Điểm dừng nào cho VMD?
Là doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối dược phẩm hàng đầu cả nước, và đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất, mức vốn hoá dù đã tăng gấp 3, song cũng mới chỉ nhỉnh hơn 50 triệu USD, dường như chưa xứng đáng với tầm vóc mới của VMD, ít nhất là với nhóm chủ doanh nghiệp này.
Cổ phiếu VMD của CTCP Y dược phẩm Vimedimex giảm sàn trong phiên 6/9, về mức 76.700 đồng. Tuy nhiên chuỗi 17 phiên tăng trần cùng 1 phiên gần trần trước đó vẫn quá đủ để đẩy thị giá cổ phiếu này tăng gấp hơn 3 lần từ mức 24.700 đồng tròn 1 tháng trước, ngày 6/8/2021.
VMD, bởi vậy, là mã cổ phiếu thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư chứng khoán trong suốt một tháng qua. Điều thú vị là VMD tăng phi mã trong sự "thèm thuồng" của nhà đầu tư, bởi với thanh khoản thấp, phần lớn nhà đầu tư đặt VMD vào watchlist đều đứng ngoài, không dám "xuống tiền".
Với phiên giảm sàn 6/9, cổ phiếu VMD sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới? Những dữ liệu dưới đây của Nhadautu.vn sẽ cung cấp thêm góc nhìn cho nhà đầu tư.
Đầu tiên, cần lật lại lịch sử phát triển của doanh nghiệp này giai đoạn hậu cổ phần hoá.
VMD được thành lập năm 1984, cổ phần hoá năm 2006. Suốt 35 năm qua, đây là nhà nhập khẩu, phân phối dược phẩm thuộc nhóm lớn nhất cả nước, và là doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối dược phẩm lớn nhất niêm yết trên các sàn chứng khoán hiện nay.
Năm 2020, VMD đạt tổng doanh thu hợp nhất 18.168 tỷ đồng, tổng tài sản tới cuối kỳ 8.306 tỷ đồng, đều vượt trội so với tất cả các doanh nghiệp ngành dược niêm yết khác. Trong nhiều năm, VMD đều đặn chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ khoảng 20%.
Chặng đường phát triển nhanh chóng và bền vững của VMD gắn liền với hình ảnh của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Loan. Tuy nhiên mức độ chi phối của nữ doanh nhân gốc Hoà Bình đến đâu thì chưa từng được tường minh cụ thể.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, nhóm bà Nguyễn Thị Loan cùng cộng sự ông Trần Văn Kỳ (Chủ tịch Hateco Group) không tham gia ở giai đoạn cổ phần hoá, mà tới giai đoạn 2008-2009 mới "vào" VMD, khi doanh nghiệp này tăng mạnh vốn từ 25 tỷ đồng lên 49,4 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi, lên 65,4 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho CTCP Chứng khoán Hoà Bình - doanh nghiệp do bà Loan và ông Kỳ sáng lập.
Năm 2009, VMD phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 9:2 để tăng vốn lên 81,4 tỷ đồng, tiếp tục tăng vốn lên 84,4 tỷ đồng năm 2012 qua phát hành gần 300.000 cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Giai đoạn 2016-2017, VMD phát hành riêng lẻ 7 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược CTCP Dược phẩm Vimedimex 2, tăng vốn lên 154,4 tỷ đồng và ổn định tới hiện nay.
Trong suốt quá trình tăng vốn đó, cổ đông nhà nước là Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN) gần như đều từ chối góp thêm vốn, chủ động giảm mạnh tỷ lệ sở hữu, từ mức chi phối 51% sau cổ phần hoá về 19,49% cuối năm 2008, và từ năm 2017 đến nay co về còn 10,23%.
DVN từng duy trì 2 người đại diện trong HĐQT VMD, tuy nhiên sau khi VMD hoàn tất phát hành riêng lẻ cho Vimedimex 2, các đại diện của DVN là ông Lê Thanh Long và ông Bạch Quốc Chính vào đầu năm 2017 đã rút khỏi HĐQT VMD. Từ đó đến nay, DVN không còn đại diện tại VMD, dù vẫn là cổ đông lớn, sở hữu hơn 10%.
Trong một chi tiết đáng lưu ý, cổ đông chiến lược, nắm 20% cổ phần DVN hiện là Tập đoàn Việt Phương - đối tác quen thuộc của Vimedimex Group, đã được Nhadautu.vn đề cập trong bài viết trước đây.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ đông bà Nguyễn Thị Loan không ngừng gia tăng ảnh hưởng. Tới cuối tháng 6/2021, Vimedimex có 5 cổ đông lớn, ngoài DVN (10,23%), có Vimedimex 2 (45,34%), ông Trần Kiên Cường (7,12%), ông Lê Xuân Tùng (7,39%), bà Trần Thị Đoan Trang (5,22%).
Cụ thể hơn, Vimedimex 2 là công ty do bà Loan làm Chủ tịch HĐQT; ông Lê Xuân Tùng là con trai bà Loan, hiện là Phó TGĐ VMD; ông Trần Kiên Cường là Thành viên HĐQT Chứng khoán Hoà Bình (HBS), cựu Thành viên HĐQT VMD Trần Thị Đoan Trang có em gái - bà Trần Thị Quỳnh Trang cũng từng công tác nhiều năm tại HBS, và hiện là lãnh đạo cấp phòng tại khối bất động sản của Vimedimex.
Ngoài ra còn phải kể đến Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Dung sở hữu 2,45%. Bà Dung cũng từng là Trưởng phòng Kế toán lưu ký tại HBS, hay Phó TGĐ Trịnh Ngọc Duyên - mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái Vimedimex, đang nắm giữ 4,4%.
Nếu cộng cả bà Loan (0,55%), nhóm cổ đông của nữ Chủ tịch HĐQT nắm tới 72,47% VMD tới cuối tháng 6/2021.
Sự chi phối cũng thể hiện rõ qua cơ cấu HĐQT. Không tính Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Hùng (đề cập ở phần sau), và tân Phó Chủ tịch Tô Thuý Anh không được công bố lý lịch, 4 thành viên khác đều thuộc nhóm nữ doanh nhân Hoà Bình, là Chủ tịch Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Dung và 2 thành viên Trần Đình Huynh và Lê Tiến Dũng.
Trong đó, ngoại trừ bà Dung đã đề cập, thì ông Trần Đình Huynh từng là Phó TGĐ CTCP Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group), còn ông Lê Tiến Dũng (SN 1984) hiện là TGĐ Vimedimex Group. Vợ ông Dũng, bà Trương Thị Nhung cũng từng là Kế toán trưởng tại Vimedimex Group.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Hùng cùng người nhà đang sở hữu 3,9% cổ phần VMD.
Như vậy, 3 nhóm cổ đông chính hiện nay ở VMD là nhóm chi phối của Chủ tịch Nguyễn Thị Loan (72,47%), Tổng công ty Dược (10,23%) và gia đình Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Hùng (3,9%), tổng cộng là 86,6%. Trừ 1,44% thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cổ đông nhỏ lẻ trong nước còn 11,96%, tương đương 1,85 triệu cổ phần "floating", giải thích tại sao thanh khoản cổ phiếu này ở mức rất thấp, chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.
Cơ cấu sở hữu này khá tương đồng với những con số tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Biên bản họp ghi nhận có 11 cổ đông tham dự, chiếm tới 87,25% cổ phần của Vimedimex.
Điểm dừng nào cho VMD?
Sau khi cổ phiếu VMD tăng nóng trong thời gian ngắn, bà Đào Thị Bình, vợ Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Hùng vừa đăng ký bán 200.000 cổ phần, nếu thành công sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 3,5% về 2,2%. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Việt, em gái ông Hùng cũng đăng ký bán toàn bộ 20.140 cổ phiếu VMD, tương đương 0,13%.
Việc người nhà Phó Chủ tịch VMD "chốt lời" khi giá cổ phiếu tăng mạnh dường như không đại diện cho ý chí chung của nhóm chủ doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, nên biết, là cựu Chủ tịch VMD từ trước thời điểm cổ phần hoá. Và kể cả tới khi xuất hiện nhóm nhà đầu tư có xuất phát điểm trong lĩnh vực tài chính Nguyễn Thị Loan - Trần Văn Kỳ, vai trò của ông Nguyễn Tiến Hùng vẫn nổi bật, khi đảm trách cả 2 vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ cho tới năm 2011.
Năm 2012, trong khi bà Nguyễn Thị Loan được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Hùng, thì chiếc ghế CEO cũng được chuyển giao, nhưng là cho... con trai ông Hùng - ông Nguyễn Quốc Cường.
Cơ cấu quyền lực của VMD duy trì suốt 7 năm sau đó, cho đến cuối năm 2019, khi ông Cường rút khỏi vị trí TGĐ VMD, thay bằng người của bà Loan. Diễn biến này, cùng với tỷ lệ sở hữu chi phối hơn 70% như đã đề cập, VMD coi như được "thu về một mối".
Với tỷ lệ sở hữu cổ đặc như đã đề cập, nhóm chủ VMD khó có thể nói là "không liên quan" đến đà tăng shock vừa qua của cổ phiếu VMD.
Vậy, mục đích của việc đẩy giá cổ phiếu lên cao là gì? Thông thường, có 2 mục đích phổ biến, là để phân phối cho cổ đông bên ngoài, hay kéo lên để phục vụ phát hành thêm.
Trong trường hợp của VMD, số lượng cổ phiếu lưu hành không lớn, chỉ 15,44 triệu đơn vị, cùng mức độ sở hữu cô đặc, thanh khoản thấp, khả năng phân phối là không cao, trong khi doanh nghiệp này trong năm nay ít nhất là chưa có kế hoạch phát hành thêm.
Ngoài 2 mục đích kể trên, các nhóm chủ doanh nghiệp còn thường kéo giá cổ phiếu lên một mức mà họ cho rằng phù hợp với định giá doanh nghiệp.
Khi mà triển vọng nhập khẩu thành công vaccine Covid-19 chưa rõ ràng, thì VMD vẫn có những giá trị của riêng mình. Trong khối các doanh nghiệp dược phẩm niêm yết, VMD có doanh thu vượt trội hơn cả, đạt 18.168 tỷ đồng trong năm 2020, vượt xa những cái tên xếp sau như DVN (5.334 tỷ đồng), DHG (4.207 tỷ đồng). Tất nhiên, doanh thu lớn do đặc thù của VMD là thương mại, khác với sản xuất của các thương hiệu khác.
Đặc thù thương mại khiến biên lợi nhuận của VMD rất mỏng, quanh 0,2% trong suốt cả chục năm qua. Tuy nhiên EPS duy trì ở mức khá, đạt 2.390 đồng trong năm ngoái, xếp thứ 8 trong nhóm doanh nghiệp dược phẩm niêm yết.
Trong những năm tới, bên cạnh mảng thương mại được thúc đẩy bởi chiến lược phát triển chuỗi cửa hàng phân phối rộng khắp cả nước (kế hoạch trong năm 2021 khai trương 36 trung tâm phân phối dược phẩm Vimedimex và 180 siêu thị thuốc mini tuyến huyện), chất lượng lợi nhuận của VMD được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh khi doanh nghiệp này đầu tư lớn vào mảng sản xuất.
VMD hiện đang phối hợp với Vimedimex 2 xây dựng 2 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU gồm nhà máy sản xuất NonBetalactam và nhà máy sản xuất Cephalosporin, dự kiến đưa vào vận hành tháng 9/2022 và tháng 12/2022.
Dù có tiềm năng lớn, và thị giá đã tăng gấp 3 lần so với đầu tháng 8, song giá trị vốn hoá của VMD tính đến hết phiên 6/9 mới chỉ là 1.184 tỷ đồng, tương đương hơn 50 triệu USD, xếp thứ 9 và thua xa các doanh nghiệp đầu ngành khác như DHG (13.728 tỷ đồng), DVN (7.015 tỷ đồng), IMP (4.680 tỷ đồng)...
Một mức vốn hoá lớn hơn sẽ giúp nâng tầm, tương xứng với tiềm năng của VMD trong thời gian tới, và cũng không ngoại trừ có thể giúp nhóm chủ doanh nghiệp này phục vụ các mục đích khác như tăng mạnh vốn để pha loãng hay phân phối cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ở một nội dung đáng chú ý tại Báo cáo thường niên năm 2020 được xuất bản đầu năm 2021, mà Báo cáo thường niên các năm trước đó không đề cập, VMD lấy tổng tài sản chia cho số lượng cổ phiếu, từ đó tính ra giá trị doanh nghiệp/ cổ phiếu tại thời điểm 31/12/2020 là 537.934 đồng, tăng 39% so với thời điểm cổ phần hoá năm 2006.
Đây có chăng là một thông số dùng để tham chiếu quá trình phát triển của VMD, tuy nhiên việc lần đầu tiên áp dụng cách tính có phần "khó hiểu" cùng kết quả đưa ra rất cao khiến không ít nhà đầu tư vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào mã cổ phiếu này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận