ĐHĐCĐ Eximbank: Nhiều cổ đông đưa yêu cầu bất hợp lý?
ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần 2 của Eximbank lại không thành công khi các vấn đề tranh cãi nội bộ, tranh chấp vị trí Chủ tịch HĐQT... được "mổ xẻ" tại đại hội.
Như thường lệ gần đây, ĐHĐCĐ của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank – mã EIB) “nóng” ngay từ những phút đầu tiên “mở màn”; dù có thể ban tổ chức cũng chưa kịp công bố số cổ đông tham dự có đủ tỷ lệ diễn ra đại hội hay không, cổ đông ngay lập tức chất vấn ban lãnh đạo Eximbank, chất vấn đoàn chủ toạ.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần 2 của Eximbank sáng ngày 21/6/2019 tại TP.HCM, tình trạng này cũng diễn ra tương tự. Dù tỷ lệ cổ đông tham dự đạt tỷ lệ 93,9% số cổ phần có quyền biểu quyết, nhưng đại hội lại bất thành do chỉ có 39,85% cổ đông có quyền biểu quyết thông qua Quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ.
Theo điều 35, Điều lệ của Eximbank, quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp khi bảo đảm đủ trên 51% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp có quyền biểu quyết có mặt trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền có mặt tại đại hội. Như vậy, tỷ lệ cổ đông thông qua Quy chế tiến hành đại hội đã không đạt theo Điều lệ này.
Mô hình Tổ chức và cơ cấu bộ máy quản lý của Eximbank hiện nay - Nguồn: EIB
Tuy nhiên, trước khi Trưởng Ban kiểm soát của Eximbank công bố hủy ĐHĐCĐ lần 2, các cổ đông Eximbank cũng đã tranh cãi nảy lửa với đoàn chủ toạ của Eximbank.
Vấn đề chủ yếu xoay quanh tính hợp pháp của Chủ toạ đoàn tại ĐHĐCĐ và các quyết định bầu nhân sự cấp cao của Eximbank thời gian trước đó.
Về tính hợp pháp của Chủ toạ đoàn là ông Cao Xuân Ninh – tân Chủ tịch HĐQT của Eximbank vừa được HĐQT ngân hàng này bầu ngày 22/5 theo Nghị quyết 238 và bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh – quyền Tổng giám đốc Eximbank theo Nghị quyết 239 cũng ngày 22/5.
Theo Luật Các Tổ chức tín dụng 2010, nhân sự cấp cao của các ngân hàng thương mại ở vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Theo ông Cao Xuân Ninh công bố tại ĐHĐCĐ lần 2, tư cách Chủ tịch HĐQT của ông Ninh hoàn toàn hợp pháp vì đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận (tại danh sách nhân sự ứng cử vào thành viên HĐQT tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2015) và có 6/8 thành viên HĐQT tán thành Nghị quyết 231 (về việc bãi bỏ chức danh Chủ tịch HĐQT của bà Lương Thị Cẩm Tú theo Nghị quyết 112 - trong cuộc họp HĐQT trước thềm ĐHĐCĐ một ngày vào ngày 20/6/2019).
Trước thềm ĐHĐCĐ lần 2 của Eximbank hai ngày, ngày 19/6, Toà án Nhân dân quận 1, TP.HCM đã có quyết định đình chỉ yêu cầu của CTCP Rồng Ngọc (nắm 1,99% cổ phần Eximbank) về việc yêu cầu Eximbank bãi bỏ vị trí Chủ tịch của ông Cao Xuân Ninh và quyền Tổng giám đốc của ông Nguyễn Cảnh Vinh, khôi phục vị trí Chủ tịch của bà Lương Thị Cẩm Tú.
Như vậy, trước khi diễn ra ĐHĐCĐ lần 2, các thủ tục liên quan đến kiện cáo đã kịp xong.
Tuy nhiên, trong ĐHĐCĐ lần 2, có nhiều cổ đông đòi thay thế vị trí Chủ toạ đoàn của ông Cao Xuân Ninh. Cụ thể, đại diện cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC – nắm 15% vốn của Eximbank) đề nghị thay Chủ toạ đoàn là một Phó Chủ tịch HĐQT.
Yêu cầu này đã không được chấp thuận vì trái luật. Theo Khoản 4, Điều 34, Điều lệ Eximbank, quy định ĐHĐCĐ sẽ do Chủ tịch HĐQT chủ trì, trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt thì Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc là người được Đại hội đồng cổ đông bầu ra sẽ chủ trì…
Như vậy, theo Điều lệ của Eximbank, đương nhiên Chủ tịch HĐQT là người ngồi ghế Chủ toạ đoàn tại ĐHĐCĐ của Eximbank.
Một yêu cầu nữa của cổ đông không hợp lý trong lần ĐHĐCĐ lần 2, đó là số cổ đông bỏ phiếu tán thành thông qua Quy chế tiến hành họp đại hội chỉ đạt tỷ lệ 39,85%, không đủ tỷ lệ 51% theo Điều lệ của Eximbank. Đương nhiên ĐHĐCĐ phải được tuyên bố không thành công.
Nhưng một số cổ đông của Eximbank đã yêu cầu ban tổ chức cho tiếp tục tiến hành đại hội, vì “cứ hoãn đi hoãn lại chung quy là tốn tiền của cổ đông chứ ai”.
Trước các yêu cầu của cổ đông, ông Cao Xuân Ninh đã tuyên bố: “Tôi đề nghị Trưởng Ban kiểm soát xin ý kiến cổ đông 1 lần nữa về việc thông qua quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ. Nếu không đủ, tôi buộc phải tuyên bố ĐHĐCĐ không thành công”.
Tỷ lệ cổ đông thông qua Quy chế tiến hành ĐHĐCĐ lần 2 của Eximbank - Ảnh: BizLIVE.
Kết quả cuối cùng vẫn cho tỷ lệ 55,09% cổ phần có quyền biểu quyết không đồng ý, 39,8% đồng ý và 5,06% không có ý kiến.
Như vậy, ông Cao Xuân Ninh và đoàn Chủ toạ ĐHĐCĐ của Eximbank đã làm đúng luật, khi tỷ lệ cổ đông không đồng ý tiến hành họp ĐHĐCĐ, dù có chiều theo ý cổ đông tiếp tục tổ chức đại hội (nhằm tránh tốn kém), chẳng hạn, nếu như các tờ trình của ban lãnh đạo Eximbank được cổ đông tại đại hội này chấp thuận thì cũng không hợp lệ, vì ĐHĐCĐ đã diễn ra trái luật, không đủ tỷ lệ cổ đông đồng ý tiến hành đại hội mà vẫn tiến hành.
Do đó, những người lãnh đạo trong các đơn vị, tổ chức phải là những người cầm cân nảy mực và cổ đông là người có quyền nói lên tiếng nói hợp pháp của mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận