Cuối năm, không dễ vay vốn ngân hàng với lãi suất cao
Nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao dịp cuối năm, song do cạn room, ngân hàng khó đẩy mạnh vốn cho vay, dù lãi suất đầu ra tăng.
Khó vay vốn
Dư địa cho vay còn lại trong hơn một tháng cuối năm rất hạn chế, nên vốn tín dụng sẽ được ưu tiên vào lĩnh vực thiết yếu và lĩnh vực ưu tiên. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm của ngành là 14% và NHNN kiên định với chủ trương không nới room, nên nhà băng khó mở rộng tín dụng ồ ạt cuối năm.
Lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn cho hay, nhu cầu vốn những tháng cuối năm rất lớn để giữ chỗ các dịch vụ hàng không, khách sạn… cho các chương trình du lịch dịp Tết tăng cao. Thế nhưng, doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn từ các ngân hàng.
Trao đổi về các chương trình hỗ trợ lãi suất đang được triển khai, ông Nguyễn Hữu Trung, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm quyền Tổng giám đốc Vietbank cho hay, bên cạnh việc chủ động quản lý danh mục nợ, xử lý nợ quá hạn, nợ xấu, Vietbank vẫn tiếp tục tham gia cho vay hỗ trợ lãi suất theo các chương trình, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành. “Chúng tôi đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch Covid-19”, ông Trung nói.
Trong khi đó, muốn tiếp cận nguồn vốn lãi ưu đãi 2% không phải doanh nghiệp cũng đáp ứng đủ điều kiện. NHNN cho biết, sau hơn 4 tháng triển khai, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới thực hiện được khoảng 20% trên tổng số 800.000 tỷ đồng dư nợ có thể cho vay trong năm 2022. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do địa phương chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp…
Lãi vay tăng
Theo phản ánh, hiện không ít doanh nghiệp ngành vận tải phải vay với lãi suất 15-16%/năm, thế nhưng cũng không dễ tiếp cận.
Trong khi đó, các gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp sau đại dịch dù đã được triển khai, song tốc độ giải ngân chậm, tình trạng doanh nghiệp kêu khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cũng cho thấy các điều kiện để vay vốn chưa thực sự phù hợp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, hoạt động cho vay của ngân hàng phải tuân thủ các điều kiện, quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn, nên không phải đối tượng nào cũng có thể tiếp cận vốn ngân hàng.
Theo đánh giá của nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), ông Phạm Xuân Hòe, nhu cầu vốn của nền kinh tế lớn, nhưng ngân hàng cũng không thể đáp ứng được nhiều bởi thiếu hụt nguồn tiền và hạn chế về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu do thị trường giảm. Do đó, cần cân nhắc thực hiện các chính sách hỗ trợ để tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp, như tính đến việc bơm vốn cho nền kinh tế, tăng lượng cung tiền, tăng hạn mức tín dụng... Bên cạnh đó, cần quyết liệt hơn nữa trong giải ngân đầu tư công vào các dự án trọng điểm.
Còn TS. Trần Hùng Sơn, giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM) nhận định, mặt bằng lãi suất thời gian tới phụ thuộc nhiều vào thanh khoản, đặc biệt là diễn biến giải ngân đầu tư công. Tiền hút vào nhiều thông qua trái phiếu chính phủ, thu ngân sách vượt kế hoạch trong khi giải ngân đầu tư công chậm, khiến thị trường khan tiền, áp lực lên lãi suất cho vay
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận