Đề xuất đánh thuế giao dịch vàng: Vẫn còn nhiều băn khoăn
Để ổn định thị trường vàng, nhiều ý kiến nhận định phải đánh thuế giao dịch vàng, tránh đầu cơ. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, không nên coi công cụ thuế như một chìa khóa vạn năng…
Câu chuyện quản lý thị trường vàng luôn là tâm điểm dư luận trong thời gian gần đây. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đánh thuế giao dịch vàng trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, bởi việc thu thuế các hoạt động kinh doanh vàng sẽ góp phần tránh đầu cơ, qua đó có thể “hạ nhiệt” được giá vàng.
Điển hình như quan điểm của PGS.TS Nguyễn Thị Mùi – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, chính sách thuế có tác dụng rất lớn, một khi muốn thu hẹp hoạt động này dùng chính sách thuế có thể cao lên hoặc muốn mở rộng kênh đầu tư hoặc mở rộng hoạt động nào đó thì chính sách thuế sẽ ưu đãi hơn. Do đó phải khẳng định rằng thuế là một công cụ rất hữu hiệu để tạo điều kiện cho ngành đó phát triển hoặc là tạo mọi điều kiện để cho ngành đó mở rộng ra hoặc là thu hẹp lại.
Trong bối cảnh hiện nay, vị chuyên gia cho rằng, vàng được coi như là một kênh đầu tư để kiếm lời, rõ ràng việc xem xét để đưa ra một mức thuế hợp lý là rất cần thiết. Làm sao để mức thuế đó tạo điều kiện: thứ nhất là bình đẳng giữa các kênh đầu tư; thứ hai là tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, không bị các yếu tố đầu cơ chi phối; thứ ba rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, nhập khẩu vàng để sản xuất ra vàng trang sức hoặc là in dập ra vàng lá, vàng khối để bán kiếm lời.
“Rõ ràng trong trường hợp này phải có một chính sách thuế hợp lý để tạo điều kiện có đủ cung cũng như đáp ứng nhu cầu của người đầu tư hoặc của người tiêu dùng trên cơ sở đó thị trường vàng Việt Nam mới phát triển ổn định được”, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi nêu quan điểm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, không nên coi công cụ thuế như một chìa khóa vạn năng có thể mở mọi cánh cửa.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, một số chuyên gia lại cho rằng, không cần bổ sung sắc thuế mới, chỉ cần quản lý hiệu quả chính sách thuế hiện tại là đủ. Về quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phụng, UVBCH Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) nhận định, không nên coi công cụ thuế như một chìa khóa vạn năng có thể mở được tất cả các cánh cửa. Phân tích rõ hơn về quan điểm của mình, ông Phụng cho rằng, vì những sắc thuế đang áp dụng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và mua bán vàng hiện nay có 2 vấn đề.
Về quản lý thuế đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định hiện hành, ông Phụng cho biết với các cơ sở kinh doanh vàng, họ sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện quy định đánh thuế giá trị gia tăng vào giá trị tăng thêm do hoạt động sản xuất kinh doanh, chế tác vàng, với thuế suất 10% nhân với chênh lệch giữa giá bán trừ đi giá mua. Nếu doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận sẽ phải đóng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Riêng với hộ kinh doanh, nếu theo diện nộp thuế khoán thì hội đồng tư vấn thuế, xã, phường cùng chính quyền địa phương sẽ xác định mức doanh thu khoán để ấn định mức thuế khoán. Với hộ kinh doanh theo diện kê khai thì cần đầy đủ chứng từ, hóa đơn và kê khai thuế như doanh nghiệp và nộp thuế bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân với hoạt động kinh doanh và thuế giá trị gia tăng.
"Tôi cho rằng cách quản lý như vậy là tốt và minh bạch, doanh nghiệp rõ ràng, hộ kinh doanh rõ ràng. Chỉ có điều, hiện nay với những hộ kinh doanh nhỏ, mức doanh thu khoán có thể đâu đó còn có vấn đề, doanh thu có thể chưa đúng, chưa sát tại một vài thời điểm", ông Phụng phân tích.
Tuy nhiên, hiện ngành thuế đang đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử, kết nối giữa người mua, người bán và với cơ quan thuế. Khi đó, cơ quan thuế sẽ có thông tin, dữ liệu để quản lý thuế tốt hơn và thu thuế theo đúng quy định pháp luật.
“Với người dân, họ sở hữu vàng như một loại tài sản cá nhân. Thói quen tích trữ vàng, mua vàng làm của hồi môn cho đám cưới đã trở thành tập quán của người dân, đó là nhu cầu chính đáng. Người dân đem bán vàng cho các cơ sở kinh doanh thu mua, chuyển đổi thành tiền thì không bị đánh thuế”, ông Phụng nói.
Đồng quan điểm, phân tích từ góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cũng cho rằng, trên thế giới, các quốc gia khác từ lâu đã hình thành thị trường vàng thông qua các sàn giao dịch vàng. Từ đó các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế thực hiện các hoạt động thu thuế thông qua các giao dịch trên các sàn bao gồm cả sàn vật chất và vàng trạng thái. Riêng ở các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á hay Trung Quốc, họ đều đánh phần thuế giá trị gia tăng ở phần tăng thêm giống như ở Việt Nam. Bên cạnh đó, với những nhà đầu tư cá nhân có thu nhập cũng sẽ đánh thuế thu nhập cá nhân giống Việt Nam.
"Như vậy, có sự tương đồng giữa việc áp dụng các mức thuế giữa Việt Nam với các nước khác trên thế giới. Thuế là chỉ một trong số các công cụ để thúc đẩy hoặc quản lý hoặc thực hiện chính sách quản lý vàng. Không thể coi thuế là một công cụ vạn năng để quản lý thị trường hay sàn vàng được", vị luật sư đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận