24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sao Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

ĐHCĐ Chứng khoán HSC (HCM): Hướng vào 2 mũi nhọn ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản

Trong 6 tháng đầu năm, HSC lãi trước thuế 310 tỷ đồng, đạt trên 50% kế hoạch, quý khó khăn nhất là quý 1, HSC cũng lãi gần 130 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ CTCP Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSC - mã CK: HCM), ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc cho biết, việc dự báo nửa cuối năm 2020 đến nay đã có sự khá chắc chắn. Quý 1, HSC lãi trước thuế 127 tỷ đồng, quý 2 lãi 180 tỷ đồng, tổng 2 quý đã lãi 310 tỷ đồng, đạt hơn 450% kế hoạch dự kiến cả năm. Nếu quý 3-c như 2 quý đầu năm, thì ước tổng lợi nhuận trước thuế 2020 là 566 tỷ đồng.

Năm 2020, HSC đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.297 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 453 tỷ đồng. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên giả định cụ thể về điều kiện kinh tế vĩ mô, giá trị giao dịch bình quân trong ngày của thị trường chứng khoán cơ sở 5.000 tỷ đồng, thị trường phái sinh bình quân 146.000 hợp đồng.

Cơ cấu doanh thu vẫn tập trung ở môi giới, cho vay margin và hoạt động tự doanh, lần lượt đóng góp 37%, 34% và 24% tổng doanh thu năm 2020.

Cụ thể ở mảng môi giới, HSC đặt mục tiêu phí môi giới với nhóm khách hàng cá nhân và tổ chức ở thị trường cổ phiếu dự kiến là 260,17 tỷ đồng và 176,36 tỷ đồng, ở thị trường phái sinh là 39 tỷ đồng và hơn 5 tỷ đồng.

mảng cho vay ký quỹ (margin), dự kiến dư nợ cho vay đạt 4.275 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2019, doanh thu từ mảng này dự đoán giảm do áp lực giảm lãi suất từ áp lực cạnh tranh.

Đối với mảng tự doanh, doanh thu mục tiêu 309 tỷ đồng, tăng trưởng 39% chủ yếu tăng trưởng từ hoạt động đầu tư vào trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.

Với mảng tư vấn tài chính, năm nay thị trường vốn gặp khó khăn khi các thương vụ niêm yết, IPO mới hầu hết đã dời sang nửa năm sau và tình hình chưa chắc chắn. Theo đó, doanh thu mảng này dự báo cũng đạt được 66 tỷ đồng.

Một số câu hỏi thảo luận của cổ đông và trả lời của lãnh đạo HSC

Con số kết quả thực tế 6 tháng đầu năm so với kế hoạch của HSC như thế nào?

Trong 6 tháng đầu năm, HSC lãi trước thuế 310 tỷ đồng, đạt trên 50% kế hoạch, quý khó khăn nhất là quý 1 thì HSC lãi gần 130 tỷ đồng. Nửa cuối năm, nếu duy trì được vậy thì kế hoạch khả thi.

Trong khi đó, các thương vụ tự doanh đang làm chưa tính mà chỉ mới tính thận trọng dựa trên những cái đã có chắc chắn trong tay. Quý 2 đã chốt được một số thương vụ lớn, khả năng sẽ hạch toán vào quý 3.

Chiến lược 5 năm của Công ty có 2 mũi nhọn là Investment Banking và Wealth management - WM (quản lý tài sản), thì lợi thế của HSC trong 2 mảng này là gì?

HSC đã hình thành định hướng chiến lược, mô hình kinh doanh trong tương lai sau khi nhìn thấy mô hình kinh doanh chung đến cuối 2018, tạm gọi là phong cách kinh doanh truyền thống, đã bão hoà, cạnh trạnh khốc liệt.

Phí giao dịch giảm xuống, thậm chí xuống 0 đồng. Không có ngành nào phí 0 đồng mà có lãi. Đồng thời, nguồn vốn rẻ từ thị trường dư vốn như Hàn, Nhật, Đài Loan (Trung Quốc)… khiến CTCK trong nước khó cạnh tranh được. Bằng chứng, năm 2019, dư nợ ký quỹ của HSC cao hơn nhưng lợi nhuận giảm đi vì lãi suất thấp hơn. Tức là, hoạt động kinh doanh truyền thống của ngành chứng khoản phải được xem lại.

Theo chiến lược 5 năm của HSC, 2 mũi nhọn kinh doanh chính là IB và WM. Thứ nhất mô hình kinh doanh là ngân hàng đầu tư (IB) có thể tận dụng thế mạnh của HSC qua dịch vụ phân phối, phân tích, có nguồn vốn để bao tiêu,bảo lãnh phát hành, tạo lập thị trường và tư vấn tài chính doanh nghiệp.

Tất cả dịch vụ này đã làm trên thị trường, nhưng kết hợp nhuần nhuyễn tất cả yếu tố đó để đưa ra định hướng làm ngân hàng đầu tư là tuỳ thuộc việc thực thi của từng CTCK trên thị trường. Đã có nhiều CTCK đã định hướng làm IB, nhưng dù HSC không có nguồn vốn từ ngân hàng thương mại sau lưng, nhưng HSC có thể tận dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường.

Các đối thủ có ngân hàng hỗ trợ đằng sau chưa chắc có khả năng dùng nguồn vốn đó vào mô hình IB kinh doanh hiệu quả. Bằng chứng 2018-2019, HSC có tự doanh rất hiệu quả, không đơn thuần là mua và bán trên thị trường, mà là liên kết trực tiếp đến hoạt động ngân hàng đầu tư, vì HSC có khả năng tiếp cận nguồn vốn nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư tổ chức trên thế giới. Có mạng lưới phân phối sâu rộng để đưa vốn đề TTCK Việt Nam.

HSC có khả năng tiếp cận DN cần đến vốn cổ phần, vốn vay… HSC đều thấu hiểu và có khả năng tạo các sản phẩm để đáp ứng.

Thứ ba, HSC có nguồn vốn lớn (tăng vốn trong năm 2019), không chỉ cho vay ký quỹ, cộng với vốn vay ngân hàng để phục vụ cho bảo lãnh phát hành, bao tiêu, cho vay.

Với mô hình kinh doanh mũi nhọn thứ 2 là WM – quản lý tài sản, không phải quản lý quỹ, là tiến hoá của hoạt động tư vấn khách hàng cá nhân lên mức độ là tư vấn để quản lý và nhân lên tài sản của nhà đầu tư cá nhân hiệu quả. Từ 2019 đã hình thành cách kinh doanh mới. Dùng nguồn vốn HSC, để tư vấn phát hành trái phiếu, vừa bảo lãnh phát hành trái phiếu và phân phối lại cho việc đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân. Với định hướng đó, HSC tiếp tục đưa sản phẩm phù hợp với khẩu vị nhà đầu tư cá nhân.

Chiến lược gia tăng đòn bẩy cụ thể ra sao?

HSC chưa đưa phần tăng tỷ lệ đòn bẩy vào, bảng cân đối kế toán dự kiến vẫn là 7.000 tỷ đồng. HSC có kế hoạch tăng vay nợ và tăng đầu tư, nhưng rất khó thực hiện, mà phải chọn được cơ hội đầu tư rồi đi vay. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp là kênh có thể đầu tư, nhưng Công ty chỉ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có mức độ an toàn cao.

Mục đích đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không chỉ là đầu tư nắm giữ dài hạn, mà bán lại cho nhà đầu tư.

Tiêu chí rủi ro, khẩu vị rủi ro khi thực hiện kinh doanh tiền tệ, đi vay ngắn và dài hạn từ các tổ chức tín dụng của Công ty như thế nào?

Công ty luôn xác định qua tỷ lệ đòn bẩy tài chính, không bao giờ vượt quá quy định của Luật Chứng khoán, và cẩn trọng hơn là: 1 vốn 2 nợ.

Việc vay trên cơ sở, kết hợp kỳ hạn vay và kỳ hạn đầu tư để trùng khớp nhau, để giảm bớt rủi ro. Đồng thời, không đầu cơ trên cơ sở tỷ giá, hedging tỷ giá tối đa nếu phải vay nợ nước ngoài. Mặc khác, không tập trung vào số ít khách hàng.

HSC không phải là nhà đầu tư, không phải người cho vay mà là làm nghề dịch vụ. Theo đó, HSC có nhiều sản phẩm, mức độ khác nhau.

Còn tự doanh, Công ty sẽ dùng vốn tự có, không dùng vốn vay để tự doanh. Nên vị thế tự doanh của HSC nhỏ. Theo đó, HSC có thể cam kết được với khách hàng là không đầu cơ giá chứng khoán.

Kết quả tự doanh 6 tháng 2020 với việc đã bán cổ phiếu nào? Dự kiến nửa cuối năm thì triển khai ra sao để đảm bảo kế hoạch?

HSC chỉ giao dịch ở các cổ phiếu lớn nhất, thường mua bán chỉ số, bởi nếu giao dịch cổ phiếu là tranh mua, tranh bán với khách hàng. Lợi thế mua bán chỉ số là rất dễ vì đó là cổ phiếu lớn, không làm biến động thị trường, không ảnh hưởng đến ai.

Việc mua bán cũng nhằm tạo thanh khoản cho các sản phẩm. Cuối quý 1, danh mục cổ phiếu của Công ty bằng 0, nên thị trường, Công ty xuống không lỗ, còn trong quý 2, Công ty mua bán chỉ số, vị thế cả ngàn tỷ đồng, nhưng vị thế ròng là zero (dùng future để phòng ngừa rủi ro), còn lại những cổ phiếu khác lên quan đến mua bán cho khách hàng.

Tỷ lệ môi giới khách hàng tổ chức trong nước và nước ngoài ra sao, cách thức tăng trưởng?

Tỷ lệ môi giới của Công ty chiếm đến 90% là nước ngoài. Trong khi đó, họat động cho tổ chức trong nước, chủ yếu là hoạt động tạo lập thị trường cho quỹ ETF. Phần lớn giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước do HSC cung cấp.

Các quỹ trong nước đang yếu, quy mô nhỏ so với quỹ nước ngoài. HSC tập trung phục vụ quỹ trong nước bằng cách cung cấp dịch vụ tạo lập thị trường, còn với quỹ nước ngoài thì tâp trung dịch vụ, từ phân tích nghiên cứu, công nghệ, tính minh bạch kỷ luật của back office.

Tự doanh tập trung nhiều lãi từ trái phiếu, tầm nhìn và quan điểm của HSC về thị trường trái phiếu 2020 ra sao? Phân bổ nguồn vốn trái phiếu trong lĩnh vực tự doanh?

Ông Trịnh Hoài Giang: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn mới, không phải nhà đầu tư đều thấy rõ độ rủi ro. Tôi là người đưa ra quan điểm cần tập trung các nhà làm luật, chính sách phải bảo vệ nhà đầu tư. Trong Luật Chứng khoán mới đều tập trung vấn đề này.

Trái phiếu doanh nghiệp là huy động vốn trực tiếp từ DN tới nhà đầu tư, còn ngân hàng là định chế tài chính trung gian, sống bằng cho vay. Như vậy, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp chịu rủi ro nếu DN không trả nợ được.

HSC chỉ bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư, khách hàng mà cho rằng là an toàn, lãi suất cũng phải hấp dẫn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
27.70 -0.35 (-1.25%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả