menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vy Lam

ĐHĐCĐ Eximbank lần 2: Không thông qua quy chế tiến hành họp Đại hội

Sáng ngày 21/06/2019, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (HOSE: EIB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019 lần 2 sau lần 1 bất thành. Vấn đề nhân sự tiếp tục được các cổ đông chất vấn khá gay gắt.

Tiếp tục cập nhật...

Không thông qua quy chế tiến hành Đại hội

Các cổ đông yêu cầu biểu quyết và kết quả là không thông qua quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 của EIB, tỷ lệ biểu quyết không đồng ý là 55.09%.

ĐHĐCĐ Eximbank lần 2: Không thông qua quy chế tiến hành họp Đại hội

Ông Trần Ngọc Dũng đề nghị cổ đông chỉ ra đâu là điểm không đồng ý để Đoàn chủ tọa điều chỉnh để Đại hội được tiếp tục.

Ông Nguyễn Chấn – sáng lập viên của NamABank và sở hữu 4.49% cổ phần Eximbank, cha của ông Nguyễn Quốc Toàn – Chủ tịch HĐQT NamABank (NAB) có ý kiến: “Ông Toàn đã lừa dối cổ đông NAB. Tôi mong cổ đông ủng hộ tôi bảo vệ số tài sản đã tạo lập trong nhiều năm qua. Không nhận cầm cố, chuyển nhượng tài sản có liên quan đến ông Toàn. Đình chỉ các quyền cổ đông đối với ông Toàn tại Eximbank. Vợ chồng tôi đã nhờ chính quyền tham gia, các biện pháp pháp lý cũng đang dần được làm rõ. Qua cuộc họp hôm nay, tôi kính mong Chủ tọa đoàn và cổ đông thông qua 3 đề nghị trên cũng như không tạo điều kiện cho hành vi bất hợp pháp của ông Toàn”.
Đại diện EIB, ông Nguyễn Cảnh Vinh cho biết, về vụ việc của ông Nguyễn Chấn, cơ quan chức năng đang điều tra, đây là việc của cơ quan chức năng, HĐQT chưa có quyền can thiệp.

Việc bầu Chủ tịch mới và Quyền Tổng Giám đốc là vô hiệu?

Ngay khi đại hội vừa bắt đầu, cổ đông đại diện cho 70 triệu cp EIB có ý kiến về việc bầu đoàn Chủ tịch, ông đề nghị làm rõ nội dung ông Lê Minh Quốc nhân danh HĐQT ra Nghị quyết 231, “hành động của ông Quốc là coi thường cổ đông và vi phạm pháp luật”. Để đảm bảo hoạt động Ngân hàng, cổ đông đề nghị ông Đặng Anh Mai xem xét và giải trình xem xét lại tư cách của ông Cao Xuân Ninh với vai trò Chủ tịch HĐQT.

Đại diện Bộ phận pháp chế và Ban kiểm soát, với tư cách Thành viên HĐQT, ông Đặng Anh Mai trình bày, đối với phiên họp ngày 15/05/2019, ông Đặng Anh Mai và ông Hoàng Tuấn Khải, đã họp và ký tờ trình xem xét Nghị quyết 112 và tờ trình bãi nhiệm ông Lê Minh Quốc khỏi Chủ tịch HĐQT và thay bằng bà Lương Thị Cẩm Tú.

Cổ đông đại diện cho SMBC yêu cầu Eximbank tuân thủ đúng luật và điều lệ của Việt Nam, các vị trí quan trọng tại Eximbank ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động của ngân hàng. Trong suốt quá trình, SMBC đã có nhiều văn bản gửi đến Eximbank không đồng ý với HĐQT. Do vậy, tại ĐHĐCĐ lần này, là cơ hội cho cổ đông tự bầu chọn các chức vụ cho Eximbank.

Ông Cao Xuân Ninh khẳng định chủ tọa đoàn này là hoàn toàn hợp lệ. Ông Ninh cho rằng đã tiến hành rà soát đúng với 8 thành viên tham gia, 2 thành viên đến từ SMBC (1 trực tiếp và 1 qua cầu truyền hình), cuộc họp có 6/8 thành viên đồng ý Nghị quyết 231 đã được ban hành nhất quán. Một thành viên đến từ SMBC đã phát biểu tại cuộc họp ông không được quyền bỏ phiếu nhưng ông không có ý kiến về các Nghị quyết. Như vậy, ông Ninh khẳng định tư cách Chủ tịch HĐQT của mình là hợp pháp, đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, ông Đặng Anh Mai (với tư cách chủ tọa tại cuộc họp đó) cho biết, nội dung sự việc ngày 22/03/2019, HĐQT EIB đã có Nghị quyết 112 bãi nhiệm chức danh của ông Lê Minh Quốc và bầu bà Tú thay thế, nhưng ông Quốc đã khởi kiện ra TAND, và TAND đã đề nghị tạm ngừng Nghị quyết 112.

Ngày 15/05, khi cuộc họp HĐQT chưa kết thúc và chưa có biên bản họp, ông Lê Minh Quốc đã lấy tư cách HĐQT đã ký Nghị quyết 231 chấm dứt Nghị quyết 112. Biên bản này ông Đặng Anh Mai với tư cách chủ tọa chưa hề được biết.

Ngày 17/05, ông Mai đã yêu cầu ông Quốc gửi lại biên bản nhưng không hề nhận được.

Sau đó, TAND hủy bỏ quyết định 112 và đình chỉ vụ án giải quyết tranh chấp.

Ngày 18/05, ông Quốc đã có thư mời họp HĐQT. Song, cuộc họp sáng ngày 25/05 không đủ số thành viên tham gia.

Sau đó, Nghị quyết 238 bầu Chủ tịch thay ông Quốc, Nghị quyết bổ nhiệm quyền TGĐ và Nghị quyết hoãn ĐHĐCĐ lần 2 ngày 26/5 cũng đã được ban hành.

Theo ông Mai, Nghị quyết 231 được ban hành trước khi nhận được quyết định 159 của Tòa án nên Nghị quyết này là trái pháp luật. Việc ông Quốc ký Nghị quyết 231 là trái thẩm quyền và vi phạm pháp luật.

“Việc bầu Chủ tịch mới và Quyền Tổng Giám đốc do vậy cũng vô hiệu tương ứng”, ông Mai đưa ý kiến cá nhân.

Vì quyền lợi của các cổ đông, với tư cách người triệu tập và chủ tọa của cuộc họp ngày 15/05, ông Mai không đồng tình nghị quyết 231 bầu Chủ tịch HĐQT và Quyền Tổng Giám đốc mới, Nghị quyết hoãn ĐHĐCĐ ngày 26/05. Ông Mai khẳng định sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và cổ đông.

9h15: Đã có 194 cổ đông tham dự, dại diện cho 93.84% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội.

ĐHĐCĐ Eximbank lần 2: Không thông qua quy chế tiến hành họp Đại hội

Tính đến 8h45, có 105 cổ đông tham dự đại hội, đại diện cho hơn 635 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 51.66% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Quầy kiểm tra tư cách cổ đông

TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI

Sóng ngầm nhân sự đã thực sự kết thúc?

Sau lần 1 tổ chức bất thành, sáng nay (21/06), EIB tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019 lần 2 nhằm thông qua nhiều vấn đề quan trọng. Song, vấn đề tranh chấp chức vụ HĐQT Eximbank vẫn đang gay cấn khi phát sinh nhiều yếu tố mới và bất ngờ.

Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM vừa ban hành quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với về việc tranh chấp giữa các thành viên HĐQT Eximbank. Ngày 27/03/2019, TAND TPHCM ra Quyết định 92 về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc các thành viên trong HĐQT Eximbank phải tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết 112 (bầu bà Lương Thị Cẩm Tú – thành viên HĐQT lên Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc).

Nhưng đến ngày 14/05/2019, bà Đinh Thị Huyền Khanh – đại diện theo ủy quyền của ông Lê Minh Quốc có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện và bà Đặng Thi Kim Xuân – đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Trần Công Cận có đơn xin rút yêu cầu độc lập. Do đó cùng ngày Tòa án đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm thụ lý việc tranh chấp giữa giữa ông Lê Minh Quốc và 7 thành viên trong HĐQT Eximbank. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 14/05. Điều này đồng nghĩa nội dung Nghị quyết 112 tiếp tục được thực hiện, bà Lương Thị Cẩm Tú được các thành viên bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank. Thế nhưng trong ngày 15/05, ông Lê Minh Quốc lại ký Nghị quyết 231 với tư cách là Chủ tịch HĐQT Eximbank chấm dứt hiệu lực Nghị quyết 112.

Cũng trong ngày 14/05, một lá đơn ký tên ông Lê Minh Quốc gửi HĐQT từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank. Trong đơn, ông Lê Minh Quốc cho rằng: "Sau khi suy nghĩ thấu đáo, tôi viết đơn này để thông báo với các thành viên nguyện vọng được từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT tại Eximbank đồng thời giới thiệu người khác để HĐQT xem xét bầu chọn thay thế".

Ngày 22/05/2019, Eximbank đã ban hành Nghị quyết số 238/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bầu ông Cao Xuân Ninh – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank và đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh – Phó Tổng Giám đốc thường trực làm Quyền Tổng Giám đốc.

Như vậy, sau một thời gian dài tranh chấp, vị trí “ghế nóng” của Eximbank đã có chủ. Nhưng liệu những tranh chấp đằng sau có thực sự đã kết thúc?

Kế hoạch lãi trước thuế 1,077 tỷ đồng năm 2019

Năm 2019, HĐQT EIB dự kiến huy động vốn đạt 143,500 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm 2018. Dư nợ cấp tín dụng tăng 11%, đạt 115,570 tỷ đồng, song trong điều kiện thuận lợi, EIB sẽ xin NHNN để tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng.

EIB dự kiến lãi trước thuế trước trích lập dự phòng bổ sung trái phiếu VAMC là 2,000 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước. Lãi trước thuế sau trích lập 1,077 tỷ đồng, tăng 30% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Kế hoạch kinh doanh 2019 của Eximbank

Sửa đổi bổ sung điều lệ Ngân hàng

Eximbank đưa ra 4 nội dung sửa đổi, bổ sung gồm Khoản 4 Điều 2, Điều 33, Khoản 6 Điều 35 và các nội dung khác của Điều lệ ngân hàng.

Theo Điều lệ hiện hành, người đại diện theo pháp luật của EIB chỉ là Tổng Giám đốc (TGĐ). Tuy nhiên, thực tế tại Eximbank đang xảy ra trường hợp TGĐ bị miễn nhiệm và ngân hàng chưa hoàn tất thủ tục bổ nhiệm nhân sự thay thế.

Do đó, HĐQT EIB trình kiến nghị sửa đổi Khoản 4, Điều 2 Điều lệ Eximbank, theo hướng người đại diện theo pháp luật là Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết tổng giám đốc mà chưa hoàn tất việc thay thế.

Ngoài ra, Eximbank cũng đề xuất sửa đổi Điều 33 và khoản 6, Điều 35 của Điều lệ ngân hàng về điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ.

Cụ thể, sửa đổi Điều 33 theo hướng cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có ít nhất 51% số cổ phần có quyền biểu quyết (quy định cũ là 65%). Trường hợp cuộc họp lần thứ 2 thì phải có ít nhất 33% số cổ phần có quyền biểu quyết (thay vì 51% như cũ) và được triệu tập trong vòng 30 ngày.

Còn tờ trình thứ 3 là sửa đổi Khoản 6, Điều 35, ngân hàng đề xuất sửa đổi việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thì quyết định của ĐHĐCĐ được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất trên 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (quy định cũ là 65%) tán thành.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại