Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Lo phát sinh tiêu cực
Trước đề xuất doanh nghiệp đầu mối được tự quyết giá bán xăng dầu, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ phát sinh hệ luỵ tiêu cực, những doanh nghiệp lớn có thể liên minh để ấn định giá độc quyền cao...
Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu. Đáng chú ý, tại dự thảo lần 3 này, Bộ Công Thương giữ đề xuất doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu sẽ tự quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.
Nhà nước chỉ công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới, premium bình quân 7 ngày/lần, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như chi phí thuế, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức... để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định.
Trường hợp chi phí kinh doanh định mức biến động bất thường, tác động đến nguồn cung xăng dầu và có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan báo cáo, kiến nghị Thủ tướng cho phép rà soát chi phí kinh doanh định mức được sử dụng làm gốc trước thời hạn định kỳ và công bố để thương nhân thực hiện.
Thời gian công bố giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu được thực hiện ngay sau khi Bộ Công Thương công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới, premium. Đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, các thương nhân bán xăng dầu tại địa bàn này được quyết định giá bán lẻ xăng dầu tăng thêm tối đa không vượt quá 2% giá bán xăng dầu theo công thức quy định.
Bộ Công Thương cho rằng với cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện qua quá nhiều bước, thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước công bố rồi thực hiện theo…
"Đây là cải cách giúp thương nhân kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý giá không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí kinh doanh định mức như hiện nay. Doanh nghiệp phải công bố giá đúng theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc công bố giá của các doanh nghiệp", Bộ Công Thương nêu rõ.
Ủng hộ quan điểm của Bộ Công Thương, tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho rằng nên cho thí điểm triển khai cơ chế này trước khi mở cửa hoàn toàn với mặt hàng này.
Theo ông Phú, về lâu dài, để giá xăng dầu thực sự theo cơ chế thị trường, hoạt động một cách công khai, minh bạch, cần đưa thị trường xăng dầu nâng lên một cấp nữa là thành lập sàn giao dịch xăng dầu. "Việc này sẽ tạo ra thị trường lành mạnh, hoạt động giao dịch đúng theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán; giá cả giao dịch bán buôn, bán lẻ do doanh nghiệp tự tính toán, lời ăn, lỗ chịu, không còn áp chiết khấu, giá trần định mức", ông Phú nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, đề xuất hướng đến cơ chế tự quyết định giá của doanh nghiệp là bước đi mới, hướng đến sự thay đổi mạnh mẽ về mặt quản lý, điều hành giá. Tuy nhiên, cần xem xét thấu đáo khi trao quyền quyết định giá bán xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, tại dự thảo, nhà nước vẫn quy định trong cơ cấu tính giá những yếu tố phần "cứng", còn phần "mềm" như chi phí kinh doanh là doanh nghiệp quyết định, tính toán". Theo chuyên gia này, phần "cứng" thì đã có quy định, còn phần "mềm" khi trao quyền cho doanh nghiệp thì phải có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng đẩy giá.
Mặt khác, theo PGS.TS Ngô Trí Long, hiện có một số "ông lớn" xăng dầu giữ vị thế thống lĩnh thị trường, nếu để cho các doanh nghiệp được quyết định giá bán, liệu có tạo ra "luật chơi" hay không và có bảo đảm yếu tố thị trường hay không. "Nếu để doanh nghiệp đầu mối giữ vị thế thống lĩnh thị trường quyết định giá thì sẽ có nhiều vấn đề xảy ra", vị chuyên gia lo ngại.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc để doanh nghiệp quyết định giá bán lẻ xăng dầu dù có nhiều ưu điểm nhưng cần phải được xem xét cẩn trọng, cần thiết phải chọn thời điểm phù hợp, nếu không sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ tiêu cực, đặc biệt là tình trạng những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn liên minh với nhau để ấn định giá độc quyền cao, không hợp lý làm thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, sẽ có nhiều mức giá xăng, dầu trên thị trường. Khi người dân chưa quen sẽ có phản ứng đối với giá xăng, dầu của các doanh nghiệp có chi phí cao. Hoặc tại những địa phương ít nhà cung cấp, cạnh tranh kém, chi phí cao… người dân có thể phải mua xăng, dầu với giá cao hơn các địa phương khác.
Trong khi đó, trong nền kinh tế theo cơ chế thị trường, cần thiết phải có sự điều hành của Nhà nước để có thể đảm bảo hài hòa lợi ích của ba bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận