Danameco dự kiến lỗ đến hết năm 2023, hy vọng "quật khởi" vào 2024
HĐQT Tổng CTCP Y tế DANAMECO (UPCoM: DNM) vừa thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023, từ lãi trước thuế 17.5 tỷ đồng thành lỗ hơn 41.5 tỷ đồng.
Căn cứ vào kết quả kinh doanh và tình hình thực tế của thị trường 10 tháng đầu năm 2023, HĐQT DNM đưa ra kế hoạch 2023 điều chỉnh, mục tiêu doanh thu đạt hơn 269 tỷ đồng, giảm 23% so với kế hoạch cũ và dự kiến lỗ trước thuế hơn 41.5 tỷ đồng, trong khi kế hoạch trước đó lãi 17.5 tỷ đồng.
Đối với kế hoạch kinh doanh năm 2024, DNM dự kiến đạt 305.6 tỷ đồng doanh thu và hơn 17.5 tỷ đồng lãi trước thuế, tương đương kế hoạch ban đầu của năm 2023.
HĐQT Công ty cho biết sẽ báo cáo việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 và xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2024 tại kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất.
Lỗ lũy kế gần 118 tỷ đồng tại cuối quý 2/2023
Danameco là doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế duy nhất trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu DNM được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ năm 2011. Kể từ thời điểm đó, Doanh nghiệp kinh doanh khá ổn định có lãi từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng mỗi năm.
Đỉnh điểm, năm 2020 - khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam khiến nhu cầu về thiết bị y tế tăng cao, Danameco ghi nhận lãi sau thuế kỷ lục hơn 37 tỷ đồng. Sang năm 2021, con số này giảm xuống 25 tỷ đồng song vẫn cao hơn giai đoạn 2011-2019.
Tuy nhiên, ngay sau khi đại dịch được kiểm soát, DNM lập tức đón nhận kết quả kinh doanh lao dốc trong năm 2022 với doanh thu thuần đạt 318 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ và ghi lỗ 100 tỷ đồng.
Hiện, DNM chưa công bố BCTC quý 3/2023. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 120 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế hơn 39 tỷ đồng, cải thiện hơn mức lỗ 67 tỷ đồng cùng kỳ.
Với kết quả kinh doanh kém tích cực thời gian qua, DNM lỗ lũy kế gần 118 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu còn chưa được 5 tỷ đồng.
Danameco lý giải kết quả thua lỗ do Công ty đã đầu tư rất nhiều máy móc thiết bị để sản xuất các mặt hàng chống dịch trong giai đoạn dịch bùng phát. Đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu thị trường đối với trang phục chống dịch không còn, nhưng Công ty vẫn phải trích chi phí khấu hao cho số lượng máy móc đã đầu tư mặc dù không được tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, DNM chuyển đổi sang khai thác thị trường xuất khẩu, nghiên cứu sản xuất các mặt hàng khác để tăng doanh thu, tuy nhiên có một số mặt hàng Doanh nghiệp đang phải chấp nhận lỗ để thâm nhập vào thị trường quốc tế.
Bị hủy niêm yết vì khoản lỗ nặng năm 2022
Ngày 24/07 vừa qua, HNX đã hủy niêm yết 5.2 triệu cp DNM do Công ty có tổng số lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2022 vượt quá vốn điều lệ thực góp. Ngày giao dịch cuối cùng là 21/07.
Trong thời điểm COVID-19 bùng phát, mã DNM là một trong những cổ phiếu "nóng" nhất trên sàn chứng khoán. Trước giai đoạn 2020, cổ phiếu này thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá và gần như không có thanh khoản.
Tính từ đầu năm 2020, thị giá DNM đã tăng hơn 1,000% lên đỉnh 70,000 đồng/cp vào tháng 8/2020. Sau đó, cổ phiếu này có sự điều chỉnh và duy trì mức giá trên 20,000 đồng/cp trong hơn 2 năm.
Lợi nhuận sau thuế các năm của DNM từ khi niêm yết
Đến tháng 3/2022, cổ phiếu DNM lần nữa "nổi sóng" khi tăng từ mức 37,500 đồng/cp lên 63,330 đồng/cp, tương ứng mức tăng gần 70% sau nửa tháng, trước khi lao dốc và hủy niêm yết như hiện tại.
Từ ngày 07/08, hơn 5.2 triệu cp DNM được giao dịch trên thị trường UPCoM với giá chào sàn 18,300 đồng/cp. Phiên sáng 06/11, thị giá DNM chững ở mốc tham chiếu 17,200 đồng/cp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận