Đặt mục tiêu tăng trưởng thấp nhất nhiều thập kỷ, Trung Quốc bắt đầu kỷ nguyên thận trọng?
Bất chấp những lạc quan khi Trung Quốc chấm dứt chiến lược chống dịch hà khắc 3 năm qua, Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng khá khiêm tốn trong năm 2023, theo Financial Times...
Tại kỳ họp Quốc hội khai mạc hôm 5/3, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 chỉ “khoảng 5%", mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Năm 2022, nước này đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% của năm 2022 nhưng không đạt được do tác động nặng nề của các biện pháp phòng chống dịch.
SỰ THAY ĐỔI LỚN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ
“Nguyên nhân khiến Bắc Kinh đưa ra mục tiêu thấp là để chắc chắn rằng họ có thể đạt được”, ông Carlos Casanova, nhà kinh tế cấp cao khu vực châu Á tại ngân hàng đầu tư UBP, nhận định. “Con số 5% là 'mức sàn' có thể dễ dàng vượt qua, một phần nhờ cơ sở so sánh yếu của năm trước”.
Năm 2022, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% sau khi Chính phủ nước này áp đặt các biện pháp hạn chế và phong tỏa nghiêm ngặt tại các thành phố lớn để kiểm soát dịch Covid-19.
Theo các nhà phân tích, kể cả khi nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2023, sự thận trọng của Bắc Kinh cho thấy sự thay đổi lớn trong bối cảnh kinh tế khi nước này bước ra khỏi bóng tối của đại dịch.
Mặt khác, trước cuộc khủng hoảng bất động sản, hoạt động xuất khẩu suy giảm trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng lên và tâm lý chưa hồi phục sau Covid, thay vì quan tâm tới các mục tiêu cao, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chú trọng nhiều hơn vào các mối đe dọa nếu như các dữ liệu kinh tế một lần nữa gây thất vọng.
“Bắc Kinh lo ngại về những tổn hại tâm lý nếu lại một lần nữa không đạt được mục tiêu đề ra”, Xiangrong Yu, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc đại lục tại Citi, nhận xét.
Citi trước đó dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,7% trong năm 2023.
Dù các dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng, nhưng một số chỉ số khác lại cho thấy những thách thức sâu sắc về mặt hệ thống. Doanh thu bất động sản so với năm trước vẫn đang giảm, dù tốc độ giảm ít nghiêm trọng hơn so với thời điểm cuối năm 2022. Bên cạnh đó, nhiều nhà phát triển địa ốc vẫn chịu áp lực tái cơ cấu nợ. Dữ liệu mới nhất hiện có cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm trong cả 3 tháng cuối năm ngoái.
“Chính phủ Trung Quốc đang có cách tiếp cận rất thận trọng khi đối mặt với một loạt yếu tố bất ổn”, ông Tang Yao, phó giáo sư về kinh tế ứng dụng tại Đại học Bắc Kinh, nhận xét khi nói về mục tiêu tăng trưởng năm 2023 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. “Những bất ổn trên thế giới đứng đầu trong danh sách mối quan ngại được Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ ra khi trình bày báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội”.
Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn đầu của đại dịch Covid tốt hơn so với nhiều quốc gia khác, khi nhu cầu hàng xuất khẩu tăng cao thúc đẩy nền kinh tế nước này. Năm 2021, GDP của nước này tăng 8,1%, dù con số này chủ yếu có được nhờ cơ sở so sánh thấp của năm 2020 khi dịch bệnh ập tới.
Một phần đáng kể của sự tăng trưởng này là nhờ xuất khẩu ròng - hoạt động đang suy yếu do nhu cầu toàn cầu giảm trong bối cảnh các nền kinh tế lớn khác đang chật vật kiểm soát lạm phát. Theo ông Tang, dù tiêu dùng nội địa sẽ phục hồi trong năm nay, Trung Quốc vẫn có thể bị tác động nghiêm trọng bởi do nhu cầu toàn cầu suy giảm “nghiêm trọng”.
VAI TRÒ CỦA THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
“Mục tiêu tăng trưởng thấp chủ yếu phản ánh sự suy giảm trong hoạt động xuất khẩu, nếu nhìn vào tỷ trọng của lĩnh vực này trong tăng trưởng kinh tế những năm gần đây”, bà Dan Wang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Hang Seng Bank China, nhận xét.
Tuy nhiên, theo bà Dan, chính sách tiền tệ thận trọng của Trung Quốc cho thấy việc thị trường bất động sản hoạt động hiệu quả ra sao có thể đóng vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%.
“Trước đây, dù kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái, tăng trưởng tín dụng thường sẽ tăng mạnh và thúc đẩy chu kỳ nhà đất đi lên”, bà nói. “Nhưng năm nay và cả năm ngoái, Bắc Kinh không có ý định thổi phồng thêm bong bóng nhà đất”.
Trước đây, đặc biệt là sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, phản ứng thường thấy của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc mỗi khi nền kinh tế suy yếu là tung ra các chương trình kích thích. Tuy nhiên, việc này giờ đây không còn dễ dàng trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực kiểm soát mức nợ cao.
Doanh thu nhà đất tại Trung Quốc đã bắt đầu giảm từ giữa năm 2021 sau làn sóng vỡ nợ của các công ty phát triển bất động sản lớn nhất nước này, trong đó đáng chú ý nhất là tập đoàn Evergrande. Dù thực tế, tới tháng 1 và tháng 2/2023, tốc độ giảm doanh thu có xu hướng chậm lại.
Tại các địa phương - nơi nguồn thu chủ yếu đến từ việc bán đất, Bắc Kinh dù do dự nhưng vẫn cho phép vay nợ thêm và không tăng hạn mức nợ mà các địa phương có thể huy động thông qua phát hành trái phiếu mới trong năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận