Công ty chứng khoán và những vấn đề phía sau cuộc đua tăng vốn
Mặt bằng lãi suất thấp đã và đang tạo thúc đẩy dòng tiền vào các kênh đầu tư có mức sinh lời cao hơn, điển hình là chứng khoán. Điều này buộc các công ty chứng khoán liên tục gia tăng vốn điều lệ, qua đó có thêm nguồn lực cho cuộc cạnh tranh thu hút khách hàng.
Từ zero-fee tới cuộc chạy đua công nghệ
Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) cho thấy 10 công ty chứng khoán có thị phần giao dịch môi giới lớn nhất trên sàn HOSE nắm giữ tổng thị phần ở mức 69,13% tính tới cuối quí 1-2024. Miếng bánh thị phần môi giới “phình to” theo sự gia tăng thanh khoản của thị trường, nhưng các công ty chứng khoán không hưởng lợi lớn như trước, vì cạnh tranh gay gắt khiến các chính sách miễn, giảm phí giao dịch (zero-fee) liên tục được kích hoạt.
Ứng dụng công nghệ mới đã thay đổi thói quen giao dịch của nhà dầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Với nhóm công ty chứng khoán dẫn dầu về thị phần môi giới, VPS, SSI, VNDirect, TCBS, HSC, Mirae Asset… đang khiến cuộc đua thu hút khách hàng thêm gay cấn.
Mirae Asset từng nhấn mạnh kế hoạch mở rộng hoạt động môi giới chứng khoán, với mục tiêu đưa thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm vào nhóm năm doanh nghiệp dẫn đầu sàn HOSE. Trước đó, trong năm 2023, thị phần môi giới của doanh nghiệp đạt 5,06%, giữ vị trí thứ sáu trên HOSE.
Trước đó, tất cả khách hàng mở mới tài khoản bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tại Mirae Asset, nhưng không chọn môi giới quản lý tài khoản sẽ được thụ hưởng chính sách không phí giao dịch (Zero Fee), gồm cả phí trả Sở giao dịch chứng khoán – vốn ở mức 0,027% tính trên giá trị giao dịch.
VPS, đơn vị dẫn đầu về thị phần môi giới 12 quí liên tiếp, cũng không ngừng gia tăng lượng khách hàng cá nhân mới nhờ việc miễn giảm phí giao dịch, hạ lãi vay margin, tổ chức giải đấu với giải thưởng giá trị…
Doanh nghiệp này cũng áp dụng mức hoa hồng hấp dẫn với đội ngũ môi giới, có thể lên tới 80%. Nhờ đó, đội ngũ tư vấn và môi giới của đơn vị này “phủ sóng” trên nhiều nền tảng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông liên tục nhiều giờ mỗi ngày.
Trước sức ép tới các công ty chứng khoán quy môn lớn, không ít đơn vị sở hữu quy mô nhỏ hơn cũng quyết liệt hành động. Tại đại hội cổ đông bất thường tháng 12-2023, Công ty chứng khoán LPBank (LPBS) đã thông qua việc tăng vốn điều lệ lên 3.888 tỉ đồng, gấp 15 lần hiện tại.
Với số tiền thu về ít nhất là 3.600 tỉ đồng sau khi tăng vốn, LPBS lên kế hoạch dùng 2.938 tỉ đồng để bổ sung cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và các dịch vụ kinh doanh chứng khoán khác. Ngoài ra, LPBS sẽ tăng cường tuyển dụng trong năm 2024 khi số lượng nhân viên dự kiến là 200 người, tăng 171 người so với năm 2023.
Tất cả hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ margin hấp dẫn, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, môi giới để phát triển mạng lưới khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp chứng khoán đầu tư vào công nghệ để cạnh tranh thu hút nhà đầu tư cá nhân.
Ngoài những phương thức phát triển mạng lưới khách hàng truyền thống, một số công ty chứng khoán lựa chọn thu hút khách hàng qua hình thức công nghệ.
Mirae Asset dự kiến phát triển kênh giao dịch không môi giới để đón đầu làn sóng đầu tư vào thị trường chứng khoán của đông đảo nhà đầu tư cá nhân mới. Đồng thời, xây dựng hệ thống phần mềm riêng có sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ Mirae Asset Hàn Quốc. Đây là kế hoạch để thực hiện mục tiêu trở thành một trong những công ty chứng khoán có hệ thống giao dịch tốt hàng đầu thị trường, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Còn Công ty chứng khoán DNSE – một công ty chứng khoán thế hệ mới, lưạ chọn phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa hoạt động đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT DNSE cho biết, trước làn sóng nhà đầu tư gia tăng mạnh, các công ty chứng khoán truyền thống khó đảm bảo yêu cầu về chất lượng dịch vụ khi lượng khách hàng cần xử lý với mỗi nhân viên môi giới rất lớn. Do đó, thị trường còn nhiều dư địa cho công ty chứng khoán thế hệ mới.
Với bối cảnh trên, doanh nghiệp này phát triển các sản phẩm tư vấn, quản trị cho vay ký quỹ (margin) theo từng giao dịch như Margin X, trợ lý ảo Ensa, hay trang phân tích, đánh giá toàn diện cổ phiếu Senses… Kết quả, DNSE đã có 600.000 khách hàng tính tới cuối năm 2023, tăng hơn 100 lần sau ba năm.
Với 4.200 tỉ đồng vốn huy động từ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đơn vị này dự định đầu tư 10% để phát triển cơ sở hạ tầng, với hai cấu phần.
Phần thứ nhất, đầu tư hạ tầng để cạnh tranh về tốc độ xử lý lệnh theo hướng hạ tốc độ xử lý lệnh xuống khoảng 5–8 mili giây một lần. Hiện tốc độ xử lý lệnh của DNSE với dịch vụ chứng khoản phái sinh và cơ sở khoảng 10 mili giây một lần
Phần thứ hai, xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng để đề phòng những sự kiện hy hữu như cháy nổ, thiên tai… Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động tư vấn để tạo lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, DNSE cũng xây dựng mô hình các đối tác cung cấp vốn cho nhà đầu tư trên nền tảng của doanh nghiệp. Nhờ đó, việc tận dụng và sử dụng vốn của DNSE sẽ hiệu quả hơn so với mô hình tại các công ty chứng khoán truyền thống.
Còn ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc khối, phụ trách luật và kiểm soát tuân thủ của Công ty chứng khoán SSI, cho biết việc giải quyết vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) – qua đó đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán – cũng tạo áp lực về vốn với các công ty chứng khoán thành viên. Ngoài ra, việc nâng cấp hệ thống cũng đặt trách nhiệm và rủi ro lớn về phía công ty chứng khoán. Hai yếu tố này buộc các đơn vị phải bổ sung nguồn lực về vốn.
“Trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư thuộc về công ty chứng khoán, do đó, tất yếu các công ty này phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán. Đây cũng là lý do đa số các công ty chứng khoán đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025, là bước chuẩn bị cho cuộc chơi nâng hạng”, ông Hải nói tại một hội thảo
An toàn hệ thống trở thành ưu tiên hàng đầu
Bên cạnh việc tăng cường năng lực cạnh tranh trong cuộc đua “zero-fee”, vụ tấn mạng nhắm vào Công ty chứng khoán VNDirect – đơn vị nắm giữ thị phần môi giới lớn thứ ba trên sàn HOSE – khiến vấn đề về bảo mật hệ thống, an toàn thông tin tại các công ty chứng khoán Việt Nam trở thành quan tâm hàng đầu tới nhà đầu tư. Ngoài ra, việc nâng cấp hệ thống công nghệ để thích ứng với bối cảnh mới, sau khi hệ thống KRX chính thức vận hành, cũng trở thành yêu cầu bắt buộc với nhiều đơn vị.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của Công ty chứng khoán SSI ngày 25-4, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, cho rằng sự cố xảy ra với VNDirect là điều không ai mong muốn. Về phía SSI, đơn vị luôn quan tâm tới yếu tố bảo mật, đến mức nhiều cán bộ nhân viên doanh nghiệp còn cho rằng quan tâm thái quá khi yêu cầu đổi mật khẩu liên tục, gắn camera nơi làm việc… Nhưng đó là sự bảo mật và chuẩn bị cần thiết.
“Chúng tôi yêu cầu đổi mật khẩu thường xuyên, qua nhiều khâu giám sát. Hệ thống như nhà chúng ta, việc đầu tiên là phải có người giám sát để phát hiện người lạ vào. Quan trọng là khi người ta vào chúng ta có phát hiện được ngay không, người ta có mang đồ ra được không. Khi người lạ vào nhà thì chúng ta phải loại trừ được ngay. Nếu chẳng may hệ thống có vấn đề thì chúng ta phải khởi động được hệ thống dự phòng và sau bao lâu thì hồi phục được”, ông Hưng lý giải.
Còn ông Nguyễn Đức Thông, Phó tổng giám đốc SSI, cho biết nhiều người chỉ nghĩ “an toàn thông tin là xây tường, không cho người khác đột nhập vào nhà mình”. Nhưng quan trọng là phải đảm bảo khi người xấu vào hệ thống thì có thể phát hiện ngay và loại bỏ càng sớm càng tốt.
“Chúng tôi rất quan tâm và có nhiều kịch bản để xử lý. Chúng tôi luôn cập nhật các phương pháp tấn công mới để rà soát lại hệ thống và thích ứng. Một khâu rất quan trọng là phải có dữ liệu dự phòng, sao lưu và phục hồi được dữ liệu”, ông Thông nói.
Với DNSE, ông Nguyễn Hoàng Giang cũng khẳn định yếu tố bảo mật luôn được đặt lên hàng đầu. Hiện đơn vị này đang hợp tác với đối tác từ Canada để quản trị và nâng cao bảo mật.
“DNSE thực hiện bảo mật hai lớp cho các nhà đầu tư, đồng thời bảo mật cho data center của DNSE đặt tại trung tâm dữ liệu của FPT và xây dựng nền tảng sao lưu dữ liệu. Công ty cũng đang ghi chép lại dữ liệu trên một phiên bản độc nhất để không có ai có thể chỉnh sửa được”, ông Giang nói và cho biết việc bảo mật và xây dựng dữ liệu dự phòng nhằm bảo vệ lời cam kết của doanh ngiệp về dịch vụ giao dịch tiền 24/7.
Cũng theo vị này, không ai có thể nói đơn vị mình mãi mãi không bị tấn công mạng, nhưng kỳ vọng trong trường hợp xuất hiện rủi ro hệ thống, nền tảng của DNSE có thể phục hồi và khôi phục dịch vụ trong khoảng thời gian ngắn nhất từ 4-8 tiếng.
“Mục tiêu của chúng tôi là giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng, để khách hàng gần như không có cảm giác có vấn đề gì đã và đang xảy ra”, ông Giang nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận