Đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (VCR): 9 lần thất hẹn cổ tức
Sau 3 năm liên tiếp thua lỗ và đứng trước bờ vực bị huỷ niêm yết, CTCP Đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (VCR) lên kế hoạch tiếp tục lỗ năm 2020. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tiếp tục xin hoãn trả cổ tức nợ từ năm 2010.
Năm 2019, VCR ghi nhận 37 tỷ đồng doanh thu, cao nhất trong 5 năm gần đây, song doanh nghiệp vẫn lỗ ròng 8,2 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ ba thua lỗ liên tiếp. Với tình trạng này, VCR rơi vào diện phải hủy niêm yết bắt buộc.
Như vậy, trong hơn 11 năm hoạt động, công ty này có tới 5 năm thua lỗ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tới thời điểm cuối năm 2019 âm 215 tỷ đồng. Trước đây, doanh nghiệp từng thoát khỏi diện bị hủy niêm yết khi lãi 2,1 tỷ đồng vào năm 2014 sau 2 năm thua lỗ.
Theo giải trình của VCR, các dự án của doanh nghiệp đang vướng mắc thủ tục pháp lý nên kết quả kinh doanh 2019 không đạt kế hoạch đề ra.
Tiền chậm nộp về sử dụng đất của dự án Khu đô thị Cái Giá (Cát Bà) là 132,4 tỷ đồng, được tính từ năm 2012 - 2019, Công ty đã thực hiện ghi nhận số tiền này vào chi phí năm 2019 là 6,2 tỷ đồng và điều chỉnh hồi tố vào các năm 2017 và 2018 tương ứng 124 tỷ đồng và 2,2 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cũng cho biết đã nộp đầy đủ số tiền chậm nộp kể trên và thêm hơn 133 tỷ đồng tiền sử dụng đất còn nợ vào ngân sách TP. Hải Phòng.
Trong năm 2019, VCR đã hoàn tất đợt phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ cho công ty mẹ là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) để nộp tiền sử dụng đất và chậm nộp tiền sử dụng đất, phần 16 tỷ đồng còn lại nhằm bổ sung vào vốn lưu động thực hiện dự án.
VCR tiền thân là Ban Quản lý dự án Cái Giá - Cát Bà của Vinaconex. Công ty được thành lập năm 2008, bởi 3 cổ đông sáng lập, gồm Vinaconex, Eximbank và Agriseco với nhiệm vụ chính là thực hiện dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà.
Hiện 3 cổ đông lớn này đang nắm 77% vốn VCR, gồm Vinaconex sở hữu 53,56%, Eximbank giữ 10,86% và Agriseco nắm 13,586%. Cổ phiếu VCR chào sàn HNX từ tháng 5/2010, quy mô vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Trong năm 2020, VCR dự kiến sẽ tiếp tục lỗ ròng 13 tỷ đồng, do lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19.
Ngày 24/3 vừa qua, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo việc thay đổi thời gian chi trả cổ tức năm 2010 đối với cổ phiếu VCR.
Trước đó, VCR thông báo thanh toán khoản cổ tức trên vào ngày 30/3/2020. Tuy nhiên, đơn vị này đã điều chỉnh thời gian thanh toán thành ngày 30/3/2021, tức 1 năm sau.
Ðây là khoản cổ tức 15% bằng tiền được Nghị quyết Hội đồng quản trị VCR ngày 29/2/2012 thông qua, ngày đăng ký cuối cùng là 3/4/2012 và thời gian thực hiện trả cổ tức là ngày 29/6/2012. Tính từ đó đến nay, VCR đã 9 lần liên tục thay đổi ngày chi trả cổ tức.
VCR là mã thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong năm 2019. Sau một thời gian dài duy trì ở vùng giá 5.000 đồng/cổ phiếu, thị giá VCR bất ngờ có 13 phiên tăng trần liên tiếp từ đầu tháng 3/2019 và tạo đỉnh ở mức 31.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 21/6/2019.
Hiện giá cổ phiếu này đã rơi về 7.100 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận