Cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng như thế nào?
Trong khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm Nghị quyết số 115/2018/NQ-CP, trong nghị quyết có nội dung cho các dự án năng lượng mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận được hưởng giá bán ưu đãi, nhưng cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng vẫn ký văn bản gửi dự thảo tờ trình mà không đề cập đến giá điện mặt trời...
Như Báo CAND đã phản ánh, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra bổ sung vụ án xảy ra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương cùng một số tỉnh, thành liên quan, đồng thời đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 12 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cơ quan an ninh điều tra xác định, bị can Hoàng Quốc Vượng đã phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hành vi phạm tội của bị can Hoàng Quốc Vượng đã tạo cơ chế cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được hưởng giá điện ưu đãi 9,35 UScents/kWh (hơn 2.000 đồng/kWh).
Theo đó, năm 2017, sau khi hủy dự án điện hạt nhân, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 11/2017 khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, quy định giá mua điện từ các dự án mặt trời nối lưới là 9,35 UScents/kWh, áp dụng đến hết tháng 6/2019. Bộ Công Thương sẽ đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp dụng sau thời gian này.
Tại tỉnh Ninh Thuận, trong giai đoạn 2016 đến 2018, ngoài ba dự án điện mặt trời đã có, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung năm dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh; Bộ Công thương phê duyệt bổ sung 24 dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận với tổng công suất khoảng 2.000 MW.
Cuối năm 2017, Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam (do ông Nguyễn Tâm Thịnh làm đại diện theo pháp luật) đề xuất và được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận, sau đó có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị bổ sung Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, công suất 50 MW vào Quy hoạch điện VII.
Từ đây, Bộ Công thương đã thực hiện một số thủ tục thẩm định, lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan. Tuy nhiên, ngày 10/5/2018, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng với nội dung, chỉ xem xét bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh với các dự án đã hoàn thành thẩm định.
Do đó, Bộ Công Thương dừng việc thẩm định, bổ sung quy hoạch đối với các dự án điện mặt trời nói chung, trong đó có nhà máy của Trung Nam - Thuận Nam.
Trong giai đoạn này, bị can Phương Hoàng Kim là Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã trực tiếp chỉ đạo Phòng Kế hoạch và Quy hoạch thực hiện thủ tục thẩm định và trực tiếp ký các văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, đề nghị góp ý về việc bổ sung quy hoạch dự án.
Khi đó, bị can Hoàng Quốc Vượng với trách nhiệm là Thứ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp ký văn bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình phát triển các dự án điện mặt trời.
Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023. Văn bản này có nội dung, cho các dự án năng lượng mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận được hưởng giá bán ưu đãi 9,35 UScents/kWh đến hết năm 2020, thay vì chỉ đến tháng 6/2019 như Quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tháng 8/2018, Bộ Công Thương lập Tổ soạn thảo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (Dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg) gồm 26 thành viên, do bị can Phương Hoàng Kim làm Tổ trưởng.
Tổ soạn thảo đã đưa nội dung vào dự thảo là: Đối với tỉnh Ninh Thuận, giá bán điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021, với tổng cộng suất không quá 2.000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 UScents/kWh)...
Tháng 4/2019, bị can Hoàng Quốc Vượng chủ trì cuộc họp về việc xây dựng nội dung dự thảo và chỉ đạo thay đổi nội dung trên theo hướng, quy định áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp.
Việc thay đổi như trên sẽ khiến số lượng các đơn vị được bán điện giá cao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được hưởng lợi. Biết rõ việc đó, nhưng các bị can tại Bộ Công Thương vẫn thực hiện bất chấp sự phản đối của Bộ Tư pháp và yêu cầu xem xét lại từ Bộ Tài chính.
Tháng 11/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm Nghị quyết số 115/2018/NQ-CP. Tuy nhiên, bị can Hoàng Quốc Vượng vẫn gửi dự thảo tờ trình nhưng không đề cập đến giá điện mặt trời...
Tháng 4/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, bao gồm nội dung trên.
Sau khi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ban hành, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có tổng cộng 30 dự án được hưởng chính sách giá điện 9,35 UScents/kWh. Trong đó có hai dự án không đủ điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi theo Nghị quyết số 115/NQ-CP, gồm Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải (công suất thiết kế 35 MW) và Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (công suất thiết kế 450 MW).
Từ tháng 7/2020 đến tháng 1/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã mua điện và thanh toán cho Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải 238 tỷ đồng để mua điện với giá 9,35 UScents/kWh. Chi phí phát sinh chênh lệch, gây thiệt hại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 57 tỷ đồng.
Đối với Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tạm thanh toán cho đơn vị này 3.122 tỷ đồng để mua điện với giá 9,35 UScents/kWh. Chi phí phát sinh chênh lệch, gây thiệt hại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 717 tỷ đồng.
Bị can Hoàng Quốc Vượng đã nhận của Công ty Đầu tư Xây dựng Trung Nam số tiền 1,5 tỷ đồng. Đến nay, gia đình bị can Hoàng Quốc Vượng đã nộp toàn bộ số tiền trên để khắc phục hậu quả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận