ĐHĐCĐ Hòa Phát: Kế hoạch 150.000 tỉ đồng doanh thu, 8.000 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2023
Năm 2023, ban lãnh đạo Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu đạt 150.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 8.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng lên kế hoạch phát triển các đại đô thị quy mô từ 300 - 500 ha.
Sáng nay (30/3), CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023). Theo ghi nhận của PV VietTimes, có rất đông cổ đông, đại biểu có mặt, thực hiện các thủ tục check-in.
Đến 8h45, bà Bùi Thị Hải Vân, Trưởng Ban Kiểm soát Hòa Phát lên công bố kết quả kiểm tra tư cách đại biểu. Theo đó, tính đến 8h37, tổng số cổ đông tham dự đại hội đại diện cho 3,85 tỉ cổ phần, chiếm 66,16% cổ phần có quyền biểu quyết.
“Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Hòa Phát đủ điều kiện tiến hành”, bà Bùi Thị Hải Vân tuyên bố.
Theo tài liệu đại hội, ban lãnh đạo Hòa Phát dự trình cổ đông xem xét phê duyệt kế hoạch kinh doanh hợp nhất toàn tập đoàn năm 2023, với doanh thu 150.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 8.000 tỉ đồng.
So với thực hiện năm 2022, kế hoạch doanh thu năm nay của Hòa Phát tăng nhẹ 5%, còn mục tiêu lợi nhuận giảm 5%, tương đương giảm hơn 440 tỉ đồng.
Ban điều hành Hòa Phát nhận định, năm 2023, doanh thu dự kiến tăng nhẹ so với năm 2022. Giá nguyên nhiên liệu xu hướng tăng, giá bán tăng không tương xứng, chi phí tài chính lớn do dự báo lãi suất vẫn tiếp tục duy trì trạng thái cao.
Ban lãnh đạo Hòa Phát đề xuất trích 42,2 tỉ đồng (0,5% lợi nhuận sau thuế) vào Quỹ khen thưởng phúc lợi. Toàn bộ phần lợi nhuận còn lại (8.402 tỉ đồng) xin được dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn tập đoàn.
Năm 2022, Hòa Phát ghi nhận 142.770 tỉ đồng doanh thu, giảm 8.095 tỉ đồng, tương ứng giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỉ đồng, giảm 26.077 tỉ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.
Lĩnh vực thép (bao gồm gang thép và sản phẩm thép) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo và là mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt chiếm 93% và 95% doanh thu và lợi nhuận của toàn tập đoàn.
Lĩnh vực nông nghiệp đóng góp lần lượt 5% và 1% vào doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn tập đoàn. Lĩnh vực bất động sản và điện máy gia dụng lần lượt đóng góp 4% và 1% lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn.
Về các chỉ tiêu tài chính, vốn chủ sở hữu của Hòa Phát tại ngày 31/12/2022 đạt 96.113 tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2021. ROE và ROA lần lượt đạt 5% và 8,8%.
Tổng tài sản toàn tập đoàn tại ngày 31/12/2022 đạt 170.336 tỉ đồng, giảm gần 4% so với cuối năm 2021. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 80.515 tỉ đồng (giảm 14%); tài sản dài hạn đạt 89.821 tỉ đồng (tăng 6,8%).
Tổng vay ngắn và dài hạn toàn tập đoàn tại ngày 31/12/2022 là 57.900 tỉ đồng. Hệ số vay nợ ngân hàng trên vốn chủ sở hữu ở mức 0,6 lần, nhưng nợ vay ngân hàng ròng trên vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 0,24 lần – mức trung bình thấp về sử dụng đòn bẩy tài chính.
Tổng nộp ngân sách Nhà nước trong năm 2022 của Hòa Phát là 11.200 tỉ đồng. Trong đó, 3 tỉnh Hòa Phát có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Quảng Ngãi, Hưng Yên và Hải Dương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận