Đã đề xuất cơ chế xử lý các ngân hàng yếu kém và SCB
Thủ tướng đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; đề xuất cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và Ngân hàng SCB.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã có báo cáo kết quả thực hiện kinh tế xã hội 2022, kế hoạch 2023 tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra hôm nay (3/1).
Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh thông tin, Chính phủ đã rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và Ngân hàng SCB; tăng cường thanh tra, giám sát, có biện pháp quyết liệt để bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó là các nội dung như tập trung chấn chỉnh, xử lý sai phạm, tháo gỡ vướng mắc cho các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; thúc đẩy phát triển thị trường lao động.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%. Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất được điều chỉnh phù hợp. Thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường trong và ngoài nước; tăng trưởng tín dụng đạt 12,87%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận