24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu, lợi nhuận một loạt doanh nghiệp thủy sản lao dốc

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 cũng đã được các doanh nghiệp thủy sản tính đến trong kế hoạch 2020 tuy nhiên kết quả kinh doanh nửa đầu năm đã cho thấy mức độ ảnh hưởng là lớn hơn dự báo.

Các doanh nghiệp thủy sản trên sàn hầu hết đã công bố báo cáo tài chinh quý II/2020 với kết quả kinh doanh nhuốm màu ảm đảm. Nguyên nhân chủ yếu do dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới đã ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Trung Quốc và EU.

Doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận nhóm thủy sản trong quý II và 6 tháng đầu năm là Vĩnh Hoàn (mã VHC) cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu quý II của Vĩnh Hoàn giảm gần 18% xuống 1.666 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm tới gần 49% so với quý II/2019, còn 215 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn đạt 3.308 tỷ đồng doanh thu và 368 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 13% và 49% cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu cá tra giảm mạnh do tác động của Covid-19 đặc biệt là thị trường Mỹ (-64%) và Trung Quốc (-46%) trong tháng 6.

Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu, lợi nhuận một loạt doanh nghiệp thủy sản lao dốc

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi gặp nhiều khó khăn, Vĩnh Hoàn tìm kiếm các cơ hội đầu tư tài chính nhằm bù đắp phần nào đồng thời tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn tiền dồi dào khoảng 1.400 tỷ đồng.

Với mặt bằng lãi suất thấp cộng với việc giá một số cổ phiếu cơ bản trên thị trường xuống thấp, Vĩnh Hoàn thực hiện mua một số cổ phiếu cơ bản tốt. Top 3 cổ phiếu mà Vĩnh Hoàn giải ngân bao gồm MWG (đầu tư 87,2 tỷ, hiện công ty phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này 4,92 tỷ đồng), FPT (28,55 tỷ) và HPG (23,64 tỷ đồng).

Xuất khẩu cá tra đối mặt với thách thức mới khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới khiến Thủy sản Nam Việt (Navico – mã ANV) báo lãi thấp nhất trong một quý kể từ quý II/2017.

Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt 884 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp cũng giảm 6%, đạt 90 tỷ đồng tương đương biên lãi gộp co lại từ 21% xuống còn 10%. Sau khi trừ các khoản chi phí, Navico lãi ròng 32 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Navico ghi nhận 1.695 tỷ đồng doanh thu thuần và 76 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 14% và 78,6% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành được 56,5% kế hoạch về doanh thu và 37,8% mục tiêu về lợi nhuận.

Tương tự, Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (mã IDI) cũng báo lãi quý II giảm 61% về mức 26 tỷ đồng. Công ty cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu cá tra fille đông lạnh khi thị trường bị gián đoạn, giá xuất khẩu giảm mạnh.

Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế giảm đến 82% so với cùng kỳ, còn hơn 40 tỷ đồng, hoàn thành 25% kế hoạch cả năm. Năm 2020, công ty muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời liên kết với các hộ nuôi để chủ động được khoảng 90–95% nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận cả năm giảm 39% xuống 160 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một loạt doanh nghiệp thủy sản khác như Camimex (mã CMX), Thủy sản Bến Tre (mã ABT), Thủy sản Cửu Long An Giang (mã ACL) đều báo lãi sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, thậm chí Thủy sản Mekong (mã AAM) còn lần đầu báo lỗ sau 10 quý.

Trong kỳ, Thủy sản Mekong ghi nhận doanh thu thuần gần 24 tỷ đồng, giảm 52% chủ yếu do doanh thu xuất khẩu giảm hơn 1 triệu USD (khoảng gần 25 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm đến 80% xuống còn vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng.

Cùng với việc khoản thu tài chính giảm 52%, AAM báo lỗ gần 600 triệu đồng trong quý II trong khi cùng kỳ lãi ròng 3,7 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ đầu tiên Thủy sản Mekong kể từ sau quý III/2017. Kết quả này khiến lãi ròng 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp thủy sản này giảm tới 99% so với cùng kỳ, xuống mức 71 triệu đồng.

Trong khi đó, Thủy sản Minh Phú (mã MPC) là một trong những cái tên hiếm hoi trong nhóm thủy sản có sự tăng trưởng lợi nhuận quý II vừa qua. Cụ thể, lãi ròng quý II của tập đoàn đạt 179 tỷ đồng, tăng tới 155% so với cùng kỳ. Kết quả này chủ yếu nhờ hoạt động tài chính tăng trưởng cùng việc tiết giảm chi phí trong khi doanh thu thuần trong kỳ sụt giảm 34%, còn 2.736 tỷ đồng.

Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu, lợi nhuận một loạt doanh nghiệp thủy sản lao dốc

Tính chung nửa đầu năm, Thủy sản Minh Phú ghi nhận 5.580 tỷ đồng doanh thu, và 236 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 26% và tăng 51% so với cùng kỳ. Theo giải trình từ phía công ty, dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến thị trường xuất khẩu ảnh hưởng, khi mà hệ thống nhà hàng, khách sạn, sòng bài, tàu du lịch hiện chiếm đến 50% doanh số song hầu hết bị đóng cửa.

Trên thực tế, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 cũng đã được các doanh nghiệp thủy sản tính đến trong kế hoạch 2020 tuy nhiên kết quả kinh doanh nửa đầu năm đã cho thấy mức độ ảnh hưởng là lớn hơn dự báo.

SAU CƠN MƯA TRỜI LẠI SÁNG?

Trong báo cáo phân tích triển vọng ngành mới đây, CTCK BSC cho rằng hai quý đầu năm 2020 là thời điểm xấu nhất đối với các doanh nghiệp ngành thủy sản. BSC kỳ vọng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp thủy sản khởi sắc trở lại trong 6 tháng cuối năm 2020 nhờ ảnh hưởng tích cực do EVFTA mang lại. Thêm vào đó, nhu cầu tăng trưởng khi lệnh phong tỏa dỡ bỏ và kênh HORECA hoạt động trở lại.

Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, BSC cho rằng việc giảm thuế xuất nhập khẩu sẽ đem lại ích lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm. Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực,..) sẽ được giảm ngay về 0% từ mức 20%. Các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh hiện đang chịu có mức thuế 6-8% sẽ giảm ngay về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%...

Bên cạnh lợi ích cơ bản là thuế quan, tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác (Ấn Độ, Thái Lan); thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm; tạo ra động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai bên;...

Dù vậy, BSC cũng cho rằng rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp thủy sản là việc các quốc gia có thể tái phong tỏa khi làn sóng Covid-19 quay trở lại sẽ ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục của ngành.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
71.60 -0.30 (-0.42%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả