ĐHCĐ bất thường 2022 Hòa Bình (HBC): Đến năm 2032, doanh thu thị trường nước ngoài sẽ đạt hơn 300.000 tỷ đồng
(ĐTCK) Đây là thông tin được ban lãnh đạo CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC - sàn HOSE) chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 được tổ chức vào chiều ngày 24/8.
Tại đại hội, HĐQT đã trình cổ đông kế hoạch phát hành 5 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 32.500 đồng/CP cho đối tác Nhật Bản là Sanei Architecture Planning Co., Ltd. Thời gian thực hiện trong quý III, IV/2022, sau khi nhận được sự chấp thuận của UBCKNN.
Hòa Bình cho biết, mục đích phát hành lần này nhằm tăng quy mô vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, dự kiến Hòa Bình sẽ thu về tương ứng 162,5 tỷ đồng.
Về kế hoạch sử dụng vốn, Hòa Bình sẽ dùng toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán để thanh toán chi phí mua nguyên vật liệu xây dựng phục vụ hoạt động thi công xây dựng (sắt, thép, nhôm, xi măng,...). ĐHĐCĐ sẽ ủy quyền cho HĐQT xây dựng kế hoạch sử dụng vốn cụ thể tùy theo tình hình thực tế khi triển khai việc phát hành cổ phiếu.
Bên cạnh đó, Công ty sẽ thông qua chính sách thưởng khích lệ ban điều hành, cán bộ trọng yếu và các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp hiệu quả vào việc đạt và vượt chỉ tiêu doanh thu (437.500 tỷ đồng) và lợi nhuận (21.875 tỷ đồng) vào năm 2032.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC cho biết, tình hình thị trường trong nước theo dự báo ban đầu sẽ hồi phục nhanh chóng, nhưng thực tế không được như vậy. Sau đại dịch xuất hiện tình hình trượt giá do lạm phát, kinh tế thế giới không hồi phục như những con số trước đó, đầu tư nước ngoài không như kỳ vọng, du lịch khó khăn khi chỉ có thị trường trong nước sôi động mà thiếu ngoại tệ do khách nước ngoài mang lại.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận nước ngoài trong 3 năm đầu rất thấp, nhưng ở những năm sau, dự phóng biên lợi nhuận tăng dần từ 1%, 2%, 3% đến 5,5% vào năm 2032. Công ty đánh giá đây là biên lợi nhuận khả thi vì Hòa Bình còn phát triển đồng thời các dịch vụ khác. Đặc biệt, khi tiếp cận các thị trường nước ngoài, Hòa Bình sẽ có khả năng tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng hơn.
Đồng thời, những thị trường này có chính sách rõ ràng, minh bạch dành cho các doanh nghiệp muốn bắt đầu kinh doanh tại đây. Các nước này cũng có lượng dân nhập cư ổn định cao đảm bảo nhu cầu nhà ở ổn định. Đặc biệt là các hiệp định thương mại Việt Nam ký kết với những nước này. Cuối cùng là sự thiếu hụt nguồn cung, thiếu hụt lao động, chi phí đắt đỏ ở những nước này.
Đáng chú ý, Hòa Bình sẽ thành lập pháp nhân mới cho mảng điện gió, lợi nhuận gộp dự kiến chiếm khoảng 10% trong mảng xây dựng dân dụng. Về mảng hạ tầng cầu đường, sau khi sát nhập Hòa Bình 479, ban lãnh đạo dự kiến doanh thu năm 2022 sẽ tăng từ 551 tỷ đồng lên 1.080 tỷ đồng, tổng giá trị hợp đồng đang thi công khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trước khi HĐQT đưa ra kế hoạch phát hành 74 triệu cổ phiếu đã làm việc với cổ đông chiến lược là nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, nhà đầu tư sau khi có những rắc rối về thị trường bất động sản do đấu giá, bán cổ phiếu không công bố, thị trường bất động sản có biến động lớn khiến Hòa Bình gặp khó khăn không tiến hành phát hành cho đối tác đó.
Tuy nhiên, HBC đã có 1 đối tác nước ngoài đồng ý với phương án của Công ty, dù giá cổ phiếu giảm, họ vẫn đồng ý với mức giá tương đương (32.500 đồng/CP). Đối tác này cũng có yêu cầu sau khi phát hành cho đối tác khác phải được sự chấp thuận của họ. Hòa Bình cần phát hành cho nhà đầu tư chiến lược này trước, còn kế hoạch phát hành 47 triệu cổ phiếu vẫn tiếp tục tìm kiếm các nhà đầu tư khác trong 2 năm 2022 - 2023.
Hiện cũng có một số nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào HBC nhưng chúng tôi chưa thể chốt được với họ, mà sẽ phát hành 5 triệu cổ phiếu trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận