Cú sốc nguồn cung hàng hóa từ xung đột Nga-Ukraine
Thời điểm Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine cũng khởi đầu cho cơn sóng tăng giá trên thị trường hàng hóa, bởi lẽ Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu nằm trong top đầu ở nhiều mặt hàng, như dầu khí, phân bón, than, thép, ngũ cốc,…
Giá hàng hoá toàn cầu liên tục lập đỉnh mới với mức tăng 2 chữ số trên diện rộng, từ đó khởi nguồn cho tâm lý lo ngại về rủi ro lạm phát đình đốn – tức tăng trưởng kinh tế thấp song hành cùng lạm phát cao.
Đà tăng giá mạnh các loại hàng hóa từ dầu thô, lúa mì cho tới khí tự nhiên và nickel đang đe dọa tới đà phục hồi kinh tế, vốn đang rất mỏng manh sau đại dịch, làm gia tăng áp lực lạm phát tại các quốc gia thậm dụng nhiên liệu và làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng chi phí cuộc sống của hàng triệu triệu con người.
Dầu
Ngày 08/03, Mỹ và Anh đồng loạt công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, trong khi EU cam kết giảm 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022.
Trước thông tin đó, giá dầu Brent vượt mốc 130 USD/thùng, thậm chí có lúc còn lên gần 140 USD/thùng, cao hơn gấp đôi so với thời điểm cách đây 1 năm. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu gần đây đã hạ nhiệt, trong đó giá dầu Brent đã hạ xuống 110 USD/thùng, còn dầu WTI ở mức 106 USD/thùng.
Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới sau UAE và Ả-rập Xê-út, với tổng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ đạt khoảng 10 triệu thùng/ngày. Sự gián đoạn trong các chuyến dầu từ Nga tới các đường ống ở Châu Âu sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Trước đó, dù chưa có lệnh cấm nhập khẩu dầu, nhưng phần lớn người mua vẫn né xa dầu của Nga vì sợ vướng rắc rối. Hiện tại, khoảng 66% dầu của Nga đang chật vật tìm kiếm người mua, các chuyên viên phân tích tại JPMorgan viết trong báo cáo.
Trong kịch bản cực đoan, dầu Brent có thể khép lại năm 2022 ở mức 185 USD/thùng nếu nguồn cung của Nga tiếp tục bị gián đoạn, JPMorgan Chase viết trong báo cáo ngày 03/03.
Khí đốt
Giá khí thiên nhiên trên sàn TTF của Hà Lan có lúc tăng vọt 79% chỉ trong 1 ngày sau thông tin Mỹ và châu Âu cân nhắc cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Giá khí đốt này đã tăng hơn gấp 3 lần kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.
Tuy nhiên, hiện tại, giá khí thiên nhiên đã hạ nhiệt xuống 126 Euro/Mwh, giảm mạnh so với mức trên 300 Euro/Mwh tại đỉnh điểm.
Trước đó, hãng truyền thông Nga RT đưa tin "Đường ống Yamal-Europe đã tạm dừng tất cả các nguồn cung cấp gas sang hướng Tây, điều đó có nghĩa là dòng chảy từ Nga sang Đức đã bị đình chỉ vô thời hạn".
Theo RT, Nga đáp ứng gần 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu qua đường ống này và việc ngừng nguồn cung có khả năng khiến giá khí gas ở châu Âu tăng vọt.
Nga cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu, và bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào cũng có thể tác động xấu tới nền kinh tế của châu lục này và kéo dài cuộc khủng hoảng năng lượng tới mùa đông tiếp theo.
Khí đốt thường được sử dụng để sưởi ấm và sản xuất điện. Việc cung cấp khí đốt qua hệ thống đường ống vẫn được duy trì ổn định, với việc Gazprom liên tục trấn an dư luận rằng dòng luân chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine vẫn đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các giao dịch viên lại tỏ ra khá lo lắng về một sự cố tiềm tàng có thể xảy ra.
Than
Hợp đồng than nhiệt chất lượng cao tại cảng Newcastle (Australia) có lúc nhảy vọt 446 USD/tấn, trước khi hạ nhiệt trở lại, theo ICE Futures Europe. Tính tới ngày 11/03, hợp đồng này dao động ở mức 380 USD/tấn, gấp hơn 3 lần so với cách đây 1 năm.
Điều này xuất phát từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Nga, cũng như làn sóng đổ xô tìm nguồn cung năng lượng thay thế, nhất là tại châu Âu. Giá than tại châu Âu – vốn phụ thuộc vào Nga nhiều hơn bất kỳ nhà cung ứng nào khác – tăng lên cao nhất kể từ năm 2008.
Nga là quốc gia sản xuất than lớn thứ 6 trên thế giới trong năm 2020 với 303 triệu tấn, chiếm 5.2%. Quốc gia này có 131 mỏ than hoạt động. Theo số liệu tháng 2, Nga cung cấp 3.3 triệu tấn than qua đường biển cho châu Âu. Cuộc chiến tại Ukraine sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn than từ Nga nên các quốc gia châu Âu sẽ tìm lượng cung từ Mỹ, Colombia và Nam Phi. Các quốc gia châu Á cũng đang tìm nguồn cung thay thế cho than của Nga, điều này khiến cung thế giới càng thêm thắt chặt.
Thép
Giá thép tiêu chuẩn tại châu Âu tăng 22% lên 1,160 Euro/tấn (1,257 USD/tấn), mức cao nhất kể từ tháng 8/2021, theo dữ liệu từ Kallanish Commodities Ltd. Thép là một trong những nguyên vật liệu thô bùng nổ vì cuộc chiến Nga-Ukraine đe dọa tới nguồn cung từ hai ông lớn sản xuất thép.
Hàng loạt nhà sản xuất thép tại Ukraine – bao gồm ArcelorMittal SA và Metinvest Holding – đã buộc phải tạm ngừng hoạt động vì cuộc chiến tại Ukraine. Ukraine thường nằm trong top 5 nhà sản xuất thép lớn nhất tới EU.
Trong khi đó, các công ty Nga gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu thép tới EU. Hãng thép Nga Severstal đã ngừng bán hàng tới châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ, sau khi chủ của hãng thép này, Alexei Mordashov, bị các nước phương Tây trừng phạt.
Nga hiện chiếm 10% lượng thép giao dịch trên toàn cầu, trong khi Ukraine chiếm 4%. Nga đang xếp thứ hai về xuất khẩu thép vào EU (Sau Thổ Nhĩ Kỳ), chiếm tỷ trọng khoảng 14.1% đối với thép dẹt và 19% đối với thép dài. Tỷ trọng xuất khẩu vào EU của một số bên liên quan như Ukraine là 8% thép dẹt và 7.4% thép dài, với Belarus là 14.4% thép dài, với Trung Quốc là 5.7% thép dẹt và 5.8% thép dài.
Tại Trung Quốc, hợp đồng tương lai thép thanh tăng vượt 5,050 Nhân dân tệ/tấn, cao nhất kể từ tháng 10/2021. Điều này là nhờ sự gián đoan nguồn cung từ Nga-Ukraine, cũng như sự hồi phục nhu cầu khi Trung Quốc sắp công bố gói chi tiêu cơ sở hạ tầng.
Lúa mì
Giá lúa mỳ cũng không nằm ngoài đà tăng giá hàng hoá nói chung. Mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến cho nguồn cung mặt hàng này bị gián đoạn. Nga và Ukraine chiếm tới 25% tổng kim ngạch thương mại lúa mỳ của toàn thế giới. Sau khi tăng trần trong 6 phiên liên tiếp 7%/phiên, lên 12.94 USD/giạ, giá hợp đồng lúa mỳ tương lại tại Chicago cũng hạ nhiệt về dưới 11 USD/giạ.
Phân bón
Nga đã tạm ngừng xuất khẩu phân bón, một động thái gây chấn động thị trường toàn cầu bởi nguy cơ sẽ khiến nguồn cung phân bón thế giới bị mất đi một phần đáng kể, đẩy giá các chất dinh dưỡng cây trồng lên mức kỷ lục mới, làm trầm trọng thêm lạm phát lương thực trên toàn thế giới.
Nga là một nhà xuất khẩu chính của mọi loại chất dinh dưỡng cây trồng với giá rẻ. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Nga chiếm 18% thị trường kali trong năm 2017. Trong số các loại phân bón khác, Nga cũng chiếm 20% lượng amoniac xuất khẩu và 15% lượng phân urê xuất khẩu của toàn thế giới.
Chỉ số Giá Phân bón Bắc Mỹ của Green Markets (Green Markets North American Fertilizer Price Index) đã tăng 10% vào ngày 04/03 lên 984.72 USD, mức cao nhất kể từ tháng 12/2021.
“Mất đi Nga và phần xuất khẩu lớn từ họ sẽ là một cú sốc nghiêm trọng về nguồn cung cho thị trường”, Alexis Maxwell, Chuyên viên phân tích tại Green Markets thuộc Bloomberg, cho biết qua thư điện tử.
Nickel
Giá nickel tăng đột biến trong bối cảnh nhiều người lo ngại về khả năng cung ứng mặt hàng này từ các nhà cung cấp Nga. Hiện tại, giá nickel đang ở mức 48,241 USD/MT, tăng 131.03% so với đầu năm.
Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu nickel lớn nhất thế giới, và tâm lý lo ngại về các lệnh trừng phạt hoặc những khó khăn trong công tác vận chuyển hàng hóa đã khiến cho thị trường liên tục dậy sóng. Hơn 70% nguồn cung Nickel toàn cầu được sử dụng để sản xuất thép không gỉ. Đây là kim loại được sử dụng trong pin của các phương tiện chạy điện - xu hướng giao thông mới trên thị trường trong vài năm trở lại đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận