menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Đức Sơn

Delta nên được coi như Covid - 21

“Cuộc chiến đã thay đổi"

“Cuộc chiến đã thay đổi – The war has changed”. Đó là từ khoá nổi bật, được CDC Hoa Kỳ tuyên bố trong một báo cáo nội bộ vào thứ 3 tuần trước. Biến thể Delta được CDC ví von nó dễ lây giống như bệnh thuỷ đậu. Virus siêu lây lan cùng với nhiễm đột phá vaccine, đó chính là lí do để CDC Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố “cuộc chiến đã thay đổi – The war has changed”.

Biến thể Delta nguy hiểm thế nào?

Mọi người đều thấy rõ, biến thể Delta ngày càng gia tăng mạnh mẽ, khi nó thích nghi với con người, càng ngày khả năng lây nhiễm càng tăng hơn; và Delta sẽ không phải là biến thể cuối cùng gây dịch bệnh.

Sở dĩ biến thể Delta ngày càng lây nhiễm nhanh hơn như vậy, là bởi SARS-CoV-2 có cấu trúc di truyền RNA dài nhất so với tất cả các virus có trong tự nhiên, nên trong quá trình sao chép gen xác suất xảy ra sai sót cao nhất, nghĩa là các đột biến xuất hiện vô cùng nhiều. Trong số ngàn vạn những đột biến của Delta, sẽ có những đột biến làm cho tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, đó là lí do biến thể Delta chỉ mất vài tháng đã thống trị toàn thế giới, không gì ngăn cản nổi.

Trong hơn một năm rưỡi qua, COVID-19 từ chủng virus Vũ Hán ban đầu mỗi bệnh nhân có thể lây cho 2 người, còn gọi là hệ số lây nhiễm cơ bản R0 = 2. Quá trình đột biến tạo nên bốn biến thể chính: Alpha, Beta, Gama và Delta. Biến thể Alpha có R0 = 4 đã làm rung chuyển thế giới. Nhưng Delta kinh khủng hơn nhiều, các chuyên gia trên thế giới ước tính R0 = 9, riêng Việt Nam theo quan sát của hệ số R0 có thể lớn hơn nhiều.

✓ Bằng chứng thứ nhất, một đám ma trường hợp COVID-19 tử vong ở Vĩnh Long, có 21 người tham dự, tất cả đều dương tính ngay sau đó.

✓ Bằng chứng thứ hai, trung tâm cai nghiện Bố Lá ở Bình Dương có 689 học viên và cán bộ, tất cả đều dương tính.

✓ Bằng chứng thứ ba, nhiều gia đình ở Việt Nam cả nhà đều F0; một khu phố bị nhiễm thì tỉ lệ người mắc rất cao.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, so với chủng Vũ Hán ban đầu, biến thể Delta có tải lượng virus nhiều hơn gấp 1260 lần, khả năng lây nhiễm tăng 225%.

Đột biến giống như chìa khoá chủ, có thể mở khoá tế bào theo ý muốn, vì thế mà biến thể Delta có khả năng xâm nhập tế bào rất nhanh, tải lượng virus tăng đột biến. Chỉ trong thời gian ngắn virus đã có đầy ở cổ họng người nhiễm, nó nhanh chóng phát thải ra môi trường xung quanh, hầu hết người không có triệu chứng cũng dễ dàng truyền bệnh cho người khác.

Thời gian tiếp xúc có thể tính bằng giây!

Một đoạn phim CCTV cho thấy ở Úc, có hai người đi ngược chiều nhau thoáng qua trong một siêu thị, người này đã kịp lây virus cho người kia.

Với chủng Vũ Hán ban đầu, thời gian quy ước để coi là “tiếp xúc gần” phải hơn 15 phút, khoảng cách tiếp xúc phải dưới 2 mét. Nhưng với biến thể Delta thời gian sẽ tính bằng giây, có thể là 15 giây, hoặc ngắn hơn chỉ vài giây tiếp xúc thoáng qua đã có thể lây nhiễm.

Chủng Vũ Hán thời gian tiếp xúc 15 phút.

Biến thể Delta thời gian tiếp xúc “15 giây”.

Trường hợp của người đàn ông 28 tuổi, tên là Tuấn Anh, trú tại Quận 3 TpHCM là một ví dụ. Khi con hẻm nhà anh có người mắc, lực lượng chức năng đã căng dây phong toả tuyệt đối. Suốt thời gian phong toả, Tuấn Anh đóng cửa im lìm ở một mình trong nhà, mỗi lần lấy đồ ăn từ Shipper ở chốt kiểm dịch, anh đều bịt kín người, đeo khẩu trang dày, kính chống giọt bắn và mũ, đeo găng tay, xịt khử khuẩn rất kĩ, vào nhà còn cẩn thận xịt từ trên xuống dưới. Kết quả test 3 ngày và 7 ngày đều âm tính, đến ngày thứ 14 bất ngờ nhận kết quả dương, Tuấn Anh không hiểu tại sao mình lây được virus.

Liệu vaccine có bị vô hiệu hoá?

Ở thời điểm hiện tại, câu trả lời là không, vaccine vẫn còn tác dụng bảo vệ loài người trước biến thể Delta.

Thứ 6 tuần trước, CDC Hoa Kỳ công bố báo cáo trên Website của mình về tình trạng nhiễm COVID-19 ở bang Massachusetts, đây là báo cáo thay đổi nhận thức rất quan trọng về virus.

Như chúng ta đã biết, kể từ sau tháng Tư năm 2021 nước Mỹ tiêm phòng được khoảng 40% dân số đủ liều, chính quyền Biden cho phép mở cửa, nhiều nơi không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, hàng quán tấp nập, du lịch bùng nổ.

Khoảng 40% dân số tiêm vaccine cùng với miễn dịch tự nhiên đã cho phép nước Mỹ làm điều đó.

Mùa hè cùng ở Quận Barnstable, nơi có bãi biển mũi đất Cape Cod đẹp như thiên đường, đã thu hút lượng khách du lịch khổng lồ trong nước và quốc tế. Sau màn bắn pháo hoa ngoạn mục mừng Quốc khánh Mỹ ngày 4 tháng 7, hàng trăm các sự kiện lớn như hội chợ, lễ hội bia miễn phí, lễ hội truyền thống và du lịch, lễ hội ngắm hoàng hôn trên biển hay các trò văn hoá dân gian, đốt lửa trại…; đã bị hoãn trong năm trước để phòng chống dịch, nay được chính quyền cho phép triển khai với quy mô lớn hơn rất nhiều.

Kể từ ngày 4/7 đến 26 tháng 7: Massachusetts có tổng số 469 ca dương tính.

Massachusetts có 7 triệu dân, nhưng chỉ có 469 ca dương tính trong 23 ngày; trung bình có 3 người nhiễm trong 1 triệu dân mỗi ngày, tỉ lệ vô cùng thấp. Lí do, một phần dân số đã có miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm bệnh, nhưng quan trong hơn cả 64% dân số Massachusetts đã tiêm chủng đủ liều vaccine.

Đây là một bằng chứng cho thấy vaccine vẫn có tác dụng bảo vệ với biến thể Delta.

Nhưng có một câu hỏi tiếp theo: Liệu COVID-19, ở một dạng nào đó, xuất hiện biến thể thoát khỏi hoàn toàn vaccine?

Câu trả lời: Có thể!

Trừ khi SARS-CoV-2 bị tiêu diệt hoàn toàn khỏi thế giới, một điều không thể xảy ra với hàng tỉ người trên thế giới đang âm thầm có virus lưu hành, thì cuối cùng rất có thể xuất hiện đột biến vô hiệu hoá hoàn toàn một loại vaccine. Lịch sử Coronavirus gây cảm lạnh thông thường đã chứng minh điều này.

Nhiễm đột phá là gì?

Trở lại với công bố của CDC Hoa Kỳ vào thứ 6 tuần trước, trong số 469 ca dương tính ở bang Massachusetts, có 346 người (chiếm 74%) đã tiêm đủ liều vaccine Pfizer/BioNTech, Moderna hoặc Jassen (Johnson&Johnson).

Hiện tượng tiêm đủ liều vaccine vẫn nhiễm được gọi là “nhiễm đột phá – eakthrough infection”.

Kết quả xét nghiệm PCR, những ca nhiễm đột phá có tải lượng virus tương đương với người chưa tiêm vaccine, nghĩa là virus ở cả người đã tiêm và người chưa tiêm chẳng khác gì nhau.

Ba vaccine tiêm chủng ở Massachusetts thuộc công nghệ mRNA.

Vaccine công nghệ mRNA có đặc điểm tạo ra kháng thể đặc hiệu IgG, đây là kháng thể đặc hiệu, nhưng lại chỉ là kháng thể chung chung. Kháng thể IgA là kháng thể đặc hiệu tập trung ở hầu hong, thanh khí quản, phổi; rất tiếc vaccine người Mỹ tiêm lại không tạo ra kháng thể này.

Bởi vậy mà virus tập trung ở họng những người đã tiêm vaccine cũng tương đương với người chưa tiêm vaccine.

Trong 346 người đã tiêm vaccine có nhiễm bệnh, 79% có triệu chứng, nhưng chỉ 4 người phải nhập viện chiếm tỉ lệ 1% là con số rất thấp, không có trường hợp nào tử vong. Như vậy, vaccine vẫn là vũ khí hiệu quả để bảo vệ chúng ta trước biến thể Delta.

Thuỵ Điển đang nghiên cứu sản xuất vaccine bột để hít hoặc xịt họng.

Hi vọng thời gian tới, vaccine hít hay xịt họng ra đời, sẽ tạo kháng thể IgA để giảm tải lượng virus ở họng, ngăn chặn virus thải ra môi trường gây nhiễm cho người xung quanh.

Cuộc chiến thay đổi thế nào?

“Cuộc chiến đã thay đổi – The war has changed” là từ khoá nhanh chóng thay đổi nhận thức về biến thể Delta nói riêng và cách thức chống dịch nói chung.

Với đặc tính của biến thể Delta như vậy, theo tôi, cần phải coi dịch bệnh ở thời điểm hiện tại như COVID-21, nó khác rất rất nhiều so với COVID-19.

Tôi lấy ví dụ khái niệm tiếp xúc gần (close contact), từ trước đến nay được hiểu là trường hợp môt người tiếp xúc với bệnh nhân ở khoảng cách dưới 2 mét, trong tổng thời gian 15 phút của một ngày, thời điểm bắt đầu trước 2 ngày kể từ khi người bệnh xuất hiện triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính.

Nhưng với nồng độ virus thở vào không khí cao như vậy thì khái niệm này không phù hợp nữa.

Tiếp xúc gần nên được hiểu là những người ở cùng với người bệnh trong cùng một không gian, cùng đơn vị, cùng toà nhà; thời gian tiếp xúc không giới hạn, thời điểm tiếp xúc bắt đầu trước 4 ngày kể từ khi có triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính.

Về chiến thuật phòng chống, theo tôi, nên chống dịch theo yếu tố nguy cơ ở từng lĩnh vực cụ thể theo các mức xanh, vàng, cam, đỏ, tím; mỗi mức có một biện pháp can thiệp phù hợp. Ví dụ ở vùng đỏ sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ở mức tím sẽ phong toả toàn diện nội bất xuất ngoại bất nhập, mức cam sẽ ở trạng thái bình thường mới chấp nhận một lỉ lệ COVID-19 đủ an toàn không đe doạ hệ thống y tế địa phương.

Tiếp theo, phải bảo vệ nhóm người có nguy cơ mắc bệnh nặng, phòng vệ tốt cho nhóm có nguy cơ lây nhiễm; ngoài những biện pháp cơ học, thì vaccine trong giai đoạn khan hiếm phải ưu tiên số một cho nhóm người này.

Tiêm chủng phải luôn theo cấp số nhân, chạy đua vượt qua tốc độ lây nhiễm theo cấp số nhân của biến thể Delta. Ví dụ xuất hiện ổ dịch ở một quận, ngay lập tức phải dồn vaccine về quận đó tiêm thật nhanh cho nhóm ưu tiên, sau đó mở rộng tiêm thật nhanh cho những đối tượng khác.

Xây dựng tuyến phòng thủ điều trị là cực kì quan trọng!

Phát hiện ổ dịch để khống chế không để bùng phát cũng quan trọng không kém. Muốn vậy xét nghiệm ổ dịch phải thực hiện siêu tốc, theo cấp số nhân vượt qua tốc độ phát triển của virus. Truy xuất nguồn gốc phải thực hiện nhanh chóng để giúp cho cắt đứt nguồn lây ở giai đoạn đầu. Khi dịch phát triển thì phải kiểm soát vùng dịch một cách khoa học và toàn diện.

Cuối cùng, cá nhân hoá phòng chống dịch là tối quan trọng, chỉ khi mỗi cá nhân tự phòng được cho mình không bị nhiễm bệnh, hầu hết cá nhân đều làm được điều đó, thì cộng đồng mới an toàn.

Virus sẽ tiếp tục biến đổi;

Mọi người phải tiêm phòng;

Cùng nhau xây dựng bức tường chặn virus;

Mỗi người cần có ý thức tự phòng cho mình;

Đó là cách chúng ta sống chung với virus!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Nguyễn Đức Sơn

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.
42 Yêu thích
4 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại