ĐHĐCĐ bất thường Eximbank trình phương án miễn nhiệm hàng loạt nhân sự HĐQT
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE:EIB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường, được dự kiến tổ chức vào ngày 30/07/2021.
Vấn đề quan trọng mà Eximbank dự kiến trình Đại hội là kiến nghị của nhóm cổ đông gồm CTCP Rồng Ngọc, CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios, CTCP Thắng Phương, bà Thái Thị Mỹ Sang và bà Lưu Như Trân. Số lượng cổ phần của nhóm cổ đông này chiếm 10.36% tổng số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết tại Eximbank trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng.
Trong đơn kiến nghị, "nhóm cổ đông do bà Kiều Vũ Thụy Uyên làm đại diên kiến nghị, yêu cầu HĐQT Eximbank triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường với lý do và mục đích xem xét, quyết định miễn nhiệm các thành viên HĐQT (nhiệm kỳ 2015-2020) gồm: ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết và ông Ngô Thanh Tùng".
Việc miễn nhiệm có hiệu lực kể từ thời điểm HĐCĐ Eximbank thông qua quyết định miễn nhiệm đối với từng thành viên trong HĐQT.
Theo ý kiến của HĐQT Eximbank, nhiệm kỳ 2015-2020 của HĐQT đã kết thúc, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn chấp thuận nhân sự dự kiến làm thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025.
Tuy nhiên, các lần tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 1 (ngày 30/06/2020), lần 2 (ngày 29/07/2020) và lần 3 (ngày 26/04/2021) đều không thành công. ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 diễn ra vào ngày 27/04/2021 không đủ điều kiện tiến hành nên Eximbank chưa bầu được thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới và các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 vẫn phải tiếp tục đảm đương công việc của HĐQT cho đến khi HĐQT mới được bầu.
Vì vậy, việc nhóm cổ đông yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và đề xuất bỏ phiếu miễn nhiệm đối với các thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) trong khi chưa thể tiến hành bầu các thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) do các cuộc họp ĐHĐCĐ tổ chức liên tiếp gần đây không thành công là không hợp lý vì theo quy định pháp luật, Eximbank phải luôn đảm bảo đủ số lượng tối thiểu nhân sự thành viên HĐQT nhằm thực hiện vai trò quản trị, điều hành vào mọi thời điểm.
"Để ổn định tình hình hoạt động của Eximbank, HĐQT mong muốn các cổ đông có được sự đồng thuận, thống nhất và có tiếng nói chung để có thể tổ chức thành công ĐHĐCĐ và bầu được HĐQT cho nhiệm kỳ mới trong thời gian sớm", HĐQT Eximbank chia sẻ.
Thực tế, kiến nghị miễn nhiệm của nhóm cổ đông trên đã được đưa ra từ tháng 4, ngay trước thềm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần 3.
Theo văn bản được công bố hồi tháng 4, còn 1 kiến nghị nữa của nhóm cổ đông đại diện sở hữu 11.2% vốn gồm ông Nguyễn Tiến Dũng; ông Trần Công Cận; Lafelle Limited; Education Management Holdings Limited, đề nghị miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT là ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Thành viên duy nhất trong HĐQT Eximbank không bị đề nghị miễn nhiệm là ông Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch.
Tuy nhiên, kiến nghị này không được đề cập trong tài liệu Đại hội lần này.
Đồng thời, Ngân hàng cũng thông báo tổ chức ĐHĐCĐ năm 2021 lần 2, dự kiến tổ chức vào ngày 29/07/2021. Danh sách cổ đông được chốt vào ngày 22/03/2021.
Theo điều lệ hiện tại của Eximbank, ĐHĐCĐ lần 2 chỉ được tiến hành khi có thành viên tham dự là các cổ đông và những đại diện được ủy quyền dự họp đại diện cho ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Năm 2021, Eximbank tiếp tục đề ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng và số liệu này đã từng được nêu ra trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021.Vấn đề tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, dẫn đến không thống nhất được tỷ lệ, ý kiến để tổ chức Đại hội là câu chuyện trở nên quá đỗi quen thuộc với Eximbank. Dường như nhà băng này không có duyên với các kỳ ĐHĐCĐ khi liên tục tổ chức bất thành trong những năm gần đây. Mặc dù kế hoạch kinh doanh 2020 chưa được thông qua, nhưng nếu so với những con số đã được đề ra, Eximbank cũng đã hoàn thành chỉ tiêu.
Eximbank đề ra kế hoạch tổng tài sản tăng 10%, đạt 177,000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 10% lên mức 148,000 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng đạt 117,000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020. Tuy nhiên, trường hợp NHNN thông báo mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 khác với mức tăng này thì Eximbank sẽ thực hiện theo NHNN. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ mục tiêu tối đa là 2.5%.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 được ngân hàng này đặt ra tăng 63% so với kết quả đạt được năm 2020, đạt 2,150 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận