Điều gì khiến cổ phiếu FPT liên tục phá đỉnh?
Chỉ trong 2 tháng đầu năm, cổ phiếu của Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) liên tục phá đỉnh và trở thành tâm điểm của giới đầu tư. Mã này tăng 31.8%, từ 59,100 đồng/cp (31/12/2020) lên 77,900 đồng/cp kết phiên 2/3, cao hơn so với mức 11.3% của VN30. Điều gì đã giúp bluechip này liên tục thiết lập vùng đỉnh lịch sử mới?
Đánh giá trong tổng thể dài hạn, FPT đã tăng trưởng giá trị trong 7 tháng liên tiếp. Đây cũng được xem là giai đoạn tăng giá mạnh nhất của cổ phiếu này trong nhiều năm gần đây. Nhờ vào chuỗi tăng giá bền bỉ mà các nhà đầu tư dài hạn đã gặt hái được rất nhiều thành quả to lớn. Điển hình là với những ai nắm giữ mã cổ phiếu này kể từ đầu năm 2017 đến thời điểm hiện tại sẽ có gấp gần 4 lần tài khoản từ vùng giá điều chỉnh (20,000 đồng/cp).
Độ “hot” của cổ phiếu này có thể được giải thích qua cơ cấu cổ đông và triển vọng kinh doanh tích cực của công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Cơ cấu cổ đông cô đặc với nhiều quỹ ngoại lớn nắm giữ
Trong nhiều năm qua, FPT luôn là tâm điểm của NĐT nước ngoài. Tình trạng hết “room” ngoại khiến các NĐT ngoại không thể gia tăng sở hữu thêm tại FPT. Tính đến ngày 2/3, NĐT nước ngoài đang nắm giữ 384.1 triệu cổ phiếu FPT, tương đương 49% vốn điều lệ.
Theo quan sát, mã FPT luôn có mặt trong nhóm những khoản đầu tư lớn nhất của các quỹ ngoại hàng đầu thị trường. Tính đến cuối tháng 1, quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý phân bổ 4.18% danh mục giá trị 2 tỷ USD vào FPT. Danh sách cổ đông của FPT còn có hàng loạt các quỹ lớn khác như GIC của Chính phủ Singapore, Vietnam Holdings, Keyrock Capital…
Tình trạng kín room ngoại khiến NĐT phải trả thêm phí thưởng (premium) để giao dịch. Tháng 8 năm ngoái, công ty quản lý quỹ lớn nhất TTCK Việt Nam – Dragon Capital đưa ra mức premium là 20% với FPT. Trước đó, quỹ ngoại PXP Vietnam còn đưa ra mức premium 30% với cổ phiếu này. Điều đó có nghĩa là NĐT ngoại đang trả giá cao hơn thị giá trên sàn 20-30% để có thể giao dịch.
Đáng chú ý, tại thời điểm đó, mức premium của Dragon Capital đưa ra cho FPT cao hơn hàng loạt các bluechip nhóm ngân hàng như TCB, VPB, MBB và ACB. Đặc biệt, trong năm vừa qua, nhiều quỹ đầu tư thụ động ETF mô phỏng theo chỉ số VN Diamond (chỉ số theo dõi các công ty lớn có tỷ lệ nắm giữ của NĐT ngoại tối thiểu 95% hạn mức room ngoại được phép) cũng liên tục tăng vốn, tạo ra dòng tiền lớn vào các cổ phiếu hết room như FPT.
Triển vọng kinh doanh tươi sáng, FPT là tâm điểm của giới phân tích trong nước
Không chỉ là khẩu vị ưa thích của các quỹ ngoại, “hiện tượng” FPT còn là tâm điểm phân tích của nhiều CTCK nội.
Đa phần phân tích của các CTCK đưa ra triển vọng kinh doanh tích cực với FPT. Khối phân tích của SSI dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của công ty tăng trưởng 20% và 22% trong năm 2021.
Trong khi đó VCSC nâng giá mục tiêu của FPT với góc nhìn kinh doanh khả quan. “Chúng tôi cho rằng FPT sẽ hưởng các lợi ích hậu dịch COVID-19 khi Công nghệ thông tin, đặc biệt là chuyển đổi số (DX) trở nên cần thiết hơn trong hoạt động, tính liên tục và chiến lược kinh doanh”, báo cáo nêu.
VNDirect đưa ra nhận định DX sẽ là mảng giúp FPT cải thiện biên lợi nhuận gộp trong năm 2021.
Cụ thể hơn, VNDirect dự phóng doanh thu mảng công nghệ của FPT tăng 22.9% trong năm 2021, đạt 20,655 tỷ đồng và sẽ vượt 1 tỷ USD trong năm 2022 nhờ hoạt động mảng DX. Trong đó, ước tính doanh thu DX năm 2021 đạt 4,303 tỷ đồng, tăng 33.7% so với cùng kỳ.
Cuối tháng 2 vừa qua, FPT chính thức thành lập công ty con mang tên FPT Digital với mục tiêu cung cấp dịch vụ tư vấn về DX toàn diện nhằm hoàn thành chuỗi giá trị dịch vụ công nghệ thông tin. Từ đó cho thấy FPT đang đẩy mạnh tập trung phát triển mảng kinh doanh chiến lược này, khối phân tích VNDirect nhận định.
Nói thêm về hoạt động kinh doanh cốt lõi, VCSC cho rằng năng lực công nghệ cải thiện của FPT sẽ giúp củng cố tăng trưởng mảng xuất khẩu phần mềm trong bối cảnh chi tiêu CNTT toàn cầu dự kiến phục hồi trong năm 2021.
Dữ liệu thực tế cho thấy, doanh thu sản phẩm phần mềm Made-by-FPT và ký mới khối công nghệ tăng trưởng mạnh trong năm 2020 với tỷ lệ lần lượt là 51% (đạt 500 tỷ đồng) và 23% (đạt 18,870 tỷ đồng).
Tại thị trường trong nước, FPT đang khẳng định vị thế dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, là đối tác tư vấn chiến lược – triển khai DX cho các công ty hàng đầu lĩnh vực tài chính-ngân hàng, sản xuất, bất động sản, viễn thông, nông nghiệp như Điện lực TPHCM, HomeCredit, Thiên Long, Thủy sản Minh Phú, Vinfast, Hưng Thịnh, MobiFone, AA Corporation…
Trên thị trường quốc tế, năng lực cạnh tranh của FPT được nâng tầm thông qua việc giành hàng loạt hợp đồng giá trị cao như trở thành đối tác CĐS của hãng ô tô lớn hàng đầu tại Mỹ (150 triệu USD) hay hợp đồng 100 triệu USD tư vấn và triển khai CĐS cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận