Đầu năm mới, nên tích trữ vàng hay gửi ngân hàng?
Có một số tiền nhất định sau Tết Nguyên đán, nhiều người mong muốn đầu tư sao cho có lợi nhuận tốt nhất và câu hỏi thường được đưa ra là trữ vàng hay gửi ngân hàng?
Chị Bình An (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, chị đang có một khoản tiền nhàn rỗi vài trăm triệu đồng nhưng chưa biết nên đầu tư mua vàng hay gửi tiết kiệm để có lợi nhuận tốt nhất.
Theo các chuyên gia, qua hàng thập kỷ, vàng luôn được coi là kênh trú ẩn an toàn trước sự biến động của kinh tế hay chính trị. Đặc biệt khi lạm phát cao, vàng luôn thể hiện được giá trị của mình.
Tuy nhiên trong những thời kỳ giá vàng biến động mạnh như năm 2020 thì đầu tư vàng cũng chứa đựng nhiều rủi ro.
Năm 2019 giá vàng chỉ xoay quanh mốc 41 triệu đồng/lượng. Nhưng khoảng tháng 8/2020 tới nay giá vàng đã tăng lên mức 56 triệu có lúc phi mã lên 60 triệu đồng. Tuy vậy, sau đó, kim loại quý có nhiều phiên lao dốc không phanh. Giá vàng tăng giảm khó lường khiến những nhà đầu tư lướt sóng đầu tư vàng thời vụ có thể sẽ phải chịu rủi ro rất lớn.
Có thể thấy về dài hạn thì giá vàng luôn tăng qua các năm, đặc biệt lên cao khi thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính trị hay đại dịch.
Lịch sử ghi nhận giá vàng có thời điểm tăng kỷ lục, sau đó lại lao dốc nhanh chóng. Đầu năm 2011 giá vàng tăng 24,09% so với thời điểm cuối 2010, cán mốc 36 triệu đồng/lượng. Chỉ đến 23/8/2011, giá vàng vượt 49 triệu đồng/lượng. Nhưng cuối tháng 9/2011, giá vàng giảm mạnh, chỉ còn 41 triệu đồng/lượng.
Tương tự, năm 2020, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng chứng kiến đà tăng giảm không kiểm soát của giá vàng do một loạt bất ổn kinh tế, chính trị, dịch bệnh gây ra. Có thời điểm vàng tăng vọt lên mức 62 triệu đồng/lượng. Từ cuối năm 2020 đến hiện tại, giá vàng xoay quanh mốc 56 triệu đồng/lượng.
Như vậy có thể thấy với các nhà đầu tư thì vàng để có thể sinh lời như mong muốn là chuyện không hề đơn giản. Ngoài tiền, ho còn cần phải có khả năng dự đoán, phân tích bởi sự biến động của nền kinh tế toàn cầu sẽ khiến giá vàng chịu tác động của nhiều yếu tố hơn, khó dự đoán hơn.
Còn đối với gửi ngân hàng, theo các chuyên gia đây được coi là kênh đầu tư an toàn nhất. Tuy nhiên cũng chính vì là kênh đầu tư an toàn nên lợi nhuận không cao.
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đưa lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng về mức thấp.
Theo Công ty Chứng khoán SSI lãi suất gửi tiết kiệm hiện tại đã thấp hơn thời điểm cuối 2019 từ 1,5-3 điểm phần trăm và đang rơi vào vùng thấp lịch sử.
Lãi suất ngân hàng được dự báo có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021.
Tuy nhiên, với gửi tiết kiệm, bạn sẽ nhận được khoản tiền lãi đều đặn vào mỗi quý/mỗi năm, không cần phải lo lắng nên đầu tư ở đâu, như thế nào hay có an toàn hay không. Gửi tiết kiệm rất phù hợp với những ai không có nhiều điều kiện tìm hiểu về tài chính, về cách thức đầu tư và muốn lựa chọn phương án an toàn, ổn định, hạn chế tối đa rủi ro.
Ngoài ra, phải kể đến ưu điểm đó là dễ dàng thanh khoản và rút tiền bất kỳ lúc nào.
Hơn nữa, để gửi tiết kiệm, người dân cũng không cần phải có số tiền nhàn rỗi quá lớn như dốc vào các kênh đầu tư khác.
Bởi vậy, kênh đầu tư truyền thống này được nhiều chuyên gia khuyên nên dùng, dù sinh lời không như kỳ vọng. Năm 2021, khi tình hình kinh tế chưa thể ổn định thì đây vẫn được coi là kênh đầu tư hút khách nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận