ĐHĐCĐ PSH: Mục tiêu doanh thu 2022 gấp 2.5 lần kết quả 2021
Ngày 18/05, CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên, qua đó thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu ấn tượng.
Cụ thể, Ban lãnh đạo PSH đề ra mục tiêu trong năm 2022 doanh thu đạt 14,476 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, lần lượt gấp 2.5 lần và tăng 9% so với kết quả 2021.
Nhằm thực hiện được mục tiêu đề ra, Ban lãnh đạo Công ty xây dựng chiến lược kinh doanh lấy sản phẩm chất lượng cao làm nòng cốt, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, giúp tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Đồng thời, Công ty cũng sẽ cố gắng tiết kiệm chi phí ngay từ khi giao kế hoạch cho các đơn vị trên cơ sở rà soát kỹ từng khoản mục chi phí. Ngoài ra, PSH tiếp tục quản trị chi phí theo từng phương thức bán hàng (bán lẻ, bán buôn, đại lý, tổng đại lý), chi tiết theo từng khoản mục chi phí và từng loại hình kinh doanh.
Giải thích lý do mục tiêu lợi nhuận năm 2022 có mức tăng trưởng thấp hơn so với doanh thu, đại diện PSH cho biết, lợi nhuận năm 2022 được đặt ở mức khiêm tốn là do giá xăng dầu Việt Nam đi sau giá thế giới, dẫn đến lợi nhuận không nằm ở doanh nghiệp mà là nằm ở người tiêu dùng. Các doanh nghiệp xăng dầu phải có lợi nhuận theo quy định để bảo hộ nền kinh tế chung của đất nước.
Trong bối cảnh trên, Công ty chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức từ 8%-15% trong năm 2022. Ngoài ra, để bù đắp cho mảng kinh doanh xăng dầu, PSH sẽ chuyển hướng sang một số lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, kinh doanh bất động sản để tạo nguồn thu cho năm nay.
Chia sẻ thêm về tình hình kinh doanh bất động sản của PSH, đại diện Công ty cho biết, trong 8 dự án theo kế hoạch, Công ty đã đầu tư và hoàn thiện 80%. Nhằm huy động vốn cho các dự án, Công ty đã phát hành lô trái phiếu 600 tỷ đồng và dự kiến sẽ giải ngân trong năm 2022.
Về chi tiết một số dự án, dự án Tổng kho dầu khí Soài Rạp - NamSongHau Petro tại Gò Công, Tiền Giang hiện đã xây dựng được cảng 50 ngàn tấn và dự kiến đến tháng 6/2022 sẽ đón chuyến tàu đầu tiên. Bên cạnh đó, dự án Tổng kho xăng dầu Mái Dầm cũng đã hoàn tất phát hành trái phiếu để huy động vốn. Còn đối với Khu đô thị Đông Phú, dự án đã được hoàn thiện và chỉ còn thiếu bước pháp lý cuối cùng để có thể bắt đầu chào bán.
Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động, doanh thu của PSH sau 3 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh ở mức 35%, đạt 2,357 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào cùng một số chi phí khác tăng cao, lợi nhuận sau thuế của Công ty bị kéo lùi, còn 16 tỷ đồng.
Tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT PSH ông Mai Văn Huy giải bày, trong câu chuyện kinh doanh xăng dầu, theo Nghị định 95, nhà nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu phải chịu sự giám sát và bán theo giá niêm yết của liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Trong quý 1, Công ty có lợi nhuận khiêm tốn là do tình hình giá xăng dầu thế giới rất cao nhưng các cơ quan chức năng không cho điều chỉnh vì tình hình dịch cúm vừa bớt căng thẳng, nếu cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có lời thì nền kinh tế sẽ bất ổn. Vì vậy, Bộ Công thương đã quyết định PSH phải mở hết công suất nhà máy, đồng thời tung toàn bộ hàng tồn kho để đảm bảo nguồn cung cho ĐBSCL.
Thời điểm tháng 1/2022, giá thế giới chênh lệch 4,000 đồng/lít so với giá trong nước nhưng do bán theo giá niêm yết của Liên Bộ, Công ty đã phải bán lỗ 4,000 đồng/lít trong 20 ngày đầu tháng. Phải đến chu kỳ giá thứ 3, sau khi quỹ bình ổn không còn đủ bù lỗ cho các doanh nghiệp trong ngành, Chính phủ mới chấp nhận để giá xăng tăng lên 4,000 đồng/lít để doanh nghiệp có thể bình ổn lợi nhuận.
Ngoài ra, Chủ tịch PSH còn chia sẻ thêm về một số động thái sắp tới của Công ty. Cụ thể, ông Huy cho biết, trong khoảng thời gian giá xăng dầu biến động trong năm 2021, Công ty đã xin Bộ Công thương bán ra 60% lượng dự trữ xăng dầu giá thấp nhằm bảo vệ quyền lợi cổ đông và nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.
Sang năm 2022, nguyên nhân Công ty không bán tiếp 40% tồn kho giá thấp còn lại để gia tăng lợi nhuận là vì theo quy định của Nhà nước, PSH phải giữ lại cho dự trữ quốc gia là 20% sản lượng mục tiêu đặt ra mỗi năm. 20% này sẽ được đặt dưới sự quản lý của Bộ Công thương, nếu đem ra bán, Công ty có thể bị xử phạt và rút giấy phép kinh doanh.
Mặt khác, PSH đang lên kế hoạch nhập thêm hàng về và xin sử dụng hàng mới giá cao để thay thế làm nguồn dự trữ, còn hàng tồn giá thấp sẽ được bán ra, giúp tăng lợi nhuận của Công ty.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận