ĐHĐCĐ VIB: Chia cổ tức 35% năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận trên 30%
Sáng ngày 16/03/2022, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh 2022 cũng như định hướng chiến lược phát triển cho giai đoạn 5 năm 2022-2026.
Giai đoạn 1 chuyển đổi chiến lược (2017-2021)
Chia sẻ đầu Đại hội, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - ông Hàn Ngọc Vũ cho biết, sau giai đoạn đầu của hành trình chuyển đổi 10 năm (2017-2026), VIB đã xây dựng nền tảng hoạt động kinh doanh, vận hành, chuyển đổi số và quản trị rủi ro, chuyển đổi sang mô hình ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp với tỷ trọng cho vay bán lẻ gần 90% danh mục tín dụng, cao gấp đôi mức 40% của trung bình ngành.
Năm 2021, Việt Nam tiếp tục chịu sự tác động từ sự bùng phát của dịch COVID-19, dẫn đến hoạt động kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, sau quý 3 bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, VIB đã có sự phục hồi mạnh mẽ ngay trong quý 4 nhờ nền tảng khách hàng tốt và chính sách mở cửa hoạt động kinh tế sau giãn cách. Lợi nhuận trước thuế 2021 của VIB đạt 8,011 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020 và vượt kế hoạch đề ra. Quy mô tổng tài sản tăng gấp 3 lần, từ khoảng 100,000 tỷ đồng năm 2016 vượt lên gần 310,000 tỷ đồng tính đến 31/12/2021. Tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về tín dụng và huy động lần lượt đạt 25% và 29% trong 5 năm liên tục.
Tổng Giám đốc cho biết động lực giúp kết quả kinh doanh của VIB tăng trương mạnh đến từ cả 3 mảng kinh doanh cốt lõi: Ngân hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp, nguồn vốn và ngoại hối. Riêng mảng bán lẻ được VIB xem là trọng tâm chiến lược và đầu tư mạnh mẽ nhất, với mục tiêu đưa VIB trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam về chất lượng và quy mô.
Định hướng chiến lược phát triển 5 năm 2022-2026
Trong giai đoạn 5 năm chuyển đổi tiếp theo (2022-2026), VIB đặt mục tiêu tăng trưởng kép lợi nhuận đạt tối thiểu 30%/năm. Bên cạnh đó, nền tảng khách hàng cũng sẽ được mở rộng gần gấp 3 lần so với hiện tại. Vốn hóa thị trường chứng khoán được kỳ vọng đạt 14 tỷ USD. Các mục tiêu tăng trưởng này dựa trên cơ sở kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế, dư địa tăng trưởng lớn của mảng bán lẻ cùng các ưu thế trong quá trình chuyển đổi sang mô hình bán lẻ hiện đại.
Dự kiến chia cổ tức 35%, lợi nhuận trước thuế tăng 31% cho năm 2022
VIB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức hơn 21,000 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 36% so với đầu năm.
Ngân hàng dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0.7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu vốn của Ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh.
Dựa trên cơ sở tăng vốn điều lệ thành công, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 10,500 tỷ đồng cho năm 2022, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402,500 tỷ đồng; 265,600 tỷ đồng và 280,600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
VIB đề ra mục tiêu kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, tỷ lệ an toàn vốn CAR theo Basel II trên 10%. Đồng thời, VIB cũng dự kiến tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROA) là 2.4% và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) là 29.5%.
Năm 2022, VIB định hướng tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng nguồn thu ngoài mảng tín dụng truyền thống sang các sản phẩm mang lại thu nhập ngoài lãi giúp đa dạng hóa nguồn thu và nâng cao hiệu suất sinh lời.
Tính đến 31/12/2021, thù lao thực tế đã chi trả cho các thành viên HĐQT và BKS là gần 9.3 tỷ đồng (trong đó có 1 thành viên HĐQT kiểm Tổng Giám đốc được chi trả từ quỹ lương CBNV nên không nhận thù lao HĐQT). Năm 2022, HĐQT VIB tiếp tục trình tổng thù lao sẽ chi trả cho thành viên HĐQT và thành viên BKS tối đa 0.5% lợi nhuận trước thuế 2022 nhưng không thấp hơn chi phí thực tế của năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận