăng lên hơn 704 tỷ đồng, trong đó Viettel là cổ đông lớn nhất nắm giữ 73,2% vốn điều lệ công ty.
Là công ty con trong hệ sinh thái của Tập đoàn Viettel, Viettel Construction có nguồn lực tốt nhất về nhiều mặt như hệ thống mạng lưới, khách hàng lớn, tiềm lực tài chính, nhân sự cốt lõi, hệ thống công nghệ thông tin, trang thiết bị cải tiến, hiện đại. Cùng với sự hỗ trợ kịp thời của Công ty Mẹ, những vướng mắc thường được giải quyết triệt để, đồng thời định hướng phát triển của Công ty trong từng lĩnh vực đều được tư vấn, hỗ trợ chi tiết.
Mở rộng định hướng kinh doanh với 4 trụ cột
Viettel Construction sở hữu đội ngũ chuyên gia hơn 8.000 kỹ sư viễn thông, CNTT dày dặn kinh nghiệm với 15-20 năm năm kinh nghiệm trong xây lắp, đầu tư, quản lý và phát triển hạ tầng viễn thông và CNTT. Lực lượng lao động đông đảo phủ khắp 63 tỉnh thành phố và cả ở các thị trường quốc tế mà Tập đoàn Viettel đầu tư, lên tới 10.000 người là nhân tố trọng yếu thúc đẩy phát triển các ngành nghề kinh doanh truyền thống và mở rộng ngành nghề kinh doanh mới.
Những năm gần đây, Viettel Construction không chỉ tập trung vào lĩnh vực xây lắp hạ tầng viễn thông mà đã mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh mới với 4 trụ, bao gồm Vận hành khai thác (VHKT), Hạ tầng cho thuê (TowerCo), Giải pháp tích hợp và Xây lắp.
Bên cạnh đó, Viettel Construction cũng đẩy mạnh hoạt động vận hành mạng cáp quang cho các đơn vị bên ngoài Tập đoàn như 1.500 km cáp quang của Bộ Công An, CMC, và 126 trạm cho Towerco NTD tại Myanmar.
Với kinh nghiệm lâu năm trong việc xây dựng và vận hành hạ tầng viễn thông, Viettel Construction am hiểu kỹ thuật, cách thức tổ chức, quản lý điều hành với bộ máy vận hành sẵn có lành nghề tại 63 tỉnh/thành phố.
Hiện tại, cả 3 nhà mạng là Viettel, VNPT và MobiFone đều có mạng lưới nhà trạm rộng khắp trên toàn quốc nhưng hầu như chưa cho thuê/chia sẻ hoặc không được thiết kế để phục vụ mục tiêu chia sẻ hạ tầng. Với xu thế các nhà mạng tiến tới phải chia sẻ hạ tầng để tối ưu chi phí, tăng hiệu quả đầu tư và cộng với kinh nghiệm vận hành hạ tầng viễn thông nhiều năm trên 63 tỉnh/thành phố, Viettel Construction có cơ hội lớn để mở rộng trong lĩnh vực này.
Tính đến quý 2/2020, Viettel Construction đang sở hữu 4 tuyến ngầm hóa (21,8km) tại Hà Nội; hạ tầng DAS tại 20 tòa nhà (2,5 triệu m2) tại Hà Nội, TP HCM, Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Quảng Ninh; hạ tầng cố định băng rộng tại 02 tòa (4.400 căn hộ) tại Huế, Hà Nội; 239 trạm BTS smallcell và 414 trạm BTS macro; 2.600 km2 cáp quang.
Bên cạnh đó, Công ty đã tiến hành lắp đặt hệ thông thiết bị 2G, 3G, 4G cho Viettel trong nước cũng như tại các thị trường nước ngoài ở châu Á, châu Phi và châu Mĩ…
Viettel Construction định hướng mở rộng sang lĩnh vực xây lắp công trình dân dụng dự kiến tăng trưởng 8%/năm trong giai đoạn 2021 – 2025 nhờ đội ngũ kỹ sư đông đảo, không bị giới hạn về tay nghề xây dựng trên mọi lĩnh vực.
Tiềm lực tài chính dồi dào, hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định
Những năm qua, hoạt động kinh doanh Viettel Construction tăng trưởng khá tích cực về cả doanh thu và lợi nhuận. Năm 2019, doanh thu hợp nhất Viettel Construction đạt gần 5.100 tỷ đồng, tăng 18% và lợi nhuận sau thuế 181 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2019 đạt 2.980 đồng.
Hệ số lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21,83%. Tại ĐHCĐ thường niên diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Viettel Construction cho biết công ty sẽ duy trì ROE hàng năm tối thiểu ở mức trên 20%.
Một điểm đáng chú ý, khác với nhiều công ty cùng ngành, tình hình tài chính Viettel Construction rất lành mạnh khi không sử dụng đến đòn bẩy tài chính (nợ vay/tổng tài sản = 0). Tính tới cuối năm 2019, Viettel Construction có hơn 800 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương, chiếm 1/3 tổng tài sản công ty.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19 nhưng kết quả kinh doanh của Viettel Construction vẫn tiếp tục tăng trưởng tích cực với doanh thu 2.686 tỷ đồng, tăng 11% và lợi nhuận sau thuế 98,4 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, doanh thu Viettel Construction sẽ đạt từ 10.000 - 11.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế từ 300-500 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận