ĐHĐCĐ ACB: Câu chuyện cổ tức bằng cổ phiếu và bán cổ phiếu quỹ
Trong năm 2019, Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) dự kiến tăng vốn lên hơn 16,627 tỷ đồng, chia cổ tức với tỷ lệ 30% bằng tiền mặt và cổ phiếu. Các vấn đề này sẽ được đưa ra biểu quyết tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của ACB đang diễn ra sáng nay (23/04).
ĐHĐCĐ thường niên của ACB diễn ra sáng 23/04 tại TPHCM. |
Năm 2019, ACB đặt kế hoạch tổng tài sản tăng 15%, lên mức 378,733 tỷ đồng; tín dụng tăng 13%, lên con số 265,106 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 15%, đạt 310,498 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Còn lợi nhuận sau thuế 5,823 tỷ đồng, tăng 13% so năm 2018.
|
Kế hoạch kinh doanh năm 2019 của ACB
Với nguồn lợi nhuận dự kiến đó, sau khi trích lập các quỹ và mua cổ phiếu quỹ, ACB dự định sẽ chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 30% vốn điều lệ, trong đó 20% được chia bằng cổ phiếu và 10% được chia bằng tiền mặt với tổng giá trị gần 4,864 tỷ đồng.
Còn mức cổ tức năm 2018, ACB cũng sẽ chia bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% trên vốn điều lệ, tương đương hơn 3,741 tỷ đồng.
Theo đó, ACB dự kiến phát hành hơn 374 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2018, và dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ đạt hơn 16,627 tỷ đồng.
Ứng với số vốn điều lệ tăng thêm là 3,741 tỷ đồng, ACB dự kiến sử dụng 1,706 tỷ đồng để tăng vốn cho hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động, bổ sung nguồn vốn trung dài hạn; 1,706 tỷ đồng còn lại để mua sắm tài sản cố định, xây dựng cơ bản…
Hiện ACB đang có hơn 41 triệu cổ phiếu quỹ. Ngân hàng dự kiến sẽ bán cổ phiếu quỹ nhưng phương án cụ thể sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định.
Đồng thời, ACB cũng dự kiến bán tối đa hơn 6.2 triệu cổ phiếu quỹ để làm cổ phiếu thưởng, phân phối cho người lao động. Giá bán dự kiến sẽ không thấp hơn giá vốn bình quân của cổ phiếu quỹ là 16,072 đồng/cp. Như vậy, tổng giá trị cổ phiếu quỹ bán ra tính theo mệnh giá dự kiến hơn 62.2 tỷ đồng, tổng giá trị giao dịch cổ phiếu tính theo giá bán dự kiến là 100 tỷ đồng.
Như vậy, sau khi tăng vốn trong năm 2019, cơ cấu cổ đông lớn của ACB sẽ có những biến chuyển nhất định. Trong đó, nhóm cổ đông nước ngoài có liên quan như Dragon Financial Holdings Limited, First Burns Investmnets và Asia Reach Investment tăng sở hữu từ 14.07% lên 14.48%; nhóm cổ đông Alp Asia Finance tăng từ 9.98% lên 10.06%. Riêng các Thành viên HĐQT sẽ tăng sở hữu từ 4.34% lên 4.37%, trong đó Chủ tịch Trần Hùng Huy nắm 3.13% và mẹ ông là Thành viên HĐQT Đặng Thu Thủy nắm 1.19%.
Động thái liên tục trả cổ tức bằng cổ phiếu và bán cổ phiếu quỹ của ACB diễn ra trong bối cảnh cách đây một tháng Chủ tịch Trần Hùng Huy gom vào gần 4 triệu cp ACB, trong khi cha ông là Trần Mộng Hùng, em trai Trần Minh Hoàng cũng thực hiện chuyển quyền sở hữu cổ phiếu ACB cho hai công ty khác.
Lợi nhuận trước thuế năm 2018 tăng 141% so năm trước
Tính đến cuối năm 2018, quy mô tổng tài sản của ACB đạt 329 ngàn tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2017 và xấp xỉ đạt 98% kế hoạch. Quy mô vốn huy động đạt 270 ngàn tỷ đồng, tăng 12% và hoàn thành 95% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn không kỳ hạn tăng mạnh 18%, góp phần cải thiện chi phí vốn.
Dư nợ tín dụng đạt 231 ngàn tỷ đồng, tăng 16% và hoàn thành 101% kế hoạch. Tín dụng bán lẻ tăng mạnh 20%. Quy mô nợ xấu giảm, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được duy trì mở mức 0.73%. Tỷ lệ nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 giảm từ 0.93% về mức 0.89%. Trong năm 2018, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) cải thiện ở mức 3.38%, cao hơn so với mức 3.27% cuản ăm 2017.
Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng đạt 6,389 tỷ đồng, tăng 141% so với năm 2017 và hoàn thành 112% kế hoạch. Trong đó, thu nhập lãi tăng 23% so với năm 2017, chi phí hoạt động được kiểm soát với mức tăng 8%. Tỷ lệ ROA và ROE đạt lần lượt 1.7% và 27.7%. Tỷ lệ an toàn vốn đạt 12.81%, tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 22.85%, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn là 32.63%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận