menu
24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh Thu.
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đằng sau sự hoảng loạn

Thứ Hai, ngày 5-8-2024, thị trường tài chính toàn cầu đã chứng kiến những giờ phút hoảng loạn khắp nơi: từ thị trường chứng khoán Nhật Bản cho đến thị trường dầu, vàng, tiền mã hóa, và thị trường chứng khoán Mỹ. Sau mỗi đợt bán tháo, thị trường lại đi tìm lý do để giải thích. Vậy lần này là gì?

Đằng sau sự hoảng loạn

Không chỉ một nguyên nhân

Lý do được chú ý nhiều nhất là chuyện carry trade của các nhà đầu tư quốc tế từ nhiều năm nay khi tận dụng chính sách lãi suất thấp của Nhật Bản, vay đồng yen và đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn như chứng khoán Mỹ. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bắt đầu can thiệp tỷ giá, và cú quyết định bất ngờ là việc tăng lãi suất tuần trước.

Lãi suất tăng khiến chứng khoán Nhật Bản với đại diện là chỉ số Nikkei 225 đang từ tăng 18% tính từ đầu năm chuyển sang giảm 5%. Những doanh nghiệp Nhật Bản phụ thuộc vào xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng lớn khi lãi suất tăng và yen mạnh lên, như cổ phiếu Toyota đã giảm gần 25% chỉ sau một tuần và gần 35% sau một tháng. Trong trường hợp tài sản thế chấp để vay là chứng khoán Nhật Bản thì áp lực thanh lý lại càng lớn. Và sự hoảng loạn đã xảy ra khi thị trường Nhật Bản đỏ lửa, giảm 12%, chỉ xếp sau Ngày thứ Hai đen tối (Black Monday) vào năm 1987.

Thị trường chứng khoán là nơi thể hiện rất rõ “bước đi ngẫu nhiên” trong ngắn hạn, bởi vì nó không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố nền tảng của doanh nghiệp, của nền kinh tế, mà còn phụ thuộc vào tâm lý của những người tham gia thị trường.

Tâm lý bán tháo sau đó bị lây lan qua thị trường chứng khoán Mỹ, khiến chỉ số VIX, được xem là chỉ số sợ hãi, tăng đột ngột lên mức chỉ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và đại dịch Covid-19. Có thời điểm, chỉ số VIX tăng 180% so với phiên đóng cửa. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm hơn 3% nhưng đáng chú ý nhất là khối lượng giao dịch tăng đột biến, lên đến gần 5 tỉ cổ phiếu được giao dịch trong ngày.

Bên cạnh việc Nhật Bản tăng lãi suất thì một vài nguyên nhân khác cũng có thể đóng góp đáng kể vào sự hoảng loạn và bán tháo.

Thứ nhất là lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh, dự báo khả năng chính sách tiền tệ được nới lỏng khi số liệu kinh tế có dấu hiệu yếu đi, ở đây là tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Mà cũng thật trùng hợp khi báo cáo việc làm mới đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng, chỉ số Sahm báo hiệu khả năng suy thoái có thể xảy ra.

Thứ hai là việc thị trường dự báo xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng một năm tăng lên, cùng với việc nhà đầu tư lẫy lừng Warren Bufett bán cổ phiếu Apple, nắm giữ một lượng lớn tiền mặt lên đến gần 300 tỉ đô la Mỹ. Mỗi khi quỹ Berkshire Hathaway không giải ngân hay giảm tỷ trọng cổ phiếu thì nhiều khả năng thị trường đã quá đắt.

Thứ ba là kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư vào nền kinh tế Mỹ, vào cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ là rất lớn, và các khoản đầu tư lại được sử dụng đòn bẩy tài chính. Khi có lực bán từ những nhà đầu tư chốt lời vì đã hài lòng với mục tiêu đầu tư thì đây lại là sức ép với những người sử dụng đòn bẩy tài chính.

Cuối cùng, những rủi ro về xung đột địa chính trị như Israel – Iran cũng tạo nên sự bất an đối với các nhà đầu tư, và sự lây lan có thể bị khuếch đại. Thường thị trường chứng khoán giảm thì những thị trường trú ẩn khác như vàng, dầu sẽ được hưởng lợi nhưng không phải vậy, và lý do có thể là vì tâm lý hoảng loạn hoặc phải thanh lý để tránh bị margin call chéo.

Như vậy, mặc dù carry trade có thể được xem là nguyên nhân chính nhưng các nguyên nhân còn lại đều có thể có những đóng góp quan trọng. Tuy nhiên, cũng rất khó để xác định độ lớn của sự ảnh hưởng vì chúng đều xảy ra ở các thời điểm rất gần nhau.

Cẩn tắc vô áy náy

Mặc dù có sự hoảng loạn và bán tháo nhưng thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã đóng cửa ở mức giảm còn cách khá xa so với Black Monday 19-10-1987. Khi đó, chỉ số S&P giảm 20% và Nasdaq giảm 11,5%. Còn khi khủng hoảng Covid-19 thì S&P và Nasdaq cùng giảm khoảng 12%. Ngoài ra, S&P 500 cũng chưa chạm đến mốc điều chỉnh (correction) khi giảm từ đỉnh gần nhất chưa vượt quá 10%.

Dù vậy thì thị trường cũng cần hết sức thận trọng với việc sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt là các bên cho vay nên đánh giá lại mức độ rủi ro, tài sản bảo đảm để có những điều chỉnh cần thiết phù hợp. Tiền lệ đã có với sự sụp đổ của Ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse khi cho quỹ Archegos vay đòn bẩy tài chính và bị phá sản vào tháng 3-2021.

Ngoài ra, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong bối cảnh có dấu hiệu suy thoái không phải lúc nào cũng là tích cực cho thị trường. Lịch sử đã cho thấy những lần giảm lãi suất vào năm 2001, 2007 đã dẫn đến những giai đoạn thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh kéo dài trong vài năm liên tục. Có những nhận định cho rằng Fed lại chậm chạp trong việc phản ứng với diễn biến của nền kinh tế: tăng lãi suất chậm khi đánh giá thấp lạm phát lần trước và lần này lại giảm lãi suất chậm khiến cho kinh tế suy yếu.

Thị trường chứng khoán là nơi thể hiện rất rõ “bước đi ngẫu nhiên” trong ngắn hạn, bởi vì nó không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố nền tảng của doanh nghiệp, của nền kinh tế, mà còn phụ thuộc vào tâm lý của những người tham gia thị trường. Việc tăng nóng (phần lớn là do tâm lý FOMO – sợ bỏ lỡ, mất cơ hội) rồi điều chỉnh cũng là một điều tự nhiên và đó là những điều chỉnh tích cực khi giá trị nội tại của các doanh nghiệp sẽ được nhìn nhận đúng trong dài hạn.

Để đề phòng những cú “crash” trong tương lai thì vai trò của các cơ quan quản lý giám sát là rất quan trọng. Theo đó, các cơ quan này cần chủ động, tích cực và sát sao trong những giai đoạn thị trường gia tăng đáng kể mức độ rủi ro, đặc biệt là những khoản đầu tư vào những tài sản có tính đầu cơ, không tạo giá trị gia tăng thông qua đòn bẩy tài chính. Cùng với đó là việc trao đổi thông tin, các phương pháp và công cụ quản trị rủi ro vì sự bất ổn của một thị trường có thể lây lan sang nhiều thị trường khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
17,713.62 +197.19 (+1.13%)
5,648.40 +56.44 (+1.01%)
38,621.00 +263.50 (+0.69%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả