Cựu phó giám đốc ngân hàng lừa hơn 2.700 tỷ đồng: Nhiều bị hại không trình báo
Cựu Phó giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình (Hà Nội) lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.705 tỷ đồng của khoảng 100 người nhưng cơ quan điều tra mới xác định được 46 bị hại với đầy đủ thông tin họ tên, địa chỉ.
Mới đây, VKSND TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ vụ cựu Phó giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng sang TAND TP Hà Nội để xét xử.
Vụ án bắt đầu được hé lộ từ sau khi Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhận được trình báo của bà N.T.H. (SN 1979, ở Hoàng Mai, Hà Nội) tố cáo bà Vũ Thị Thu Nhung (SN 1977, cựu Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Ba Đình) có hành vi chiếm đoạt 23 tỷ đồng thông qua việc làm giả các Chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn rút vốn linh hoạt tại Ngân hàng Eximbank.
Quá trình điều tra, cơ quan công an còn nhận được đơn tố cáo của nhiều người khác.
Bị cáo Vũ Thị Thu Nhung được đưa ra xét xử hôm 4/6, nhưng phiên tòa phải tạm hoãn do vắng nhiều bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ảnh: HM
Kết quả điều tra cho thấy, năm 2013, bà Nhung được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình. Thời điểm đó, bà Nhung được giao nhiệm vụ phụ trách việc huy động vốn của các khách hàng cá nhân.
Năm 2014, bà Nhung cần tiền chi tiêu cá nhân nên đã có hành vi gian dối, đưa ra các thông tin không có thật với những người quen biết để lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.705 tỷ đồng của khoảng 100 người.
Thủ đoạn tinh vi
Cáo buộc chỉ ra rằng, để chiếm được số tiền lớn của khách hàng, bà Nhung đưa ra thông tin gian dối về việc Ngân hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình tổ chức bán đấu giá tài sản nợ xấu tại ngân hàng. Việc này nhằm để khách hàng tin tưởng nộp tiền ký quỹ đăng ký mua tài sản đấu giá.
Để thực hiện việc chiếm đoạt tiền của khách hàng, bà Nhung thành lập Công ty TNHH tư vấn đầu tư và quản lý tài sản Việt Nam (Công ty QLTS Việt Nam) do bà Nhung làm Chủ tịch HĐQT, nhờ người khác đứng tên tổng giám đốc.
Bà Nhung giới thiệu với khách hàng đây là “công ty sân sau” của nội bộ lãnh đạo Eximbank, là đơn vị kết hợp với Ngân hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình đứng ra tổ chức các cuộc đấu giá thanh lý tài sản nợ xấu tại ngân hàng.
Nếu khách hàng gửi tiền ký quỹ để tham gia đấu giá vào tài khoản của công ty mở tại các ngân hàng khác thì sẽ được chia lợi nhuận cao.
Bà Nhung còn lên mạng internet tìm kiếm các hình ảnh về thửa đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các cá nhân có quan hệ tín dụng với ngân hàng, lưu hình ảnh trên máy điện thoại với mục đích giới thiệu với khách hàng đó là tài sản nợ xấu, cần thanh lý của ngân hàng.
Để tránh bị phát hiện, bà Nhung còn dặn khách hàng phải giữ bí mật thông tin vì chương trình ưu đãi chỉ dành riêng cho một số khách hàng.
Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định, từ năm 2014 đến tháng 5/2022, thông qua các trung gian hoặc trực tiếp nhận tiền của các bị hại, bà Vũ Thị Thu Nhung đã lừa khoảng 100 người, chiếm đoạt hơn 2.705 tỷ đồng.
Thế nhưng đến nay, CQĐT mới xác định được 46 bị hại trong vụ án với đầy đủ thông tin họ tên, địa chỉ. Những người này đã chuyển cho bà Nhung hơn 788 tỷ đồng.
Một trong số các nạn nhân của cựu phó giám đốc ngân hàng phải kể đến chị V.T.H. (nhân viên tư vấn chứng khoán).
Có 8 người thông qua chị H. đã chuyển cho bà Nhung hơn 76 tỷ đồng để nhờ gửi tiền ký quỹ đầu tư mua bán đấu giá thanh lý (MBĐGTL) tài sản nợ xấu tại Ngân hàng Eximbank rồi bị chiếm đoạt.
Theo CQĐT, tháng 1/2022, chị H. quen biết bà Nhung. Sau đó, bà Nhung đề nghị chị H. giới thiệu khách hàng gửi tiền ký quỹ đầu tư vào Công ty QLTS Việt Nam để được hưởng tiền lợi nhuận chênh lệch từ việc MBĐGTL tài sản nợ xấu tại Eximbank từ 5-10%/số tiền gửi ký quỹ. Chị H. chỉ cần chuyển lại cho khách từ 3-7%/số tiền ký quỹ theo thỏa thuận, còn lại được hưởng.
Bà Nhung còn mời chị H. làm cộng tác viên cho Ngân hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình, ký hợp đồng cộng tác viên với chị này về việc phát triển và mở rộng mạng lưới khách hàng; giao chị H. tư vấn, tìm kiếm khách hàng gửi tiền ký quỹ vào Công ty QLTS Việt Nam để đầu tư MBĐGTL tài sản nợ xấu tại Eximbank.
Ngày 18/1/2022, chị H. cùng với khách hàng tên C. (hiện không rõ thông tin, địa chỉ) chuyển 7 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty QLTS Việt Nam. Sau khi nhận tiền, bà Nhung đã chuyển trả tiền lợi nhuận 1 tỷ đồng cho H. Chị H. chuyển 700 triệu đồng cho khách hàng C., hưởng lợi 300 triệu đồng.
CQĐT không nhận được đơn trình báo của người tên C. nên chưa có căn cứ để xem xét, xử lý. Do vậy, CQĐT xác định chị H. là bị hại trong vụ án.
Tương tự, từ tháng 1- 5/2022, chị H. đã giới thiệu nhiều đại gia khác chuyển vào tài khoản của Công ty QLTS Việt Nam để ký quỹ đầu tư MBĐGTL tài sản nợ xấu tại Ngân hàng Eximbank, tổng số hơn 112 tỷ đồng.
Đến nay, CQĐT xác định được 9 bị hại có đơn trình báo về việc thông qua chị H. đã chuyển tổng cộng 87,6 tỷ đồng vào Công ty QLTS Việt Nam để ký quỹ đầu tư MBĐGTL tài sản nợ xấu, rồi bị bà Nhung chiếm đoạt.
Theo cáo trạng, tổng số tiền mà bà Nhung đã chuyển khoản trả tiền lợi nhuận cho chị H. là hơn 28,2 tỷ đồng. Chị H. đã chuyển đi cho các khách hàng 27,3 tỷ đồng, hưởng lợi gần 1 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, CQĐT đã đăng báo tìm bị hại nhưng họ không trình báo nên không xác định tư cách là bị hại trong vụ án. CQĐT đã yêu cầu chị H. giao nộp số tiền được hưởng lợi bất chính nhưng đến nay chị này chưa giao nộp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận