Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, game online
Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, nhằm giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ.
Theo Bộ Tài chính, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009 thay thế cho Luật thuế TTĐB năm 1999, Luật sửa đổi một số điều của Luật thuế TTĐB năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật thuế GTGT năm 2005. Luật thuế TTĐB năm 2008 đã qua 04 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.
Các nội dung sửa đổi bổ sung Luật thuế TTĐB trong thời gian qua đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội như góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao, góp phần tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; góp phần bảo vệ môi trường; góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB hiện hành vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế TTĐB như đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện; thuế suất thuế TTĐB đối với một số hàng hoá khi sử dụng gây tác hại đến sức khoẻ và xã hội, cũng như việc điều tiết đối với một số hàng hoá xa xỉ còn thấp chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội; chưa có quy định hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường.
Yêu cầu của thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ.
Bổ sung đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất phù hợp
Lý giải sự cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB, Bộ Tài chính cho biết, đối với sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới trên thị trường hiện nay đã xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha sử dụng toàn bộ, một phần hoặc không sử dụng nguyên liệu từ cây thuốc lá, mặc dù các sản phẩm này đều chưa được phép nhập khẩu và kinh doanh tại Việt Nam.
Theo WHO, Bộ Y tế và các tổ chức bảo vệ sức khỏe, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha đều có chứa các thành phần độc hại gây hại cho người hút trực tiếp và người xung quanh như thuốc lá truyền thống. Hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa là hình thức tiêu thụ thuốc lá. Do vậy, căn cứ Điều 6 Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC), WHO đã khuyến nghị các quốc gia cấm thuốc lá điện tử hoặc phải có biện pháp kiểm soát thuốc lá điện tử, hạn chế thuốc lá nung nóng và shisha. Trường hợp có biện pháp kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha thì khuyến nghị áp dụng chính sách thuế như đối với mặt hàng thuốc lá thông thường để đảm bảo tăng giá bán và giảm nhu cầu sử dụng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đối với thuốc lá điện tử, có 71 quốc gia thu thuế TTĐB đối với thuốc lá điện tử. Trong đó, 23 nước áp dụng thuế tuyệt đối, 07 nước áp dụng thuế theo tỷ lệ phần trăm, còn lại là các nước áp dụng thuế hỗn hợp cả tuyệt đối và phần trăm theo các tỷ lệ giống nhau. Nhìn chung, các nước này áp thuế đối với thuốc lá điện tử ở mức ngang bằng với thuốc lá truyền thống.
Đối với thuốc lá nung nóng, có 61 quốc gia thu thuế TTĐB đối với thuốc lá làm nóng ở mức ngang bằng với thuốc lá truyền thống.
Ngoài ra, trò chơi điện tử trên mạng (game online) là một loại hình giải trí gắn liền với sự phát triển của internet, có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và giữa người chơi với máy chủ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, máy chơi game, các thiết bị di động. Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng.
Đối với đồ uống có đường, Bộ Tài chính cho biết, theo WHO, đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường... hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua. Tỷ lệ thừa cân đối với người trưởng thành ở Việt Nam (trên 18 tuổi) ở cả hai giới đã tăng 68% trong giai đoạn 2002 - 2016. Theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cho thấy tổn thất rất lớn về kinh tế - xã hội do bệnh không lây nhiễm gây ra.
WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB: Năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia đến 2021 có ít nhất 50 quốc gia thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này. Trong ASEAN có 06/10 nước đã thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường.
Đối với thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn: Trên thực tế đã xuất hiện việc nhập khẩu sản phẩm thức uống không có cồn được sản xuất theo quy trình sản xuất và nguyên liệu sản xuất tương tự như mặt hàng bia (sau quy trình sản xuất lên men thì tách cồn khỏi sản phẩm và bổ sung hương tự nhiên).
Sản phẩm không có cồn nên không được xác định là bia theo quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; sản phẩm đáp ứng TCVN 12828:2019 về nước giải khát nên doanh nghiệp công bố tên gọi và tiêu chuẩn sản phẩm là thức uống đại mạch, do vậy không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB theo Luật thuế TTĐB hiện hành.
Sản phẩm thức uống đại mạch có quy trình sản xuất và nguyên liệu giống mặt hàng bia, hình thức bề ngoài của sản phẩm giống bia, vẫn có mùi vị đặc trưng như bia, chỉ khác tên gọi, giá bán xấp xỉ như nhau nên có thể coi là sản phẩm tương tự bia không cồn. Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải quy định rõ để định hướng tiêu dùng đối với mặt hàng này.
Đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia
Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu tăng thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng.
Theo Bộ Tài chính, đối với mặt hàng thuốc lá: WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị tỷ trọng thuế tiêu dùng nên chiếm từ 66% đến 75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá. Theo đánh giá của WHO, WB, IMF và các đối tác phòng chống tác hại của thuốc lá thì giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85% (theo WHO năm 2020 khi áp dụng thuế suất thuế TTĐB 75%) trong khi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ các nước là: Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%; Myanmar 50% và các nước phát triển Úc: 62%, Đức: 75%, Pháp 80%,..
Mặc dù mặt hàng thuốc lá đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016-2019. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Như vậy, việc sử dụng thuốc lá, cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và lộ trình tăng thuế TTĐB trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra.
Đối với mặt hàng rượu, bia: Mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016-2018. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 05 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Rượu, bia là một trong 03 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Do vậy, việc sử dụng rượu, bia cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa.
Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu, bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu, bia gây ra và khuyến nghị "Tăng thuế để tăng giá các mặt hàng rượu, bia đã được chứng minh có tác động mạnh đến giảm nhu cầu, đặc biệt người tiêu dùng có thu nhập thấp và thanh thiếu niên sẽ giảm sử dụng nhiều hơn khi thuế và giá rượu, bia tăng".
Nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thuế TTĐB với đồ uống có cồn vì ảnh hưởng tiêu cực của sản phẩm này đối với sức khỏe khi người tiêu dùng lạm dụng, sử dụng nhiều. Hiện nay, thuế rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo tính toán của WHO mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm từ 40-85% giá bán lẻ. Để bảo đảm không gia tăng sử dụng rượu, bia trong thời gian tới, cần điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia đảm bảo mức tăng giá rượu, bia sau khi điều chỉnh phải tăng kịp theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
Điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường
Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế TTĐB hiện hành quy định: "Xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng" áp dụng thuế suất thuế TTĐB "bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại quy định tại các điểm 4a, 4b, 4c và 4d của Biểu thuế quy định".
Quy định nêu trên nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường là loại xe có hai động cơ: động cơ xăng và động cơ điện. Trong điều kiện bình thường xe chủ yếu chạy bằng động cơ điện và động cơ xăng có tính chất dự phòng (khi ắc quy dùng để chạy động cơ điện hết điện), lượng khí thải ra môi trường thấp hơn nhiều so với loại xe ô tô thông thường khác. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định rõ loại xe nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng.
Đối với xe thân thiện môi trường, ngoài xe chạy xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, xe điện, còn có các loại xe sử dụng khí thiên nhiên cần có chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích sản xuất.
Về việc nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB để khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế, Bộ Tài chính cho biết, theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ số QCVN 41:2016/BGTVT, loại xe ô tô pick up chở hàng cabin kép khi tham gia giao thông được áp dụng các hệ thống báo hiệu đường bộ như ô tô con, không bị hạn chế về thời gian được phép lưu thông trong đô thị, được phép lưu thông vào làn đường dành cho ô tô con.
Qua nghiên cứu cho thấy các nước trong khu vực như Singapore, Brunei, Philippines áp dụng thuế suất đối với ô tô pick up vừa chở người, vừa chở hàng cũng giống như các dòng xe khác, không phân biệt giữa các chủng loại xe; Một số nước áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô pick up chở hàng cabin kép ở mức thấp hơn mức thuế suất đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ (Ví dụ: Campuchia thấp hơn 30%; Thái Lan thấp hơn khoảng 17%...).
Để góp phần đảm bảo quản lý nhà nước đối với ô tô pick up chở hàng cabin kép và điều tiết hạn chế sử dụng phương tiện giao thông tại các thành phố lớn, lệ phí trước bạ đối với ô tô pick up chở hàng cabin kép cũng đã được điều chỉnh tăng theo Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019, đã được thay thế bởi Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ, theo đó kể từ ngày 10/4/2019, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô pick up chở hàng cabin kép bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Để bảo đảm chính sách thuế phù hợp với mục đích sử dụng xe, cần thiết phải nghiên cứu mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô pick up chở hàng cabin kép cho phù hợp với quy định của chính sách thuế, phí và lệ phí hiện hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận