Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 7-8%
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất từ ngày 1/7 tăng lương tối thiểu vùng lên 7-8%, tương đương 215.000-354.000 đồng so với hiện nay.
Tại phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia sáng 12/4, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết sẽ đưa ra đề xuất trên bởi sau hai năm chưa điều chỉnh lương tối thiểu vùng, mức này là phù hợp và bù đắp phần nào trượt giá. Người lao động đã đến ngưỡng chịu đựng khi vật giá leo thang, giảm thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
"Hình ảnh người lao động xếp hàng từ mờ sáng chờ rút bảo hiểm xã hội một lần những ngày qua rất đáng suy nghĩ để các bên thảo luận về mức lương tối thiểu vùng hợp lý", đại diện công đoàn chia sẻ.
Về đề xuất thực hiện từ 1/7/2022, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lý giải nên tăng sớm, tránh dồn nhiều năm mới tăng tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp. GDP quý I/2022 đã tăng 5,03%. Các chỉ số cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngày càng lớn.
Thời điểm tăng lương cũng đã được các bên bàn luận trong phiên họp đầu tiên hôm 28/3. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm nếu điều chỉnh thì nên vào đầu năm 2023 vì phù hợp năm tài chính. Với doanh nghiệp, đầu năm có một số xáo trộn như tuyển mới công nhân để bù cho số đã nghỉ. Tiền lương điều chỉnh vào thời điểm này có thể giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân lao động để ổn định sản xuất cả năm. Nếu điều chỉnh quá gấp gáp (tháng 7 tới) sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế khó.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.
Tiền lương tối thiểu điều chỉnh lần gần nhất từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng và giữ nguyên đến nay.
Năm 2021, khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn cho kết quả 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn; 48% lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày; 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa; 60% tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân; 0,3% lao động vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận