Đề nghị dừng nghiên cứu vaccine Covid-19
GS Nguyễn Anh Trí đề nghị cơ quan chức năng cho dừng nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 ở Việt Nam bởi hiện nay đại dịch đã đi qua.
Thảo luận tại Quốc hội sáng 29/5 về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, GS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương) cho rằng, thay vì tự nghiên cứu sản xuất trong nước, Việt Nam cần tìm mua vaccine Covid-19 tốt, giá hợp lý, đủ để tiêm cho người dân. Ông đánh giá, việc không sản xuất được vaccine Covid-19 cho thấy yếu kém của Việt Nam trong lĩnh vực này ở giai đoạn dịch bệnh.
Hồi tháng 1, khi phát biểu trước Quốc hội, GS Nguyễn Anh Trí nhận định "Việt Nam đã sai đường khi đặt mục tiêu sản xuất thành công vaccine Covid-19 trên vai doanh nghiệp tư nhân và đây là bài học lớn". Một trong những nguyên nhân ông nêu ra là các công ty tư nhân tốt, có nhiều tiền, nhưng chưa được như đơn vị nhà nước.
Đến nay, Việt Nam có ba ứng viên vaccine Covid-19, trong đó ARCT-154 do Công ty cổ phần công nghệ sinh học Vinbiocare nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ, được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia chấp thuận, hồ sơ đã gửi tới Cục Quản lý Dược để xem xét, cấp phép lưu hành.
Vaccine do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế và Công ty cổ phẩm công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu (không sử dụng ngân sách nhà nước) vẫn đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội, đến ngày 31/12/2022, kinh phí đã sử dụng để mua vaccine phòng Covid-19 là hơn 15.100 tỷ đồng với tổng số hơn 102 triệu liều. Trong đó, ngân sách nhà nước chi hơn 7.400 tỷ đồng; Quỹ vaccine hơn 7.600 tỷ đồng.
Kinh phí hỗ trợ sản xuất, thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 là 4,6 tỷ đồng (trên tổng số 8,8 tỷ đồng) từ Quỹ vaccine phòng Covid-19, cấp cho Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế để hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine Covivac. Đến 31/12/2022, vaccine này mới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2; số kinh phí còn lại, chưa sử dụng 4,2 tỷ đồng đã hoàn trả Quỹ.
Anh hùng áo trắng trong đại dịch nay phải viết giải trình
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (phó đoàn Bình Thuận), cho biết khi cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đi giám sát chuyên đề đã nghe nhiều tâm sự của bác sĩ. Có người nói khi chống dịch, họ cố gắng hết sức, động viên nhau làm mọi cách để có thuốc, oxy, sinh phẩm cứu bệnh nhân vì sinh mệnh con người là quý nhất. Thời điểm đó, xã hội gọi họ là anh hùng áo trắng.
Nhưng khi đại dịch qua đi, vụ Việt Á và các vụ án có liên quan bị điều tra, nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí, công sức của các bác sĩ, người quản lý y tế lại là viết báo cáo giải trình với cơ quan chức năng. Quá trình làm việc, có thành viên trong đoàn cảm ơn bác sĩ vì đã cứu gia đình họ trong cuộc chiến với Covid-19. Nếu không có các bác sĩ thì mẹ, con và cả gia đình họ không qua khỏi.
Đáp lại, bác sĩ cảm ơn Trung ương kịp ban hành hướng dẫn phân hóa các trường hợp sai sót trong vụ Việt Á nên nhiều người không vướng vòng lao lý. "Nhưng nếu có chỉ đạo sớm hơn thì tốt biết bao", đại biểu Thông dẫn lại lời của nhiều y bác sĩ đã trải qua mấy năm chống dịch.
Theo Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, các địa phương, cơ sở y tế còn một nỗi đau đáu khác là làm sao trả được nợ vật tư y tế, oxy, thuốc men đã mượn doanh nghiệp khi chống dịch. "Bây giờ doanh nghiệp liên tục đòi nợ nhưng không có cơ sở để hoàn trả", đại biểu Thông nêu thực trạng.
GS Nguyễn Anh Trí thì ví von vụ Việt Á là "cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt", và sự trả giá là quá đắt, quá lớn. Đồng tình với chủ trương xử lý nghiêm khắc những người tham nhũng, xà xẻo trong chống dịch, nhưng ông Trí đề nghị cơ quan chức năng công bằng với những người mắc sai sót không vì vụ lợi, chỉ để kịp thời chống dịch, phục vụ lợi ích cộng đồng.
"Nên sớm chấm dứt các vụ án liên quan đến phòng chống Covid-19 để xã hội ổn định, cán bộ vững tâm thực hiện công vụ", ông Trí nói. Bên cạnh xử lý người sai phạm, ông cũng đề nghị khen thưởng đơn vị, địa phương, cá nhân có đóng góp vào phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó, trình bày báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra khẩn trương xử lý dứt điểm vụ việc liên quan đến Việt Á theo chủ trương Bộ Chính trị về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo báo cáo của Bộ Công an, liên quan đến vụ Việt Á, đến tháng 5, cơ quan điều tra đã khởi tố 30 vụ án, 107 bị can. Trong đó cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố một vụ án, 31 bị can; cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố 1 vụ án, 5 bị can; cơ quan cảnh sát, điều tra của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã khởi tố 28 vụ án, 71 bị can. Vụ án tiếp tục được điều tra mở rộng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường