Coteccons dự phòng nợ xấu liên quan Tân Hoàng Minh hơn 1.000 tỷ đồng
Giá vốn hàng bán cùng nhiều chi phí đều nối đuôi tăng trưởng đã bào mòn lợi nhuận quý I/2023 của doanh nghiệp xây dựng đình đám Coteccons.
Công ty Cổ phần Coteccons (HoSE: CTD) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023. Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng tích cực đạt 3.129 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu chủ yếu đến từ các hợp đồng xây dựng, đem về cho công ty 3.124 tỷ đồng trong quý.
Thế nhưng doanh thu tăng cao lại đi đôi với giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh, khiến Coteccons báo lãi gộp “đi lùi” xuống mức 55,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng là một điểm cộng. Quý I/2023, Coteccons đem về 84 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 12% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận phát sinh hơn 724 triệu đồng tiền lãi đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên về khoản mục chi phí tài chính, công ty lại ghi nhận đang lỗ hơn 6,4 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán kinh doanh – trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản này.
Giá vốn hàng bán ở mức cao cùng nhiều loại chi phí nối đuôi tăng mạnh khiến lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng bị bào mòn, giảm 24% xuống còn 22 tỷ đồng.
Năm 2023, Coteccons đề ra kế hoạch kinh doanh với 16.249 tỷ đồng doanh thu, tăng 12%; lợi nhuận sau thuế gấp 10 lần so với năm tài chính 2022, đạt 233 tỷ đồng. Như vậy sau quý đầu năm, công ty mới chỉ hoàn thành hơn 9% mục tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Coteccons tăng 6% so với đầu năm, ghi nhận 20.041 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu nằm ở tài sản dài hạn với hơn 18.568 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận tăng gấp đôi đầu năm, đạt 1.984 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn của công ty hiện chiếm tỉ trọng lớn nhất 11.317 tỷ đồng. Đây đa phần là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và đã được công ty trích lập dự phòng 1.062 tỷ đồng. Khoản dự phòng nợ xấu này chủ yếu đến từ Công ty TNHH Bất động sản Ngôi sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh và Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Việt.
Ở chiều ngược lại, hàng tồn kho lại có xu hướng đi xuống, ghi nhận giảm từ 2.837 tỷ đồng xuống còn hơn 2.529 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Coteccons tăng 10% lên hơn 11.800 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng chủ yếu do phát sinh khoản phải trả bao thanh toán gần 1.200 tỷ đồng, trong khi đầu năm không ghi nhận khoản này.
Ngoài ra, công ty còn ghi nhận phải trả các đội xây dựng và cám bộ công nhân viên hơn 7,3 tỷ đồng tại cuối quý I/2023. Bên cạnh đó, tổng vay nợ tăng 8% lên gần 1.200 tỷ đồng, do tăng các khoản vay ngân hàng ngắn hạn.
Diễn biến thị giá cổ phiếu CTD 3 tháng qua (Ảnh: TradingView).
Năm 2022 là một năm khó khăn với Coteccons khi giá cổ phiếu liên tiếp sụt giảm, tạo đáy mới.
Tại phiên họp thường niên tổ chức sáng ngày 25/4, cổ đông của Coteccons chất vấn ban lãnh đạo về lý do giá cổ phiếu năm ngoái có lúc xuống 23.450 đồng/cổ phiếu, đây là mức thấp nhất từ khi niêm yết.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons Bolat Duisenov cho rằng khoảng tháng 11/2022, cổ phiếu vận động theo xu hướng thị trường. Giá cổ phiếu đến nay hồi phục mạnh so với vùng đáy cách đây nửa năm, hiện giao dịch quanh 57.000 đồng.
Cho rằng cổ phiếu năm ngoái chạm đáy vì xu hướng chung, ông Bolat Duisenov khuyên cổ đông tự tin với triển vọng dài hạn và mua thêm nếu giá giảm.
Chốt phiên ngày 25/4, cổ phiếu CTD đang dừng ở vùng giá 58.000 đồng/cổ phiếu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận