ĐHCĐ Novaland (NVL): Giai đoạn 2021-2023 lợi nhuận ước đạt 2 tỷ USD, tăng thêm 10.000 ha quỹ đất đến 2030
Novaland lên kế hoạch doanh thu 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận 4.100 tỷ đồng và mục tiêu bổ sung quỹ đất thêm 10.000 ha trong 10 năm tới. Tính đến cuối quý 1/2021, quỹ đất Novaland hơn 5.400ha, tổng giá trị phát triển dự án (Gross Development Value - GDV) của quỹ đất này ước đạt gần 45 tỷ USD.
Tổng lợi nhuận giai đoạn 2021 - 2023 thu được từ 3 “siêu” dự án ước đạt 2 tỷ USD
Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland, mã chứng khoán NVL) diễn ra sáng nay (27/4), lãnh đạo NVL cho biết, dựa trên những thành quả đầu tiên sau 3 năm triển khai các “đại dự án” tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận; Tập đoàn sẽ xem xét và mở rộng quỹ đất tại một số địa phương như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... Mục tiêu đến năm 2030 bổ sung thêm 10.000 ha, nâng tổng số quỹ đất lên 15.000 ha để chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
“Đầu tư tại đâu chúng tôi đều cân nhắc các yếu tố về tiềm năng du lịch, khả năng kết nối hạ tầng và sự ủng hộ của chính quyền địa phương với mục tiêu biến nơi đó thành điểm đến du lịch mới, góp phần xây dựng kinh tế vùng, tương tự như cách chúng tôi đang làm tại Bình Thuận với NovaWorld Phan Thiet, Centara Mirage Mui Ne Resort, PGA Golf và BR-VT với NovaWorld HoTram”, đại diện Novaland cho biết.
Đại diện Novaland cũng cho biết, 3 dự án trọng điểm NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận) và Aqua City (Đồng Nai) sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai để được ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong vòng 3 năm tới, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến, tổng lợi nhuận giai đoạn 2021 - 2023 thu được từ 3 “siêu” dự án này ước đạt 2 tỷ USD.
Kế hoạch tăng tốc xây dựng các dự án trọng điểm của Novaland được lý giải là đang bám theo tiến độ hoàn thành của loạt hạ tầng giao thông quốc gia. Cụ thể, sân bay quốc tế Long Thành sẽ hoàn thành trong năm 2025; sân bay quốc tế Phan Thiết giai đoạn 1 (với công suất khai thác 2 triệu lượt khách/năm) và cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành năm 2022; cùng với cao tốc Dầu Giây – Bảo Lộc, Biên Hòa – Vùng Tàu dự kiến sẽ sớm được khởi công.
Đại diện Novaland cho biết, Việc loạt dự án trọng điểm đi vào vận hành từ 2023 sẽ giúp chúng tôi vừa có thể đảm bảo giá trị đầu tư cho khách hàng của mình, đồng thời góp phần tạo ra ngay các giá trị sử dụng thật cho cả cộng đồng và kinh tế địa phương.
Cho năm 2021, Novaland tiếp tục kinh doanh và phát triển nhưng không giới hạn các dự án dưới đây:
Đồng thời, trong năm nay, NVL sẽ phát triển mới bao gồm nhưng không giới hạn các dự án nhà ở ở khu Đông, TP. Hồ Chí Minh, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng khác tại tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng.
Điều chỉnh phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi
HĐQT NVL cũng có tờ trình cổ đông về việc điều chỉnh phương án phát hành trái phiếu đã được thông qua tại Nghị quyết 03 và Nghị quyết 19. Nội dung sửa đổi cụ thể ở hình thức trái phiếu là Trái phiếu chuyển đổi có bảo đảm phát hành ra thị trường quốc tế, chuyển sang hình thức trái phiếu chuyển đổi quốc tế và không kèm chứng quyền, được bảo lãnh bởi một số công ty con và/hoặc công ty liên kết. Thời gian phát hành trong năm 2021.
Phương thức phát hành ban đầu là phát hành trực tiếp cho nhà đầu tư nước ngoài ở thị trường quốc tế. Được sửa đổi thành trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư tại thị trường quốc tế theo quy tắc 144A, Đạo luật chứng khoán Hoa Kỳ (sửa đổi). Trái phiếu xác lập nghĩa vụ thanh toán trực tiếp, không được bảo đảm bằng tài sản của công ty, có thứ tự thanh toán ngang bằng với các khoản nợ không có bảo đảm của công ty (trừ các trường hợp ưu tiên thanh toán theo quy định của pháp luật và được bảo lãnh bởi một số công ty con và/hoặc công ty liên kết.
Đồng thời, theo nội dung sửa đổi, trái phiếu sẽ được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore, trái phiếu không được chào bán, niêm yết và giao dịch tại Việt Nam.
Novagroup không cần chào mua công khai, sẽ phát hành ESOP, cổ phiếu ưu đãi
HĐQT NVL có tờ trình về việc CTCP Novagroup nhận chuyển nhượng cổ phiếu NVL mà không cần chào mua công khai. Dự kiến, bên bán là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT NVL và bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Nhơn.
Novagroup sẽ không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai nếu quyền biểu quyết dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu đạt từ 25% vốn; gia tăng sở hữu từ 25% lên trên 35%, 45%, 55%, 65%, 75% vốn. Thời gian thực hiện giao dịch sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và theo tiến độ đàm phán giữa các bên.
Theo thông tin trong báo cáo thường niên, Novagroup là cổ đông lớn, sở hữu 20,09% vốn NVL. Còn ông Bùi Thành Nhơn nắm 21,99% vốn NVL, và bà Cao Thị Ngọc Sương sở hữu 5,57%.
Trả lời thêm thông tin trước cổ đông về nội dung này và có ảnh hưởng đến tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Nhơn tới NVL không, lãnh đạo Novaland cho biết, đây thực chất là do hoạt động tái cấu trúc, việc chuyển nhượng có ý nghĩa là sự hoán đổi cổ phiếu của Cổ đông từ cổ phiếu Novaland thành cổ phiếu của NovaGroup. Theo đó, tỷ lệ sở hữu thực tế của các Cổ đông lớn về bản chất là không bị giảm tỷ lệ sở hữu, mà việc này càng chứng minh cho tính cảm kết lâu dài của Cổ đông lớn đối với Novaland.
Lãnh đạo Novaland chia sẻ thêm, trong thời gian tới, Novaland cùng với các thành viên của NovaGroup là Nova Service Group (lĩnh vực Bán lẻ, dịch vụ, cộng đồng), Nova Consumer Group (gồm các mảng kinh doanh Nông nghiệp + Hàng tiêu dùng) cùng với các đối tác chiến lược sẽ tạo nên hệ sinh thái dịch vụ tiện ích đầy đủ cho các dự án của Novaland.
“Đây sẽ là yếu tố bổ trợ mạnh mẽ cho các Dự án Novaland, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và nâng tầm phong cách sống cho các Khách hàng. Các ngành bổ trợ thuộc NovaGroup là các công ty có đội ngũ riêng, chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể, tách bạch rõ ràng và minh bạch để nhà đầu tư yên tâm về sự chuyên nghiệp trong đầu tư vốn và vận hành của Novaland”, ông Bùi Xuân Huy nói.
Bên cạnh đó, NVL dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP với số lượng tối đa 1,5% số cổ phần đang lưu hành (tương ứng khoảng 14,8 triệu cổ phiếu) tại thời điểm phát hành. Giá phát hành do HĐQT phê duyệt nhưng không thấp hơn mệnh giá.
HĐQT cũng đưa ra đề xuất phát hành tối đa 40 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức hoặc/và cổ phiếu ưu đãi hoàn lại. Giá chào bán cụ thể sẽ do HĐQT thỏa thuận, đàm phán với các nhà đầu tư. Mức cổ tức sẽ do HĐQT thỏa thuận, đàm phán với nhà đầu tư, đồng thời không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.
Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu ưu đãi gần 10.263 tỷ đồng.
Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2021, cụ thể sẽ do HĐQT quyết định. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Toàn bộ hoặc một phần cổ phiếu ưu đãi có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông theo thỏa thuận với nhà đầu tư.
Theo số liệu BCTC đã được PwC kiểm toán trong năm tài chính 2020, Tập đoàn Novaland ghi nhận nhiều kết quả khả quan với Vốn điều lệ đạt 9.863 tỷ đồng, Vốn chủ sở hữu 31.932 tỷ đồng, Tổng tài sản 144.536 tỷ đồng và Lợi nhuận sau thuế đạt 3.907 tỷ đồng. Năm 2020, HĐQT cũng trình không chia cổ tức.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/04/2021, vốn hóa thị trường Novaland đạt 132.073 tỷ đồng, tương đương 5,7 tỷ USD, tăng trưởng hơn 100% so với mức 65.082 tỷ đồng thời điểm 31/12/2020 và duy trì vị thế công ty bất động sản nhà ở niêm yết có vốn hóa đứng thứ 2 tại Việt Nam.
Nội dung phần thảo luận
Nhiều dự án của Novaland chưa được cấp sổ hồng, tình hình có tiến triển gì đối với dự án còn treo sổ không?
Các vướng mắt về mặt pháp lý dự án bất động sản khiến doanh nghiệp trong ngành bất động sản gặp không ít khó khăn, nguyên nhân là chậm trễ trong định giá triền sử dụng đất, triển khai dự án xây dựng, nhưng năm 2020 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ về hành lang pháp lý đối với thị trường bất động sản. Các quy định, văn bản luật, nghị định liên quan đầu tư xây dựng được ban hành, giải quyết nhiều vướng mắc, tồn đọng nhiều năm.
Tiến trình cấp nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở trên địa bàn TP.HCM thì trong nửa cuối năm 2020, sở Tài nguyên môi trường chấp thuận cấp giấy chứng nhân cho 16 dự án thì NVL chiếm 5/16. Đối với dự án còn lại, chúng tôi sẽ nỗ lực cùng cơ quan chức năng để cấp giấy chứng nhận cho khách hàng
Phân khúc bất động sản đô thị vệ tinh, bất động sản nghỉ dưỡng có vấn đề pháp lý gì không, và có ảnh hưởng ra sao khi bị tác động bởi dịch Covid 19
Về thị trường bất động sản nói chung, có nhiều chuyển hướng tốt về giá cả và thanh khoản, trong đó hành lang pháp lý mà năm 2021 được kỳ vọng có nhiều cải thiện bước ngoặt. Đồng thời, đầu năm đã có nhiều quy định, nghị định 96, nghị định 25, các thông tư…và kiện toàn bộ máy Chính Phủ, cơ quan địa phương cũng là tín hiệu tốt cho thị trường.
Việc tăng cường đầu tư công về hạ tầng, như với việc thành lập thành phố Thủ ĐỨc – tập trung các trung tâm lớn của thành phố như trung tâm thể thao, công nghệ cao, hành chính…song song là các dự án trong điểm như sân bay Long Thành, sân bay Phan Thiết, các cao tốc…mở lại đường bay quốc tế.
Có thể nhìn thấy là hạ tầng quốc gia đầu tư đến đâu thì bất động sôi động đó. Đây là hướng chọn quỹ đất để làm dự án của NVL trong thời gian qua. Chẳng hạn tại TP HCM, NVL chọn quỹ đất gần tuyến metro, còn AquaCity thì bám theo trục cao tốc và sân bay Long Thành, NovaWorld Phan Thiết thì bám vào trục cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và sân bay Phan Thiết.
Tính khả thi của kế hoạch năm 2021?
Mục tiêu này được đặt ra khi hiện nay có nhiều yếu tố tích cực, vị trí cơ sở hạ tầng tốt, được đầu tư quyết liệt. Một số dự án lên được hình hài, khách hàng có trải nghiệm thực tế. Hết quý I/2021, đã bán 20 – 25% số sản phẩm mục tiêu trong khi có 1 tháng là Tết âm lịch.
Doanh thu lợi nhuận công ty trong 3 năm tới ra sao, công ty giới thiệu quỹ đất 5.400 ha thì có kế hoạch mua thêm không, chủ đạo ở đâu?
Với các tiến độ tích cực này khiến HĐQT và bất động sản Novaland cũng đặt mục tiêu rút ngắn tiến độ thực hiện 3 dự án trọng điểm gồm NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), và Aqua City (Đồng Nai) sẽ được đẩy nhanh tiến độ triển khai để đủ điều kiện ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong ba năm tới, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu. Chẳng hạn với dự án NovaWorld Phan Thiết ban đầu tiến độ làm 10 giai đoạn trong 10 năm thì cũng rút gọn lại.
Tổng lợi nhuận giai đoạn 2021 - 2023 thu được từ ba dự án này khoảng 2 USD trên nền vốn điều lệ 10.600 tỷ đồng. Còn quỹ đất hiện 5.400 ha ban đầu chúng tôi ước tính đủ để công ty phát triển đến năm 2030, nhưng nay vì đẩy nhanh tiến độ các dựa án như trên, theo đó, công ty đặt mục tiêu mới, cố gắng gia tăng quỹ đất thêm 10.000 ha đến 2030, địa bàn chủ lực Nam Trung Bộ (như Ninh Thuận, Khánh Hoà…) Novaland cố gắng gắn liền với cơ sở hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế địa phương để phát triển vùng hơn là dự án riêng lẻ.
Kế hoạch chia cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, đến nay điều chỉnh 2 lần, khi nào công ty mới tiến hành chia thưởng?
Vì vậy, HĐQT đã trình lại Cổ đông lần 2, có kèm theo tổng số lượng cổ phần tăng lên là số tuyệt đối, phù hợp với qui định của UBCK, để khi thực hiện chia cổ phiếu thưởng sẽ không bị ảnh hướng bởi việc vốn điều lệ có thay đổi do các trái chủ thực hiện quyền chuyển đổi thành cổ phần.
Theo phê duyệt của Nghị quyết lần 2 liên quan đến sử dụng nguồn thặng dư dựa trên số liệu của BCTC năm 2020, số tiền thặng dư dùng chia là hơn 3.800 tỷ đồng, quy ra mức tối đa cứ 100 cổ phiếu đang sở hữu thì cổ đông sẽ được thưởng tối đa khoảng 36 cổ phiếu, tương đương 36%. Trong năm sau, số dư thặng dư có thể dùng để chia cho Cổ đông nắm giữ cổ phiếu hiện hữu theo qui định của pháp luật tối thiểu hơn 4.000 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu NVL biến động mạnh, công ty có dự báo gì? Nợ vay tăng cao gây quan ngại cho nhà đầu tư, Tập đoàn có dự định giảm nợ vay?
Về giá cổ phiếu, từ năm 2008 tới đây, VNindex sau mười mấy năm mới lập đỉnh cũ 1.200 điểm, trong khi các chỉ số khác trên thế giới tăng 3,5-4 lần, trên nền tảng tăng trưởng kinh tế ổn định, lạm phát thấp – thì cá nhân tôi cho rằng VNindex chưa “bung” hết sức, P/E ở mức 1.200 chỉ 15.-16 lần, PE fw chỉ 12-13, trong khi PE tt mỹ là 25-26, các công ty công nghệ có thể 30-32,…nên so với các thị trường là mình còn thấp.
Tôi kỳ vọng, NVL cũng thu hút được nhiều cổ đông mới đầu tư dài hạn vào công ty.
Về nợ vay, trong 2020, tốc độ nợ vay phải trả tăng nhưng không tương ứng với tốc độ gia tăng tài sản. Công ty luôn duy trì kế hoạch linh hoạt về vay nợ, theo phương châm tăng vay dài hạn, giảm lãi suất, tạo sự cân bằng huy động vốn trong và ngoài nước. Các chỉ số nợ và hiệu quả hoạt động, chỉ số tài chính cũng nằm trong cam kết với các cổ đông (cả các quỹ ngoại) và tổ chức cho vay.
Năm 2020, doanh thu tài chính lớn, năm nay công ty có dự định chuyển nhượng dự án nào không?
Năm 2020 doanh thu tài chính đóng góp lớn trong tổng doanh thu, phát sinh từ việc thoái vốn từ dự án khi đạt kỳ vọng lợi nhuận. Dòng tiền thu về được sử dụng đầu tư với các dự án có tiềm năng gia tăng giá tốt hơn. Vì thị trường Hồ Chí Minh trong 5-6 năm trở lại đây, chu kỳ tương đối chín muồi. Trong tương lai, Novaland vẫn là tập đoàn đầu tư địa ốc nên chiế n lược M&A là linh hoạt, bao gồm đầu tư và thoái đầu tư, trong đó thoá đầu tư thì ưu tiên có mức giá tốt, chín muồi về thời diểm.
Năm 2021, công ty dự kiến huy động 1 - 2 tỷ USD tuỳ nhu cầu phát triển công ty, duy trì trạng thái cân bằng thị truòng vốn trong và ngoài nước. Trong đó, ở thị trường quốc tế thì làm trái phiếu chuyển đổi, và làm một số deal Private Equity. Đồng thời, công ty năm 2020 có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với ngân hàng lớn như BIDV. Theo đó, với cơ sở từ 2 gọng kìm tài chính này giúp NVL đủ cơ sở thực hiện kế hoạch kinh doanh.
Đối với trái phiếu chuyển đổi phát hành tháng 4 và tháng 11 năm 2018, tổng giá trị 240 triệu USD, đến nay, tin vui là toàn bộ trái chủ đều thực hiện chuyển đổi sang cổ phiếu (coupon 5%/năm) để đồng hành cùng Novaland.
Năm nay, Novaland thực hiện gói trái phiếu chuyển đổi có quy mô lớn hơn và để đáp ứng các yêu cầu về chuẩn mực Quản trị công ty, NVL sẽ niêm yết trái phiếu này trên TTCK Singapore, qua đó cũng thu hút, duy trì hơn sự quan tâm của các định chế tài chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận