menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Tâm

Còn "sóng" chuyển sàn giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong 2023?

Trong mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) 2023, nhiều ngân hàng có kế hoạch chuyển sàn niêm yết, giao dịch cổ phiếu sang HOSE.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ; trong đó có tờ trình về kế hoạch lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 10% so với 2022, đạt 502 tỷ đồng; chia vốn chủ sở hữu 10%; đồng thời còn có tờ trình về nội dung chuyển giao dịch cổ phiếu BVB từ sàn UpCOM sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE).

Còn "sóng" chuyển sàn giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong 2023?

BVB lên kế hoạch chuyển sàn niêm yết trong năm nay. Ảnh: BVB

Theo Bản Việt, cổ phiếu BVB được đăng ký giao dịch tại UpCOM của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ tháng 7/2020. Sau hơn 2 năm thực hiện giao dịch, việc chuyển sàn giao dịch sang niêm yết cổ phiếu tại HOSE sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông, đồng thời hướng tới những bước đi vững chắc trong tương lai của ngân hàng.

Năm 2022, Bản Việt đạt kết quả kinh doanh tích cực. Tổng tài sản ngân hàng đạt hơn 79 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với 2021. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 59,600 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 50,900 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 10% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 456 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch và tăng 46% so với 2021. Tính chung cả năm 2022, số lượng khách hàng tăng gần 75% so với 2021. Ngân hàng Bản Việt cũng được đánh giá là ngân hàng có sự chuyển đổi số linh hoạt và hiệu quả.

Ngày 30/3 vừa qua, cổ đông của Bản Việt cũng vừa được chốt quyền thực hiện việc chia vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 15% và quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1. Theo văn kiện dự kiến báo cáo tại Đại hội, việc tăng vốn sẽ hoàn tất trong tháng 05/2023.

Bản Việt sẽ ĐHĐCĐ vào ngày 26/4/2023.

Lịch ĐHĐCĐ của Ngân hàng TMCP An Bình (ABB, ABBank) sau Bản Việt 2 ngày, vào 28/4/2023. Năm nay, trái ngược với sự thận trọng trong kết quả kinh doanh của một số ngân hàng, tài liệu ĐHĐCĐ của ABBank cho thấy HĐQT và Ban Lãnh đạo dự kiến trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 2.826 tỷ đồng, tăng mạnh tới 68% so với kết quả đạt được trong năm 2022.

Trong nhiều nội dung tại các tờ trình, HĐQT ABBank cũng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch chuyển sàn giao dịch từ UpCOM sang HOSE. Cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định thời gian thực hiện và thực hiện các thủ tục cần thiết cho việc chuyển sàn.

Cổ phiếu ABB của ABBank chào sàn UpCOM vào cuối tháng 12/2020, giá chào sàn 15.000đ/cp. Trước đó, đón chào thông tin ABB chính thức lên giao dịch "nhà mới", nhiều cổ đông, nhà đầu tư ABB đã "nương theo con sóng" và tận hưởng quả ngọt của việc ngân hàng đăng ký giao dịch tập trung.

Năm 2022, ABBank cũng trình cổ đông kế hoạch dự kiến niêm yết tại HOSE.

Còn "sóng" chuyển sàn giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong 2023?

ABB cũng tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng vốn điều lệ và kế hoạch niêm yết chính thức

Trung tuần tháng 3, ĐHĐCĐ 2023 của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, NAB) diễn ra hôm 17/3 cũng đã thông qua nội dung niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE hoặc HNX tùy theo điều kiện thị trường.

NAB đã có mặt tại UpCOM từ tháng 10/2020. Năm 2022, Nam A Bank cũng cổ đông kế hoạch niêm yết và được ĐHĐCĐ thông qua, nhưng sau đó do điều kiện thị trường, ngân hàng đã hoãn để đảm bảo quyền lợi cổ đông.

Thống kê trên 3 sàn cho thấy với TCTD và "nhóm cổ phiếu vua", hiện có 17 ngân hàng đã niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, 2 ngân hàng niêm yết trên HNX, 8 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường UpCOM và 3 ngân hàng giao dịch trên OTC.

Thực tế trong nhiều năm qua, không tính đến yêu cầu tiến đến niêm yết theo quy định của Nhà nước, các ngân hàng, đặc biệt nhỏ và tầm trung trong hệ thống đều rất nỗ lực lên "chiếu trên". Với các ngân hàng chưa đăng ký giao dịch tập trung, thì việc có mặt tại UpCOM thường được xem là lựa chọn phù hợp kịp cho các kế hoạch tăng vốn và tiến tới niêm yết chính thức. Các ngân hàng đã có mặt trên UpCOM, thậm chí là HNX, thì sau một thời gian giao dịch, để tạo thuận lợi hơn nữa cho giao dịch cổ phiếu của cổ đông và nhà đầu tư, với thanh khoản sôi động hơn, các quy chuẩn niêm yết cao hơn, cơ hội tìm kiếm các nhà đầu tư đối tác chiến lược tổ chức và đặc biệt nhà đầu tư ngoại cũng lớn hơn, thì tất yếu sẽ chọn con đường lên HOSE.

Một chuyên gia cho biết, bên cạnh đó, cần lưu ý là trong cấu trúc hoạt động 2 Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), thì HOSE sẽ là nơi giao dịch tập trung cổ phiếu.

"Mặc dù hiện nay công cuộc tái cấu trúc thị trường chứng khoán đã bắt đầu đi vào phần lõi khi lộ trình sắp xếp lại các thị trường nhưng lộ trình sắp xếp lại các thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh vẫn đang cần nhiều điều kiện và thời gian, tuy nhiên mục tiêu của VNX đặt ra ngay từ ban đầu là đến cuối năm 2023, toàn bộ cổ phiếu niêm yết HNX sẽ chuyển về HOSE, chưa thay đổi. Chúng ta thấy lộ trình HOSE tiếp nhận cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết từ HNX là từ ngày 01/01/2025 đến chậm nhất hết ngày 30/06/2025: HOSE tiếp nhận cổ phiếu của doanh nghiệp đăng ký giao dịch (UpCOM) từ HNX. Đồng thời tiếp nhận và xem xét hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu mới của doanh nghiệp sau khi đã hoàn thành việc tiếp nhận cổ phiếu của doanh nghiệp UpCOM. Do đó, sẽ không lạ khi các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngân hàng, sẽ tính đường chuyển giao dịch từ UpCOM sang niêm yết thẳng tại HOSE. Đây sẽ là những kế hoạch rất có lợi cho cổ đông và cho sự tăng trưởng, đặc biệt về quy mô vốn của ngân hàng, doanh nghiệp trong tương lai. Những trường hợp chuyển sàn như SHB, ACB, LPB, VIB, hay thậm chí là các trường hợp từ UpCOM chuyển lên HNX như BAB... trong thời gian qua cho thấy điều đó", chuyên gia đánh giá.

Ngoài ra, chuyên gia cũng lưu ý trong nỗ lực cơ cấu lại hệ thống TCTD và xử lý các ngân hàng yếu kém năm nay, sẽ có những ngân hàng được cổ đông Nhà nước thoái vốn, tạo điều kiện thoáng về lượng cổ phiếu lưu hành để lên "nhà mới", cũng như có tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn, hoặc vì nguyên do vì khách quan, chủ quan mà rút hồ sơ niêm yết, điển hình như trường hợp KienlongBank.

"Dù vậy về lâu dài, việc lên HOSE không chỉ mang đến uy tín, tín nhiệm, tăng giá trị thương hiệu, hình ảnh ngân hàng trong mắt đối tác, cổ đông, còn giúp ngân hàng có cơ sở tiến đến tối đa hóa các giá trị; do đó, đây vẫn sẽ là "địa chỉ", "đích đến" niêm yết tất yếu của các tổ chức đại chúng muốn "nâng tầm", chuyên gia nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại