24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bùi Duy Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đề xuất mua bán điện trực tiếp, không cần qua EVN

Theo phương án được Bộ Công Thương xây dựng trình Thủ tướng, các doanh nghiệp sử dụng điện lớn sẽ có thể mua, bán điện trực tiếp với đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo thông qua đường dây riêng, không do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý.

Bộ Công Thương cho biết, đã hoàn tất xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất hai trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất.

Phương án 1, doanh nghiệp có thể mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng do tư nhân đầu tư (không phải mua bán điện thông qua EVN).

Trong trường hợp này, đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện... Tuy nhiên, đơn vị phát điện có trách nhiệm thực hiện việc đầu tư xây dựng dự án điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực; phải thực hiện quy định về cấp phép hoạt động điện lực. Đơn vị phát điện và khách hàng có trách nhiệm thực hiện các quy định về mua bán điện, giá bán điện theo quy định.

Về giá bán, theo Bộ Công Thương cho biết, giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1062/QĐ-BCT ngày 4/5 với giá bán lẻ điện bình quân 1.920,37 đồng/kWh) và các Thông tư của Bộ Công Thương.

Đề xuất mua bán điện trực tiếp, không cần qua EVN

Khách hàng sử dụng điện lớn có thể được mua điện trực tiếp từ các doanh nghiệp năng lượng tái tạo.

Phương án 2, doanh nghiệp và bên phát điện có thể mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia.

Trong trường hợp này, bên phát điện và bên mua điện vẫn phải thông qua đơn vị bán lẻ điện (mua bán qua EVN), tức là người mua và người bán không giao dịch trực tiếp với nhau như trường hợp 1. Theo quy định, để được mua bán điện, đơn vị phát điện phải sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10MW trở lên. Khách hàng sử dụng điện lớn phải là các tổ chức, cá nhân đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22kV trở lên.

Với trường hợp này, trong giai đoạn khi Luật Giá và các văn bản hướng dẫn các loại giá và phí quan chưa có hiệu lực, đơn vị bán lẻ điện thực hiện phân phối, cung cấp điện cho khách hàng để đáp ứng toàn bộ nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động sản xuất của khách hàng theo giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 24 ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 28 ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

“Trong giai đoạn kể từ thời điểm Luật Giá và các văn bản hướng dẫn các loại giá và phí liên quan có hiệu lực, đơn vị bán lẻ điện và khách hàng mua điện theo giá điện phản ánh đúng và đầy đủ theo các khoản phí trên thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ như: giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện...”, Bộ Công Thương cho hay.

Về việc mua bán điện trực tiếp, không thông qua EVN, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo EVN cho biết, tập đoàn ủng hộ chủ trương doanh nghiệp lớn được mua bán điện trực tiếp với đơn vị phát điện.

Theo vị này, với cơ chế giá điện như hiện nay, việc mua bán điện không thông qua EVN sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngành điện trong việc đầu tư nguồn phát, đường dây truyền tải đồng thời thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp tư nhân ngoài ngành điện. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ được mua điện rẻ hơn, nhưng cũng có thể phải mua giá cao hơn theo diễn biến giá thực tế của chi phí đầu của đơn vị phát điện.

Giữa tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương sớm hoàn thiện, trình ban hành cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn để đẩy nhanh các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Công Thương sớm ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán/áp mái; hoàn thiện Chiến lược sản xuất hydrogen tại Việt Nam; đề xuất, xây dựng chương riêng về năng lượng tái tạo trong sửa đổi Luật Điện lực.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả