ĐHĐCĐ FPT Retail: 'Tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong những ngành nghề mới'
"Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới trong những ngành nghề mới mà có thể phát huy được kinh nghiệm quản trị chuỗi bán lẻ toàn quốc và nền tảng công nghệ. Chúng tôi sẽ tiếp tục dấn thân đi tìm hướng đi mới."
Đó là chia sẻ của Tổng Giám đốc Trần Trung Kiên, mở đầu cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT) tổ chức chiều ngày 28/05/2020.
"Hôm nay tôi vinh dự được tham gia đại hội với cương vị mới là Tổng Giám đốc. Trên cương vị mới, tôi hiểu rằng quý cổ đông và cán bộ luôn đặt ra câu hỏi người lãnh đạo mới sẽ đem lại được giá trị gì cho công ty."
Ông Kiên cho biết, chiến lược của FRT trong 3 năm tới là phát triển thành nhà bán lẻ đa ngành hàng đầu Việt Nam.
FRT hiện đang có chuỗi bán lẻ kỹ thuật số và nhượng quyền Apple. Công ty dự kiến tiếp tục phát triển mô hình shop-in-shop đối với chuỗi kinh doanh sản phẩm kỹ thuật số và đầu tư mạnh vào mảng dược phẩm, với chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu.
Trong năm 2019 và đầu 2020, FRT cùng Long Châu đã tiến hành mở rộng và tuần vừa rồi đã đạt 100 cửa hàng. Đến cuối 2020 dự kiến là 220 cửa hàng.
Tổng Giám đốc Kiên cho biết sẽ tập trung vào 3 việc chính là thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào hoạt động Công ty, tập trung vào xây dựng đội ngũ con người và tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Trong những năm qua, FRT loay hoay trong việc tìm kiếm tăng trưởng khi mà mảng chủ lực là kinh doanh thiết bị công nghệ (điện thoại, laptop,…) bắt đầu chững lại trong một thị trường bão hòa.
FRT đã triển khai các dịch vụ mới để thúc đẩy doanh số như các chương trình mua hàng trả góp F.Friend, chương trình trợ giá mua Subsidy, cho đến việc kinh doanh các dòng sản phẩm mới như mắt kính, đồng hồ, mỹ phẩm, dược phẩm. Những nỗ lực đó giúp FRT duy trì được mức tăng trưởng doanh thu trong năm 2019, tuy nhiên, lợi nhuận có sự sụt giảm mạnh, mà đáng chú ý là khoản thua lỗ trong quý cuối cùng của năm này.
Tất cả đều chưa thực sự tạo được sự an tâm cho cổ đông về tương lai của FRT và theo đó giá cổ phiếu này đã liên tục sụt giảm kể từ ngày lên sàn, cho đến khi đột ngột bật tăng kể từ đầu tháng 04/2020.
Mảng tiềm năng nhất được nói đến lúc này chính là dược phẩm với mũi nhọn là chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Trong năm 2020, FRT dự kiến doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 15,320 tỷ đồng và 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 21% so với 2019.
Công ty sẽ chú trọng đến việc tăng doanh thu của hệ thống cửa hàng bằng việc đưa vào các sản phẩm mới theo hình thức shop-in-shop để nâng cao hiệu quả từng cửa hàng. Theo tờ trình gửi đến cổ đông, Ban lãnh đạo FRT đề xuất bổ sung nhiều ngành nghề liên quan đến việc kinh doanh sản phẩm y tế, mỹ phẩm, và thậm chí là cả thực phẩm, đồ dùng gia đình, đại lý du lịch,…
Một điểm đáng chú ý là HĐQT của FRT sẽ không nhận thù lao trong năm 2020, như những gì đã làm trong năm 2019.
Về phương án phân phối lợi nhuận, Ban lãnh đạo FRT trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% cho năm 2019 (thực hiện vào quý 3/2020). Đối với năm 2020, cổ tức tiền mặt dự kiến sẽ không vượt quá 15%, nhưng mức chi trả cụ thể sẽ được quyết định tại cuộc họp thường niên vào năm sau.
Cổ đông FRT cũng sẽ thực hiện bầu mới 1 vị trí Thành viên HĐQT và 1 Thành viên Ban Kiểm soát trong cuộc họp lần này.
Danh sách ứng viên HĐQT và Ban Kiểm soát
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận