Đã có 310 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh, nhóm ngân hàng 9 tháng tăng 53%
Tổng lợi nhuận của các công ty đã công bố kết quả tăng 25,0% so với cùng kỳ cho Q3/21 và 46,7% so với cùng kỳ cho 9 tháng đầu năm...
Thống kê mới nhất từ VnDirect cho thấy, tính đến thời điểm ngày 26/10, đã có 310 công ty đã công bố kết quả kinh doanh, tương ứng với 17,8% tổng số cổ phiếu và 21,9% tổng vốn hóa toàn thị trường. Tổng lợi nhuận của các công ty đã công bố kết quả tăng 25,0% so với cùng kỳ cho Q3/21 và 46,7% so với cùng kỳ cho 9 tháng đầu năm.
Trong đó, nhóm vốn hoá lớn có tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 3 cao nhất với 35,4%; ngược lại, nhóm vốn hoá nhỏ tăng trưởng âm 22,5%, nhóm vốn hoá vừa tăng trưởng không đáng kể với 3,1% so với cùng kỳ năm 2020. VN30 có tốc độ tăng trưởng 22,2%. Tính cả sàn HOSE tăng trưởng 28,7%.
Luỹ kế 9 tháng năm 2021, nhóm vốn hoá lớn tăng trưởng 49%; nhóm vốn hoá vừa tăng trưởng 39% và nhóm vốn hoá nhỏ âm 13,2%. VN30 tăng trưởng 38% còn cả sàn HOSE tăng 46,7%.
Nếu xét theo nhóm ngành, nhóm giấy và lâm nghiệp vươn lên xếp vị trí thứ nhất về tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 3 với 243,4%. Nhóm dầu khí đứng thứ hai 185,6% và nhóm Dịch vụ hỗ trợ đứng thứ ba với 185,5%. Nhóm dịch vụ tài chính đứng thứ tư với 131% còn nhóm ngân hàng tăng trưởng 26,6%. Ngược lại, nhóm bán lẻ tăng trưởng âm 141%; nhóm công nghiệp âm 62% và nhóm Xây dựng và Vật liệu âm 47%.
Đánh giá về tình hình kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3, ông Lê Anh Minh, CFA, Phó Giám đốc Đầu tư CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, bức tranh lợi nhuận tổng thể quý 3 của doanh nghiệp Việt Nam cơ bản là không tích cực từ đợt dịch Covid 19 lần thứ 4, tuy nhiên không vì thế mà không có những ngành được gọi là điểm sáng, ghi nhận những mức lợi nhuận cao lịch sử.
Thứ nhất là ngành chứng khoán, ngành thứ hai là ngành vật liệu xây dựng, tiếp nữa là ngành hóa chất cũng như là ngành phân bón và cuối cùng đó chính là ngành công nghệ. Tuy nhiên, phần lớn các ngành còn lại bị ảnh hưởng, ngành du lịch, hàng không, bán lẻ cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề do lệnh cấm di chuyển giữa các nước cũng như là trong nước giữa các tỉnh.
Ngành ngân hàng cũng là ngành bị ảnh hưởng, mức tăng của họ thực sự đã thấp hơn kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên, việc nhiều ngân hàng đã chống chịu tương đối tốt khi vẫn tăng trưởng dương.
Cũng theo ông Minh, trong ngắn hạn, có những ngành khó khăn có thể có sự hồi phục. Ví dụ, ngành năng lượng dầu khí là một ngành có thể được hưởng lợi từ quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới, khi mà sự thiếu năng lượng từ than, khí, dầu đang xảy ra cục bộ ở rất nhiều nước, sẽ đẩy giá khí và giá dầu lên cao.
Ngành thứ hai là sự phục hồi của ngành ngân hàng, khi rất nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng đã bị bán và chiết khấu rất nhiều trong quý 3 vừa rồi và khiến cho ngành này có mức định giá giá hấp dẫn hơn rất nhiều. Trong khi đó khá nhiều ngân hàng trong quý 3 này vẫn tăng trưởng lợi nhuận dương, sức khỏe tài chính cũng như là tỷ lệ bao nợ xấu ở mức an toàn. Ngành này có thể phục hồi ngắn hạn rất nhanh trong quý 4.
Ngành thứ ba cũng rất là đáng quan tâm đó chính là ngành chứng khoán, ngành này mới chỉ là ở mức ban đầu của một chu kỳ tăng trưởng trung và dài hạn tương đối là lớn khi tỷ lệ người dân Việt Nam đầu tư chứng khoán tương đối là thấp so với các nước khác trong khi vực. Cuối đó chính là những ngành bán lẻ, ngành liên quan đến đầu tư công sẽ phục hồi nhanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận