Đại gia kín tiếng bất ngờ quá nổi, hai tháng có thêm 700 triệu USD
Cổ phiếu ngân hàng của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) tiếp tục bứt phá và trở thành điểm nổi bật trên thị trường chứng khoán, vượt qua những phiên điều chỉnh và có thêm 700 triệu USD giá trị vốn hóa trong vòng 2 tháng.
Cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội vừa ghi nhận hai phiên tăng trần liên tiếp, mỗi phiên tăng thêm gần 10%, trong bối cảnh thị trường chứng khoán ở vào thời điểm khó xác định, chịu áp lực chốt lời khá lớn.
Tính từ đầu tháng 2 tới nay, cổ phiếu SHB của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) đã tăng gần gấp đôi, lên mức 21.400 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa của ngân hàng tăng thêm khoảng 17 nghìn tỷ đồng.
Đây là diễn biến chưa từng có đối với cổ phiếu này.
Diễn biến giao dịch của cổ phiếu SHB trong 2 phiên gần đây cũng gây ấn tượng mạnh với giới đầu tư, đặc biệt một phiên giao dịch với 80 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, trị giá khoảng 1.500 tỷ đồng trong tuần trước. Chỉ trong 2 phút, hàng triệu cổ phiếu được đặt mua ở mức giá cao chót vót, giúp cổ phiếu này tăng trần trong nháy mắt và trở thành động lực lớn kéo thị trường đi lên.
Không chỉ SHB của Bầu Hiển, cổ phiếu SSB của Ngân hàng SeABank của bà trùm sân golf Nguyễn Thị Nga cũng gây ấn tượng khi tăng kịch trần 4 phiên liên tiếp sau khi chào sàn trong tuần trước. Tổng cộng cổ phiếu SSB đã tăng 47%.
Thanh khoản của SSB cũng tăng mạnh lên mức 4 triệu cổ phần được chuyển nhượng trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, kết thúc phiên, dư mua giá trần còn rất lớn, tới hơn 1,3 triệu đơn vị, trong khi không còn dư bán.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng mạnh trở lại như LienVietPostBank tăng 4,1%, Vietinbank tăng 2,43%, TPB tăng 2,6%,... Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực kéo VN-Index tăng gần 13,5 điểm trong phiên đầu tuần.
Các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh nhiều nhà băng báo lãi lớn trong năm 2020 và dự báo tiếp tục lãi cao trong năm 2020.
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán SSI (SSI), SHB của Bầu Hiển sẽ đặt 5.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 2021, tăng 70% so với năm trước và sát với kế hoạch của ngân hàng.
Trong 2020, SHB đã xóa nợ 3.000 tỷ đồng, giảm tỷ lệ nợ xấu từ 1,91% xuống mức 1,83%. Số dư trái phiếu VAMC (sau khi trích lập dự phòng) giảm 13% xuống còn 3.500 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng mạnh tay chi nghìn tỷ trả cổ tức cho cổ đông và chính thức hoàn thành việc tái cấu trúc sau gần một thập kỷ gặp khó khăn.
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố thông tin cho biết ngân hàng này dự kiến sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (CTG) cũng vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc tổ chức ĐHCĐ thường niên 2021 với phương án trả cổ tức 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Với hơn 3,7 tỷ cổ phiếu, VietinBank sẽ chi trả khoảng 1,86 nghìn tỷ đồng cho cổ đông.
SHB cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước xếp vào danh sách 17 ngân hàng có tầm quan trọng năm 2021.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index đứng trên ngưỡng 1.170 điểm.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ điều chỉnh giảm trở lại khi thử thách vùng kháng cự 1.180-1.185 điểm trong phiên 30/3. Về tổng thể, sau khi hồi phục thành công từ vùng hỗ trợ quanh 1.150 điểm, chỉ số tiếp tục duy trì dao động trong kênh giá đi ngang 1.150-1.200 điểm. Xu thế dao động này có thể sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn. Dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ có sự hồi phục nhẹ tuy nhiên xu hướng chủ đạo vẫn là đi ngang tích lũy.
Hôm nay, tổ chức FTSE Russell sẽ công bố kết quả đánh giá xếp hạng thị trường kỳ 1/2021. Sự kiện này có thể tạo ra sự ảnh hưởng đối với xu hướng thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/3, chỉ số VN-Index tăng 13,47 điểm lên 1.175,68 điểm; HNX-Index tăng 5,2 điểm lên 276,16 điểm. Upcom-Index tăng 0,66 điểm lên 80,52 điểm. Thanh khoản đạt 17,8 nghìn tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận