Đẩy nhanh xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Chiều 23/2, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh An Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp trong năm 2021 và nhiệm vụ năm 2022.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, năm 2022, ước sản lượng thủy sản của An Giang đạt khoảng 564.000 tấn, bao gồm sản lượng nuôi trồng 549.500 tấn, tăng 7%; sản lượng khai thác 14.500 tấn. Những tháng đầu năm 2022, giá cá tra nguyên liệu đang khởi sắc trở lại. Giá bán cá tra thương phẩm hiện dao động từ 27.000 - 30.000 đồng/kg (loại cá từ 0,8 - 1,2 kg). Giá bán cá tra giống dao động từ 38.000 - 42.000 đồng/kg (loại 25 - 30 con/kg).
Hiện nay, ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp trên địa bàn, cung cấp giống chất lượng cao cho các cơ sở, doanh nghiệp nuôi trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp có dự án tham gia vào Đề án cá tra 3 cấp; triển khai thực hiện dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cá tra tập trung tỉnh An Giang”. Tỉnh cũng đang phối hợp với Viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp… để tiếp nhận đàn cá tra bố mẹ được tuyển chọn, có chất lượng tốt để thay thế 100% đàn cá của tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp hoàn thiện quy trình kỹ thuật ương giống cá tra nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng cá giống, qua đó có quy trình ương giống cá tra chuẩn áp dụng trong các chuỗi liên kết. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng trong và ngoài nước để nâng cao giá trị và thương hiệu của cá giống sản xuất trong các chuỗi liên kết.
Năm 2021, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh An Giang đạt 2,22%, tăng 0,25% so với năm 2020. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa. Tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của An Giang năm 2021 đạt ước đạt 520.000 tấn, giảm 6.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với cá tra, An Giang hiện có 9 cơ sở sản xuất giống cá tra bột và 998 cơ sở ương dưỡng với diện tích 925 ha. Tổng diện tích nuôi cá tra thương phẩm trên 1.230 ha; trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp và hộ nuôi liên kết đạt 87% với 1.049 ha, tỷ lệ hộ không liên kết chiếm 13% với 186 ha; sản lượng đạt 400.000 - 450.000 tấn/năm.
Tỉnh An Giang hiện có 19 doanh nghiệp với 21 nhà máy chế biến cá tra, công suất chế biến đạt trên 323.000 tấn/năm. Hoạt động của chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp tỉnh An Giang cũng được tỉnh triển khai tích cực và hiện năng lực sản xuất và cung cấp khoảng 4,5 - 5 tỷ cá tra bột và khoảng 500 - 600 triệu cá tra giống. Tỉnh cũng đang hỗ trợ kỹ thuật, cơ sở pháp lý cho 4 doanh nghiệp tham gia vào đề án cá tra 3 cấp để tiếp tục xây dựng các vùng ương giống tập trung có tổng diện tích 452,3 ha, với năng lực sản xuất hàng năm trên 1,8 tỷ con giống và 1,6 tỷ con cá hương.
Để đưa An Giang trở thành trung tâm sản xuất các giống lúa, thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long”; hỗ trợ An Giang triển án đầu tư theo Đề án đã được phê duyệt.
Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp sớm đề xuất Chính phủ ban hành Quỹ bình ổn giá đối với sản phẩm lúa gạo và cá tra vì đây là một trong những sản phẩm chiến lược của quốc gia, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Từ đó, giúp ngành hàng lúa gạo và cá tra tránh được những tác động bất lợi của thị trường, đưa ngành hàng phát triển bền vững trong thời gian tới.
"Bộ Nông nghiệp sớm tham mưu Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và của An Giang nói riêng theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ; phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, điều tra, dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra nội địa và xuất khẩu; có giải pháp sớm bình ổn giá cả nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản, chăn nuôi để hỗ trợ tạo điều kiện phát triển sản xuất ngành hàng cá tra hiện nay", ông Nguyễn Sỹ Lâm kiến nghị.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp phối hợp các các Bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ tỉnh trong việc giới thiệu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư nhà máy chế biến rau củ quả, đặc biệt là công nghiệp chế biến sâu…, góp phần đưa ngành nông nghiệp tỉnh phát triển.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao tỉnh An Giang thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh cả nước gặp khó khăn do dịch COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh An Giang tăng 2,22% khi nhiều tỉnh lại tăng trưởng âm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, xác định thích ứng an toàn với dịch COVID-19, quan điểm của Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiên quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển nông sản. Cùng với xuất khẩu, An Giang cần tranh thủ thị trường nội địa để liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc biệt là đưa nông sản vào hệ thống chợ đầu mối và hàng trăm chợ truyền thống, đặc biệt là thị trường Tp. Hồ Chí Minh.
Để khai thác lợi thế nông nghiệp, đưa nông nghiệp thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh An Giang đẩy mạnh chuyển hướng tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn kết doanh nghiệp tham gia thành lập hợp tác xã, xây dựng nhà máy chế biến sâu, phát triển trang trại nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao…
Đối với những kiến nghị của ngành nông nghiệp An Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận và sẽ cùng các bộ, ngành Trung ương có giải pháp tháo gỡ kịp thời để ngành nông nghiệp An Giang nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng phát triển theo đúng tiềm năng, lợi thế vốn có.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận